Vụ trẻ đột ngột hôn mê ở TP.HCM: Bệnh viện không thể cung cấp hình ảnh camera
Kết luận của Hội đồng chuyên môn cho rằng việc xử trí cho bệnh nhi đã đúng phác đồ. Tuy nhiên, cơ địa của trẻ khiến quá trình hồi sức gặp khó khăn.
Theo phản ánh của anh Nguyễn Minh Vương (Bà Rịa - Vũng Tàu), con trai anh là bé N.H.T (sinh năm 2021) bị hôn mê sâu không hồi tỉnh sau điều trị viêm phổi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.
Trong quá trình làm việc với đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1, gia đình bé T. đưa ra nhiều câu hỏi đề nghị làm rõ. Cụ thể, đề nghị giải thích lý do trẻ nguy kịch dù trước đó bé tươi tỉnh; làm rõ có sự bỏ bê của nhân viên y tế khiến trẻ trở nặng hay không; đề nghị cung cấp hình ảnh camera thời điểm xảy ra sự việc.
Bệnh viện Nhi đồng 1 đã lập Hội đồng chuyên môn về việc khám và điều trị cho trường hợp bé N.H.T. Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn, thời điểm 7h20 ngày 10/2 tại Khoa Hồi sức ngoại, bệnh nhi N.H.T suy hô hấp cấp.
Các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Hồi sức ngoại đã phát hiện và xử trí kịp thời, tích cực với sự phối hợp nhiều chuyên khoa bao gồm bác sĩ Khoa Tai mũi họng và bác sĩ Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức.
Quá trình phát hiện, theo dõi, xử trí hồi sức kịp thời, tích cực và phù hợp phác đồ. Tuy nhiên, việc hồi sức cho trẻ N.H.T gặp nhiều khó khăn do cơ địa bị sẹo hẹp hạ thanh môn và có phù nề kèm theo.
Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng cho rằng việc ghi hình camera tại Khoa Hồi sức ngoại nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại khoa, có hình ảnh các bệnh nhân khác và thời gian lưu giữ hình ảnh có giới hạn. Vì vậy, bệnh viện không thể cung cấp hình ảnh camera cho thân nhân người bệnh N.H.T. Ngoài ra, bệnh viện chỉ cung cấp cho cơ quan chức năng khi được yêu cầu.
Về hướng điều trị tiếp theo, bệnh viện sẽ phối hợp nhiều chuyên khoa tích cực điều trị cho bé T.
Trước đó, anh Nguyễn Minh Vương cho hay ngày 9/2, bé N.H.T được thực hiện mở khí quản khi điều trị viêm phổi tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Sau mở khí quản, bé tươi tỉnh và vui đùa bình thường.
Quá trình chơi đùa cùng mẹ, bé bị tuột sợi chỉ ở ống mở khí quản nên tím tái từ 5-10 phút. Bác sĩ đã gây mê và nối ống lại thành công, trẻ tỉnh táo. Ngay sau đó, bác sĩ tư vấn chuyển bé T. xuống Khoa Hồi sức ngoại vì có nhân viên y tế và camera theo dõi 24/24, gia đình đồng ý.
Sáng hôm sau, bé T. nguy kịch, phù nề, được cấp cứu nhưng nối lại ống ở vị trí mở khí quản không thành công. Trẻ hôn mê sâu, đến nay vẫn chưa tỉnh.
Khoảng 1 tháng sau khi xảy ra sự việc, anh Vương tìm bác sĩ để hỏi lý do con phải cấp cứu. Anh Vương khẳng định, bác sĩ giải thích không thỏa đáng và có thái độ không thông cảm, thấu hiểu với thân nhân người bệnh. Cuộc trao đổi được cho là rất căng thẳng. Bệnh viện và gia đình đã gặp mặt làm việc chính thức vào ngày 21/3.
Ngày 29/3, bệnh viện tiếp tục mời anh Vương lên để gặp, giải thích tình trạng bệnh và cung cấp kết luận của Hội đồng chuyên môn. Anh Vương không đồng thuận và cho rằng, kết luận chuyên môn không thỏa đáng.
Thời điểm này, bé T. vẫn phải thở máy, hôn mê, tiên lượng nặng, được theo dõi tại Khoa Nhiễm thần kinh.