Vụ triệt phá tổ chức lừa đảo quốc tế: Lời khai về những 'cạm bẫy' trên mạng

Nhiều công dân Việt Nam nghe theo lời các đối tượng, lao vào thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đồng hương. Chỉ trong một thời gian ngắn, với những 'kịch bản' được soạn sẵn, các đối tượng lừa đảo đã thiết lập nên một 'đế chế' riêng tại khu vực được xem là 'bất khả xâm phạm' do người nước ngoài chủ mưu, cầm đầu.

"Cạm bẫy" tình qua mạng

Quá trình đấu tranh khai thác, cơ quan Công an xác định, tổ chức lừa đảo vừa bị triệt phá ở "Tam giác vàng" (tỉnh Bò Kẹo, Lào) hoạt động dưới danh nghĩa công ty. Mục tiêu của các đối tượng là lừa đảo những nạn nhân ở Châu Á, trong đó có người Việt Nam. Chính vì thế, chúng ra sức lôi kéo, dụ dỗ những người Việt Nam nhập cảnh trái phép qua Đặc khu kinh tế "Tam giác vàng" với lời hứa sẽ trả lương hấp dẫn.

Theo đó, công ty được chia thành nhiều nhóm độc lập. Trong đó, nhóm quản lý là những đối tượng người nước ngoài. Còn lại, tổ trưởng và nhân viên là người Việt Nam. Các nhân viên người Việt Nam được phát những "kịch bản", điện thoại và sim số của Lào để lập các tài khoản Facebook ảo. Sau đó, những đối tượng cầm đầu sẽ hướng dẫn thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức mạo danh là những doanh nhân thành công, giàu có, nhưng độc thân. Để tạo sự chú ý, các đối tượng cũng thường xuyên đăng tải hình ảnh ăn chơi, du lịch tại những nơi sang chảnh, làm cho tài khoản ảo này giống thật để kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương, tạo lòng tin với những người ở Việt Nam.

155 đối tượng trong tổ chức lừa đảo bị bắt giữ

155 đối tượng trong tổ chức lừa đảo bị bắt giữ

Theo lời khai của Đinh Văn Châu, một tổ trưởng trong tổ chức lừa đảo này, trước đây Châu có đến tỉnh Bò Kẹo làm việc. Sau đó, Châu có quen biết một người bạn và người này gợi ý sẽ mở công ty riêng nên rủ Châu đến làm việc cùng. Tại nơi làm việc mới, Châu cũng chỉ là một nhân viên bình thường và nhận ra công ty này chỉ hoạt động lừa đảo qua mạng xã hội. Ban đầu, Châu có ý định nghỉ, nhưng phía công ty thấy vậy đã đưa mức lương hậu hĩnh nhằm thuyết phục ở lại tiếp tục làm việc. Để giữ chân Châu, phía công ty còn yêu cầu phải ký một hợp đồng, nếu muốn nghỉ việc về nước phải bồi thường số tiền 70 triệu đồng.

Sau khi được công ty trọng dụng, trả lương cao, Châu làm tổ trưởng và chỉ chịu quản lý của những đối tượng cầm đầu. Nhiệm vụ của Châu là hàng ngày đến công ty để giám sát, đôn đốc các nhân viên dùng mạng xã hội nói chuyện được với bao nhiêu người. Trong số đó, Châu phải rà soát bao nhiêu nhân viên nói chuyện được với số lượng khách hàng "tiềm năng", có khả năng mồi chài để đưa vào "bẫy" kêu gọi đầu tư của chúng hay không. Châu cho biết, mỗi ngày một nhân viên phải tương tác với ít nhất 2 khách hàng mới hoàn thành chỉ tiêu. Đối tượng nhắm đến đa số là những phụ nữ đơn thân, thiếu thốn tình cảm để các nhân viên sử dụng "kịch bản" có sẵn nói chuyện đưa đẩy, tạo lòng tin. Khi đã chín muồi, nhân viên sẽ hướng dẫn khách hàng vào các ứng dụng do công ty viết ra để họ đầu tư vào nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đinh Văn Châu, tổ trưởng trong tổ chức lừa đảo

Đinh Văn Châu, tổ trưởng trong tổ chức lừa đảo

Về phía nhân viên, sau khi tạo được lòng tin, chúng sẽ lừa bị hại đầu tư kinh doanh khách sạn trên ứng dụng hoặc trang website kinh doanh khách sạn ảo có tên OYO (truy cập tại địa chỉ: https://hotel-oyo.cc) để hưởng phần trăm hoa hồng cao. Nếu nạn nhân tin tưởng, đầu tư, sẽ bị chúng chiếm đoạt số tiền đã chuyển vào.

Nhiều khách hàng bị lừa tiền tỷ

L.T.L, một nhân viên trong tổ chức lừa đảo quốc tế này khai, khi được giới thiệu vào làm việc sẽ được trả 5.000 nhân dân tệ/tháng, nữ nhân viên này đã rất háo hức vì với số tiền này sẽ chi trả được nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, sau khi vào làm 2 tháng đầu, do không có doanh thu, cộng với số tiền bị phạt vì thiếu chỉ tiêu nên tổng số tiền chỉ nhận được 4.000 nhân dân tệ.

Nữ nhân viên này cho biết, khi tiếp xúc với khách hàng, đối tượng sẽ hỏi tuổi, quê quán, sau đó chuyển sang quan tâm, chia sẽ đến cuộc sống của nhau. Khi khách hàng đã tin tưởng, bước tiếp theo là dẫn khách vào "mua phòng", nộp tiền đầu tư. Trong vòng 3 ngày, nếu không có khách hàng "tiềm năng" nói chuyện, các nhân viên sẽ bị trừ tiền, thậm chí bắt phải chống đẩy, có nhiều nhân viên còn bị những kẻ cầu đầu thẳng tay hành hung.

Sổ sách ghi chép và "kịch bản" lừa đảo được soạn sẵn

Sổ sách ghi chép và "kịch bản" lừa đảo được soạn sẵn

"Nhiều lần em muốn bỏ về nước, nhưng đang bị họ giữ hộ chiếu và nhốt, không cho ra khỏi tòa nhà. Em đã gọi điện thoại cho người thân để vay 70 triệu đồng nộp phạt vì phá bỏ hợp đồng cho họ, nhưng tất cả đều nói không có tiền. Chính vì thế, em phải nán lại làm việc dù biết đó là cay đắng, tủi nhục và bất nhân, nhưng đành chịu vì không vay được tiền" - nữ nhân viên chia sẽ.

May mắn hơn, một nhân viên khác là H.T.H khai báo, với thủ đoạn được những kẻ cầm đầu hướng dẫn, H. đã lừa đảo trót lọt hơn 200 người Việt Nam. Trong số các nạn nhân của H, từng có người bị lừa 5 tỷ đồng. Với doanh số từ 7 - 11% dựa trên số tiền chiếm đoạt được, trung bình mỗi tháng H. sẽ nhận được tối thiểu từ 8.000 - 10.000 nhân dân tệ (tương đương với 25 - 36 triệu đồng tiền Việt Nam).

L.T.L, một nhân viên trong tổ chức lừa đảo

L.T.L, một nhân viên trong tổ chức lừa đảo

Nhiều bị hại sau khi bị lừa đã lo ngại, xấu hổ, không dám trình báo với cơ quan chức năng. Ngoài ra, trụ sở của tổ chức lừa đảo đều được đặt ở nước ngoài, các thông tin giao dịch cũng được chuyển qua nhiều nguồn khác nhau, khó truy vết đích đến, nên những đường dây này đã hoạt động cả một thời gian dài, chiếm đoạt tài sản của hàng ngàn người. Chính vì thế, quá trình điều tra thu thập tài liệu, lực lượng Công an đã gặp rất nhiều khó khăn.

Văn Tình

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/canh-giac/loi-khai-ve-nhung-cam-bay-tren-mang_166278.html