Vụ trộm chấn động lịch sử ngân hàng Pháp
Trong vài ngày cuối tuần, những tên trộm đã cuỗm sạch tiền, đồ vật có giá trị được cất giữ trong kho tiền của ngân hàng Socíeté Générale (Pháp).
Chỉ trong vài ngày cuối tuần, những tên trộm đã cuỗm sạch tiền, đồ vật có giá trị được cất giữ trong kho tiền của ngân hàng Socíeté Générale, thành phố Nice (Pháp). Trước đó, chúng mất 2 năm để triển khai kế hoạch đào hầm phá tường vô cùng tỉ mỉ và công phu.
Cơn ác mộng sáng thứ Hai
Đối với người dân thành phố Nice, 19/7/1976 là một buổi sáng đầu tuần yên bình như bao ngày khác. Nhưng chi nhánh Riviera của ngân hàng Socíeté Générale đã trải qua một trong những ngày tồi tệ nhất vì cửa kho tiền không thể mở được.
Trong những ngày cuối tuần, cây ATM bên ngoài cửa hàng đã không hoạt động khiến nhiều khách hàng không thể rút tiền mặt. Sáng sớm thứ Hai, họ có mặt tại ngân hàng để phàn nàn nhưng ngay cả những nhân viên kỳ cựu nhất cũng không biết xử lý tình huống này ra sao. Đến 10 giờ sáng, cánh cửa thép khổng lồ ngăn cách kho tiền với thế giới bên ngoài vẫn bị kẹt.
Ngân hàng quyết định phá kho tiền từ bên ngoài. Đến 15 giờ chiều, nhân viên phá cửa cuối cùng cũng đục được một chiếc lỗ trên cánh cửa. Tuy nhiên, hàng trăm két an toàn bị phá tung, mở toang.
Bọn trộm đã biến mất cùng khoảng 10 triệu USD, phần lớn là tiền mặt, cùng với vàng thỏi và đồ trang sức được cất giữ trong 317 két an toàn. Nhiều khách hàng không muốn tiết lộ công khai số tiền và những món đồ giá trị trong két an toàn nên số tiền thực tế bị đánh cắp có thể cao hơn con số được công bố. Đây là vụ trộm ngân hàng lớn nhất trong lịch sử thời điểm đó.
Cửa kho tiền bị hàn chắc lại từ bên trong nên ban sáng, nhân viên ngân hàng không thể mở cánh cửa thép. Sau nhiều nỗ lực, cảnh sát cuối cùng cũng phá được cánh cửa và tiếp cận hiện trường.
Trong kho tiền, 30 kg đồ trang sức rải rác khắp nơi cùng một bao tải chứa hàng chục chiếc vòng cổ ngọc trai. Nhóm trộm dường như quyết định bỏ lại những món đồ giá trị này vào giấy phút cuối cùng. Chúng không lấy những thứ có thể bị truy dấu.
Họ thấy một cái bếp di động, bao bì thực phẩm rỗng, những chiếc nồi, đĩa bẩn và những chai rượu rỗng, cho thấy nhóm trộm đã nấu ăn ngay trong này, làm việc ở đây suốt cuối tuần qua.
Chi tiết ấn tượng là đường hầm được đục xuyên tường bê tông cốt thép dày 46 cm thông ra đường nước xả thải dưới lòng đường Rue Deloye, thành phố Nice. Dù cửa hầm chỉ rộng hơn 60 cm và cao khoảng 50 cm, vừa đủ để một người chui qua, nhưng xuyên suốt chiều dài 9m, cứ cách vài mét, đường hầm lại được chống bằng cột kim loại hoặc gỗ, xi măng.
Bên trong có một ống thông gió đường kính 15 cm, dây cáp điện dài 800m nối với bóng đèn huỳnh quang ở bãi đậu xe ngầm dưới quảng trường Place Messena.
Đường hầm nối liền với đường trục cống ở giữa Rue Deloye, phía sau ngân hàng. Tuy nhiên, nhóm trộm cần phải chuyển công cụ bằng bè cao su qua cửa cống thoát nước cạnh sông Peillon, cách ngân hàng khoảng 365m, nếu không muốn bị chú ý.
Điều này càng gây khó cho cảnh sát vì họ sẽ phải mở rộng khoảng cách địa lý để tìm kiếm dấu vết của bọn trộm, chưa kể việc tìm bằng chứng của mớ hỗn độn trong ngân hàng đã rất khó khăn. Trước đó, họ đã “lật tung” kho tiền nhưng chỉ tìm được một dấu vân tay duy nhất mà nó lại chẳng khớp với ai.
Những nghi ngờ bước đầu
Nghi phạm đầu tiên là Daniel Michelucci, 34 tuổi, tên trộm nổi tiếng khắp thành phố Nice. Vài ngày trước vụ trộm, cảnh sát phát hiện Daniel Michelluci ngồi trong xe hơi với một người lạ. Thấy khả nghi, cảnh sát liền kiểm tra giấy tờ của Daniel.
Thời điểm đó, trong xe của Daniel có một bộ đục lớn, loại dùng để đục bê tông cốt thép dài khoảng 45 cm bằng thép tôi luyện, đầu nhọn và sơn màu đỏ. Thấy bộ dụng cụ này khả nghi nhưng do không có gì bất thường nên cảnh sát thả cho Daniel rời đi. Ấy nhưng khi vụ trộm diễn ra, cảnh sát phát hiện bộ đục giống với bộ đục của Daniel ở hiện trường.
Dù vậy, việc sử dụng bộ đục để buộc tội Daniel là chưa đủ. Ngoài chi tiết này, cảnh sát không còn tìm được gì khả nghi ở tên trộm khét tiếng đó.
Manh mối khác là vào ngày 9/7, cảnh sát nhận được cuộc gọi báo cáo về một ngôi biệt thự được cho là để trống nhưng đột nhiên có những người đàn ông lạ mặt bất ngờ xuất hiện. Biệt thự nằm ở rìa đường 202 trong làng Castagniers, cách thành phố Nice 24 km. Theo cảnh sát địa phương, có 5 người đàn ông ở trong ngôi nhà, vốn mượn từ chủ sở hữu và không có điểm đáng ngờ.
Sau vụ trộm, cảnh sát quay lại biệt thự thì phát hiện một chiếc đèn pin dính bùn, giống hệt những chiếc được tìm thấy trong kho chứa tiền. Qua xét nghiệm, loại bùn trên chiếc đèn cũng giống hệt bùn trong cống thoát nước ở Nice.
Trong hơn 3 tháng, cảnh sát tích cực thu thập mọi bằng chứng trong vụ án và đối soát với những bằng chứng thu được ở căn biệt thự hoang. Họ đã ra lệnh bắt giữ những người sống trong khu nhà nhưng không còn gặp lại những người đó nữa.
Đến ngày 26/10, ngày thứ 100 của cuộc điều tra, hai người đàn ông, Adrien Zeppi và Francis Pellegrin, bị bắt tại một ngân hàng ở thị trấn Roquefort-les-Pins, Pháp, khi đang cố gắng bán những thỏi vàng có số trùng khớp với những thỏi vàng được lấy tại Nice.
Hôm sau đó, cảnh sát bắt giữ 27 nghi phạm ở Nice, Marseilles và Paris. Sau 48 tiếng thẩm vấn, 20 người được trả tự do còn 7 người bị buộc tội đồng lõa trong vụ cướp. Vài người trong số đó mang theo những tờ tiền có số sêri chưa được lưu hành nhưng tang vật thu được không đáng kể.
Những người này cũng chưa đủ kỹ năng và trí thông minh để dàn dựng một vụ đột nhập hoành tráng như vậy nên cảnh sát cho rằng kẻ chủ mưu vẫn còn là một ẩn số.
Kế hoạch công phu
Khi cảnh sát dần mất hi vọng, một manh mối đặc biệt đến từ Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Cụ thể, vài tháng trước, một công dân Pháp tên là Albert Spaggiari đã liên hệ với CIA và đề nghị sẽ giúp CIA đột nhập vào một số cơ quan an ninh châu Âu. Cảnh sát Nice nghi ngờ phải chăng Albert chính là người đàn ông mà họ cần tìm.
Albert Spaggiari, được bạn bè gọi là Bert, kiếm sống bằng nghề nhiếp ảnh gia và sở hữu một phòng trưng bày ảnh nhỏ tại Nice. Bạn bè của Bert nhận xét anh là người trầm tính, chăm chỉ, hiền lành. Anh cùng vợ đã mua một trang trại nhỏ ở vùng nông thôn và thường xuyên lui đến nghỉ ngơi vào cuối tuần. Tuy nhiên, khi cảnh sát đào sâu vào quá khứ của Bert, nhiều bí mật được phơi bày.
Sinh năm 1932 tại thị trấn Hyeres, ngay từ nhỏ, Albert đã bị cuốn vào con đường phạm pháp. Năm 17 tuổi, anh ta bỏ học và gia nhập một băng cướp lớn do Salvatore Giuliano đứng đầu. 2 năm sau, anh ta bị bắt vì ăn trộm kim cương tặng bạn gái nên quyết định gia nhập Quân đội Pháp để giảm nhẹ hình phạt. Sau khi trở về, anh ta lấy vợ và theo đuổi nghề nhiếp ảnh.
Tưởng quá khứ đã ngủ vùi nhưng lòng tham của Albert lại nảy lên khi hay tin có đường cống gần ngân hàng. Anh ta dành 2 năm sau đó để nghiên cứu về hệ thống đường cống của thành phố và lên kế hoạch thực hiện vụ trộm.
Đầu tiên, Albert thuê một két an toàn trong kho tiền và đặt một chiếc đồng hồ báo thức bên trong. Đồng hồ sẽ đổ chuông vào ban đêm để kiểm tra bên trong kho tiền có hệ thống báo động an ninh nào không nhưng kết quả khiến Albert mừng rỡ. Kho tiền không có hệ thống báo động an ninh bởi nó được coi là bất khả xâm phạm với tường và cửa dày.
Sau đấy, Albert đã dành nhiều thời gian đi lang thang quanh ngân hàng để tìm hiểu về đường ống quanh đây. Anh ta nhận thấy kho tiền nằm cách đường ống thoát nước gần nhất khoảng 10m, đường ống này sẽ chạy thẳng ra sông Paillon cách đó 400m.
Albert đã trao đổi với trùm băng đảng ở Nice, ông Jacques Cassandri, và đề nghị phối hợp thực hiện phi vụ. Không chỉ hứng thú với phi vụ, Jacques đã cử một nhóm đàn em giúp Albert thực hiện phi vụ. Cộng với những người bạn cũ mà Albert chiêu mộ, nhóm cướp có 10 thành viên.
Trong 2 tháng sau đó, những người đàn ông miệt mài khoan đường hầm từ ống cống cách ngân hàng gần 400m. Mỗi buổi sáng, họ chặn lối vào đường hầm để tránh bị công nhân thoát nước phát hiện.
Ngày đột nhập được ấn định là hôm 16/7, ngày đầu tiên bắt đầu kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài nhân dịp Ngày Quốc khánh Pháp. Trong 2 ngày sau đó, bọn trộm tha hồ khuân vác các két tiền, đồ vật có giá trị từ kho tiền và thậm chí ở lại trong kho để tiệc tùng. Trước khi rời đi, chúng quyết định để lại một lời nhắn để... chế giễu nhân viên an ninh.
Ngày 28/10, Albert bị bắt. Ban đầu, anh ta phủ nhận liên quan đến vụ trộm nhưng sau đó đành thừa nhận.
Trong phiên điều trần hôm 10/3/1977, Albert đưa ra một tập bằng chứng được mã hóa khiến bồi thẩm đoàn mất thời gian để phân tích được tài liệu đó. Trong lúc này, anh ta phàn nàn trong phòng bí bách nên đứng dậy mở cửa sổ rồi nhảy ra ngoài. Phía bên ngoài, một chiếc ô tô đã chờ sẵn để hắn ta tẩu thoát. Mọi chuyện diễn ra quá nhanh khiến bồi thẩm đoàn không kịp phản ứng.
Dù thiếu đi nhân vật quan trọng, phiên tòa vẫn diễn ra.
Albert bị kết án tù chung thân còn các thành viên khác bị kết án từ 5 đến 7 năm tù. Trong hơn một thập kỷ sau đó, Albert không hề bị bắt lại bởi hắn ta đã thay đổi nhân dạng và chạy trốn khắp Nam Mỹ và châu Âu. Đôi lần, hắn lẻn về Pháp để thăm vợ trước khi qua đời vì bệnh ung thư phổi vào năm 1989, hưởng dương 57 tuổi.
Khi nhân viên ngân hàng phá được cửa vào trong kho tiền thì sàn nhà trải đầy séc, trái phiếu, cổ phiếu, sổ ngân hàng, di chúc, chứng thư không đề tên. Bên trên là các dụng cụ lấm lem bùn đất như xà beng, đục, máy khoan, kích thủy lực, đèn hàn, rìu, búa khoan... nặng đến 2 tấn. Trên tường, dòng chữ: “Không có vũ khí. Không bạo lực. Không thù hận” được sơn cỡ đại.
Theo Today I Found Out
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vu-trom-chan-dong-lich-su-ngan-hang-phap-post649639.html