Vụ thêm một di tích lịch sử ở Thanh Hóa bị xâm hại: Xin UBND tỉnh hủy bỏ quyết định
Sau khi phát hiện di tích lịch sử nhà thờ Nguyễn Phủ bị xâm hại, Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa vừa vào cuộc yêu cầu làm rõ thì UBND huyện Vĩnh Lộc lại có văn bản xin hủy bỏ quyết định xếp hạng đối với di tích này
Ngày 5-5, tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Thanh Hóa cho biết đã nhận được tờ trình của UBND huyện Vĩnh Lộc về việc xin hủy bỏ quyết định công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh nhà thờ họ Nguyễn Phủ, xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc.
Theo tờ trình này, UBND huyện Vĩnh Lộc nêu lý do xin hủy bỏ quyết định là do ngôi tiền đường của di tích có cấu trúc 5 gian, phần mái bị xuống cấp, ngày 28-2, dòng họ Nguyễn Phủ đã tự ý tu bổ, tôn tạo khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép đã vi phạm vào Điểm b, Khoản 1 Điều 34 Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Toàn bộ phần mái của ngôi tiền đường đã bị tháo dỡ, thay toàn bộ ngói cũ bằng ngói mới, thay rui, mè và thay 8 cái hoành tải, toàn bộ 24 cột gỗ của ngôi tiền đường đã bị cắt, nối chân bằng đá xanh vo tròn kích thước 12 cm, thay mới thượng lương, ốp mặt chữ cũ vào thượng lương mới, hệ thống tường đã bóc toàn bộ lớp áo để trát lại, nền của ngôi tiền đường 2 bên hồi đã được bóc toàn bộ lớp bê-tông.
Việc tự ý tu bổ, tôn tạo di tích của dòng họ Nguyễn Phủ đã làm sai lệch yếu tố gốc cấu thành di tích được ghi trong hồ sơ, lý lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh do Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa lập và trình duyệt khi xếp hạng di tích.
Căn cứ vào đơn xin hủy bỏ di tích của ông Nguyễn Hữu Thành (đại diện dòng họ Nguyễn Phủ) và tờ trình của UBND xã Minh Tân, xét tình hình thực tế sai phạm diễn ra tại di tích Nguyễn Phủ, UBND huyện Vĩnh Lộc đề nghị Sở VH-TT-DL Thanh Hóa xem xét trình UBND tỉnh Thanh Hóa hủy bỏ quyết định công nhận đối với di tích này.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, theo phản ánh, nhà thờ họ Nguyễn Phủ (thôn Bồng Trung 2, xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc), là di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh vào năm 2016 đã được dòng họ này tự ý tháo dỡ để tu bổ, tôn tạo lại công trình khi chưa được cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép.
UBND xã Minh Tân đã vào cuộc kiểm tra, xác định công trình đã hạ giải toàn bộ mái ngói nhà tiền đường, cho thay thế một số hạng mục mới bên trong công trình, đang tiến hành lợp ngói… UBND xã này đã lập biên bản xử phạt 2 triệu đồng, buộc trả lại nguyên trạng cho di tích.
Đáng nói, đây là di tích thứ 2 tại huyện Vĩnh Lộc bị xâm hại chỉ trong vòng 1 tháng. Trước đó, vào đầu tháng 3-2022, tại di tích, danh thắng quốc gia động Hồ Công diễn ra tình trạng nhiều người tự ý đưa vật liệu vào động xây dựng, tu sửa và đưa nhiều bức tượng không rõ từ đâu vào trong động thờ cúng trái phép.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, ngày 30-3, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.
Thế nhưng, khi việc xâm hại di tích danh thắng quốc gia động Hồ Công chưa lắng xuống, văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chưa "ráo mực", lại thêm một di tích lịch sử có tuổi đời khoảng 500 năm tiếp tục bị xâm hại.