Vụ thầy giáo ngồi uống nước, học viên tập lái tông chết bé 3 tuổi: Trách nhiệm các bên liên quan thế nào?
Trong lúc dạy lái xe ô tô, người thầy giáo đã bỏ ra ngoài uống nước, để 2 nữ học viên tự điều khiển xe tập lái. Sau đó, chiếc xe gây tai nạn làm bé gái 3 tuổi tử vong. Trong vụ việc này, trách nhiệm của các bên liên quan được xác định như thế nào?
Liên quan đến vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến đường của khu dân cư tập trung Hải Thanh thuộc xã Hải Thanh (Hải Hậu, Nam Định) làm bé gái 3 tuổi tử vong, Công an huyện Hải Hậu cho biết, đang củng cố hồ sơ, xem xét trách nhiệm của các bên liên quan để xử lý theo quy định.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 17h30’ chiều ngày 11/8, cháu N.T.T. (3 tuổi, trú tại xã Hải Phúc) được chị họ chở bằng xe đạp đi trên tuyến đường của khu dân cư tập trung Hải Thanh thuộc xã Hải Thanh thì bất ngờ bị một xe ôtô đi cùng chiều tông từ phía sau.
Hậu quả, cháu T tử vong, còn người chị họ may mắn thoát nạn.
Quá trình xác minh vụ tai nạn, Công an xác định chiếc xe gây tai nạn là xe dành cho học viên tập lái của Trường trung cấp Đại Lâm (có địa chỉ tại phường Lộc Hạ, TP Nam Định). Vào thời điểm xảy ra tai nạn, thầy giáo dạy lái không ở trong xe mà ra ngoài ngồi uống nước, trong xe chỉ có 2 học viên nữ.
Nhiều độc giả quan tâm, trong vụ việc này, trách nhiệm của các bên liên quan được xác định như thế nào?
Trao đổi với phóng viên, luật sư Khương Tân Phương, (Trưởng VPLS Thuận Nam, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm một người tử vong, bởi vậy cơ quan chức năng cần điều làm rõ việc xe tập lái đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn hay chưa? Học viên đã thực hành đủ số buổi trên sân tập trước khi lái xe ra đường? Giáo viên dạy thực hành có hay không có mặt tại hiện trường nơi xảy ra vụ việc để có căn cứ xác định lỗi của giáo viên, học viên và hậu quả của vụ tai nạn để xử lý theo quy định của pháp luật.
Khoản 1, Điều 58, Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định, "Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái".
"Trong vụ việc trên, có thể nhận thấy giáo viên vi phạm quy định về đào tạo lái xe, giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển khi không có mình trên xe, vi phạm Luật Giao thông đường bộ, vi phạm quy định về đào tạo và sát hạch lái xe của Bộ GTVT, có dấu hiệu của tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Còn học viên không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, khi không có giáo viên bảo trợ tay lái mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây tai nạn giao thông có thể bị xử lý hình sự về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", luật sư Phương nhấn mạnh.
Cùng nêu quan điểm về vụ việc, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VPLS Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Luật giao thông đường bộ quy định, cơ sở đào tạo lái xe là loại hình cơ sở dạy nghề, phải có đủ điều kiện về lớp học, sân tập lái, xe tập lái, đội ngũ giáo viên, giáo trình, giáo án và phải được giấy cấp phép theo quy định. Cơ sở đào tạo lái xe phải thực hiện đúng nội dung và chương trình quy định cho từng loại, hạng giấy phép lái xe. Trong quá trình đào tạo lái xe thì giáo viên phải ngồi cạnh để trợ giúp tay lái cho học viên, phải sử dụng xe chuyên dụng để sử dụng cho tập lái. Nghiêm cấm việc giáo không ngồi cạnh học viên khi thực hành lái xe.
“Đối chiếu theo quy định pháp luật, trong tình huống trên, học viên điều khiển phương tiện khi không có giáo viên bảo trợ là vi phạm quy định tại điều 58 luật giao thông đường bộ. Còn giáo viên giao xe cho học viên không đủ điều kiện điều khiển để tham gia giao thông đường bộ là cũng vi phạm quy định của luật giao thông đường bộ, hành vi gây hậu quả chết người nên cả giáo viên và học viên cùng phải chịu trách nhiệm hình sự”, luật sư Cường nêu quan điểm.
Ngoài trách nhiệm hình sự mà học viên và giáo viên phải chịu theo quy định của pháp luật, ông Cường cho rằng người vi phạm sẽ liên đới phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền công người chăm sóc và một khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần khoảng 100 tháng lương cơ bản theo quy định của pháp luật. Việc bồi thường thiệt hại do hai bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.