Vụ thâu tóm 'đất vàng': Bị cáo Nguyễn Đại Dương khai về 20 tỷ nữ đại gia chuyển khoản
Chiều nay (16/8), phiên tòa xét xử vụ thâu tóm 'đất vàng' ở Bình Dương tiếp tục với phần thẩm vấn.
Cáo trạng cho rằng, do được bố vợ là ông Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐTV kiêm TGĐ Công ty SX-XNK Bình Dương) cho biết Tổng Công ty sẽ triển khai thực hiện dự án trên khu đất 43ha, Nguyễn Đại Dương thống nhất cùng ông Minh việc thành lập liên doanh để có pháp nhân thực hiện dự án.
Do vậy, ông Nguyễn Đại Dương đứng ra thành lập Công ty Âu Lạc, nắm quyền chỉ đạo và giao cho bạn là Nguyễn Quốc Hùng làm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật.
Ngay sau khi thành lập Công ty Âu Lạc, ông Dương đã chỉ đạo ông Hùng ký hợp đồng hợp tác với Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương, thành lập liên doanh Công ty Tân Phú với mục đích nhận chuyển nhượng khu đất 43ha của Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương chỉ với giá 570.000 đồng/m2.
Theo cáo buộc, dù ông Nguyễn Đại Dương không đứng tên góp vốn thành lập Công ty Âu Lạc, nhưng kết quả điều tra cho thấy việc bị cáo nhờ người có tên Dương Đình Tâm đứng tên hộ 45% cổ phần tại Công ty Âu Lạc và ông Dương là người trực tiếp điều hành công ty này.
Cáo trạng xác định bị cáo Nguyễn Đại Dương giữ vai trò xuyên suốt, thúc đẩy, hỗ trợ, tạo điều kiện cho bố vợ và đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội và liên đới cùng ông Nguyễn Văn Minh và các đồng phạm khác gây thất thoát cho Nhà nước hơn 964 tỷ đồng.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, ông Dương cho rằng, bản cáo trạng đưa ra nhiều hành vi phạm tội của bị cáo, kết luận nhiều hành vi của bị cáo, biến bị cáo trở thành đồng phạm với bố vợ và nhóm lợi ích Nguyễn Quốc Hùng.
Nhưng thực tế VKS viết bản cáo trạng theo ý chí của mình, không có căn cứ, không có phụ lục các kết luận được rút ra từ bút lục nào. Bị cáo mong VKS đưa ra căn cứ truy tố tội bị cáo như nội dung cáo trạng.
Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Đại Dương, việc Công ty Tân Phú chuyển quyền sử dụng đất 43ha, bị cáo biết nhưng không tham gia gì.
Bị cáo thừa nhận có việc giúp bị cáo Hùng đến gặp ông Minh để thỏa thuận hợp tác. Sau đó hai bên có ký kết hợp đồng hợp tác với Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương, thành lập liên doanh Công ty Tân Phú.
Vào thời điểm cuối năm 2015, đầu 2016, xảy ra mâu thuẫn giữa bị cáo Hùng và Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương, hai bên không ngồi lại được với nhau, có nhờ bị cáo giải quyết vướng mắc.
Theo cáo buộc, dù Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương chưa chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú và chưa xin chủ trương chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, nhưng ông Nguyễn Đại Dương đã trực tiếp đàm phán, thỏa thuận với nữ đại gia Đặng Thị Kim Oanh về việc Công ty Tân Phú đã nhận chuyển nhượng khu đất 43ha từ Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương.
Theo đó, Công ty Âu Lạc sẽ nhận chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú của Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương để sở hữu 100% vốn góp tại Công ty Tân Phú và chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty của bà Đặng Thị Kim Oanh với giá 350 tỷ đồng.
Lúc này, bị cáo Nguyễn Quốc Hùng, đại diện Công ty Âu Lạc được giao ký hợp đồng hứa mua hứa bán với Công ty Thuận Lợi (Công ty gia đình của Đặng Thị Kim Oanh) các với nội dung như đã nêu trên.
Tại tòa, ông Nguyễn Đại Dương khai chỉ là người giới thiệu và không khi nào trực tiếp làm việc với bà Kim Oanh.
Trả lời thẩm vấn về việc bà Oanh chuyển tiền vào tài khoản của ông Nguyễn Đại Dương, bị cáo trình bày: "Tòa phải hỏi bà Kim Oanh, bà ấy chuyển vì muốn bị cáo cam kết. Khoản 20 tỷ đồng là đặt cọc".