Vụ Thủy điện bỏ rơi dân trong khô hạn: Phải bồi thường cho dân
Sau khi báo đăng tải thông tin 'Thủy điện bỏ rơi dân trong khô hạn', nhà chức trách địa phương cùng chủ đầu tư các công trình thủy điện cam kết sẽ bồi thường điều tiết nước phù hợp, phục vụ tưới tiêu cho người dân.
Bàn phương án đền bù
Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, đại diện lãnh đạo UBND huyện Kon Rẫy và chủ đầu tư các công trình thủy điện trên sông Đăk Snghé vừa họp bàn phương án hỗ trợ người dân tại xã Tân Lập bị ảnh hưởng nặng nề do bị thủy điện gây ra.
Ông Nguyễn Văn Thủy - Phó chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy khẳng định, sau khi Thủy điện Thượng Kon Tum chặn dòng, tích nước khiến hơn 116 ha cây trồng (trong đó có 92 ha cà phê và hơn 9 ha cây ăn trái) bị ảnh hưởng. Trước mắt, nhiều hộ dân phải dùng bao cát ngăn dòng ở các nhánh sông, suối trên thủy điện Đăk Ne để có nước tưới. Nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời, về lâu dài, huyện yêu cầu 2 thủy điện phải có giải pháp để phục vụ nước tưới vào mùa khô cho người dân.
Ông Lê Thanh - Phó ban quản lý dự án Cty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (Thủy điện Thượng Kon Tum) thừa nhận, để xảy ra tình trạng thiếu nước như hiện nay có phần trách nhiệm của nhà máy; Đồng thời yêu cầu Thủy điện Đăk Ne (phía dưới của Thủy điện Thượng Kon Tum) vận hành đúng quy trình, đảm bảo nước tưới cho bà con. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ thực hiện rà soát thiệt hại của bà con và có biện pháp hỗ trợ, đền bù thỏa đáng”, ông Thanh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quân, thành viên hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư năng lượng Trường Thịnh (chủ đầu tư Thủy điện Đăk Ne) cam kết, sẽ thực hiện tích nước vào ban đêm và xả nước vào ban ngày để phục vụ bà con. Cụ thể thủy điện Đăk Ne sẽ xả nước theo lịch từ 6h sáng đến 11h30 trưa và từ 15 giờ chiều đến 20 giờ tối.
Ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đề nghị Thủy điện Đăk Ne chỉ chạy 1 tổ máy phát điện, tích nước từ 20h hôm trước đến 6h sáng hôm sau và xả nước liên tục vào ban ngày để bảo đảm nước tưới vùng hạ du; Đồng thời, đề nghị UBND huyện Kon Rẫy thực hiện giám sát việc điều tiết nước của nhà máy Thủy điện Đăk Ne, thông báo cho người dân biết để có kế hoạch sử dụng nước. Thủy điện Đăk Ne phối hợp cùng thủy điện Thượng Kon Tum rà soát thiệt hại của người dân để có phương án hỗ trợ, đền bù.
Ưu ái cho người nhà?
Ông Lê Trọng Yên - Giám đốc Sở TN&MT Đắk Nông cho biết, cơ quan này chưa nhận được hồ sơ giao và nhận đất của Cty TNHH MTV Xây lắp điện Hưng Phúc (viết tắt là Cty Hưng Phúc) để làm dự án Thủy điện Chư Pông Krông. “Dự án thủy điện Chư Pông Krông, có một phần diện tích rất ít thuộc địa phận của tỉnh Đắk Nông” - ông Yên nói.
Năm 2018, dự án thủy điện Chư Pông Krông được khởi công xây dựng nằm ở địa phận hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, do Cty Hưng Phúc làm chủ đầu tư. Giám đốc Cty này là bà Nguyễn Thị Minh, vợ ông Trương Công Hồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk.
Ông Trương Công Hồng cho biết, đập thủy điện của Cty Hưng Phúc có vai trái của bờ đập lấn vào khoảng 2.000m2 thuộc địa phận tỉnh Đắk Nông. “Phía Cty đã liên hệ với xã, huyện đang làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất năng lượng. Đối với 0,5 ha thuộc diện tích trạm Thủy văn Đức Xuyên, Cty hoàn thành việc đền bù…
Hiện vẫn chưa chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích này. Sắp tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện hồ sơ”, ông Hồng nói. Đối với việc khơi thông dòng chảy, điều tiết nước tưới cho dân, vị Phó giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết thêm, thời gian qua Cty đã sử dụng máy đào đá sâu 2m, dài khoảng 60m… khơi thông dòng chảy cho cánh đồng D12 và Buôn Sứk, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô. Ngoài ra, nhà dân bị ảnh hưởng do nổ mìn, hiện đã nhận đủ tiền đền bù.
Năm 2018, dự án thủy điện Chư Pông Krông được khởi công xây dựng nằm ở địa phận 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, do Cty Hưng Phúc làm chủ đầu tư. Giám đốc Cty này là bà Nguyễn Thị Minh, vợ ông Trương Công Hồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk.