Vụ vận chuyển ma túy bắn trả công an ở Sơn La: Đối tượng phạm nhiều tội danh
Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho rằng, với những diễn biến ban đầu của vụ việc thì hành vi của đối tượng đã có dấu hiệu phạm nhiều tội danh.
Sau 30 giờ truy bắt, tối 24/12, tại khu vực bản Bó Taử, xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu (Sơn La), lực lượng chức năng đã bắt được đối tượng Nguyễn Văn Long, sinh năm 1977, thường trú tại TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đối tượng Long bị bắt tại địa điểm cách khu vực dùng súng chống trả công an rồi bỏ trốn hàng chục km.
Trước đó, chiều 23/12, trên quốc lộ 6 thuộc xã Phổng Lăng, huyện Thuận Châu, lực lượng chức năng đã ra hiệu lệnh dừng ôtô 5 chỗ do Long điều khiển, chạy hướng Điện Biên - Sơn La, để kiểm tra. Tuy nhiên, Long đã lái ô tô tông vào xe của cảnh sát giao thông. Khi bị kẹt ở lề đường, Long dùng súng ngắn chống trả rồi rời ô tô, cướp xe máy đi vài km thì bỏ xe, chạy trốn lên rừng. Lực lượng chức năng đã huy động 300 cán bộ, chiến sĩ, phong tỏa mọi đường ngang, lối mở truy bắt đối tượng
Kiểm tra chiếc ô tô bị bỏ lại, công an phát phát hiện 22 bánh heroin, 17 kg ma túy đá cùng một số tang vật.
Về vụ việc này, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích, những hành vi của đối tượng đã phạm vào các tội danh cụ thể nào, cũng như loại và mức hình phạt mà đối tượng phải chịu ra sao sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra, truy tố và xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền. Tuy nhiên, với những diễn biến ban đầu của vụ việc thì hành vi của đối tượng đã có dấu hiệu phạm nhiều tội danh, cụ thể:
Nếu kết quả giám định khẳng định tất cả các tang vật này đều là ma túy, thì hành vi của đối tượng sẽ phạm vào một trong các tội danh như sau:
Nếu việc vận chuyển chất ma túy không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, thì hành vi của đối tượng sẽ có dấu hiệu của “Tội vận chuyển trái phép chất ma túy” (Điều 250 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Nếu hành vi vận chuyển là nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thì đối tượng sẽ bị xử lý trách nhiệm về một trong các tội danh tương ứng là: “Tội sản xuất trái phép chất ma túy” (Điều 248), “Tội tàng trữ trái phép chất ma túy” (Điều 249), hoặc “Tội mua bán trái phép chất ma túy ” (Điều 251) của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Và theo luật sư Hùng, với khối lượng ma túy vi phạm rất lớn, thì nếu bị kết án về một trong các tội danh nêu trên thì đối tượng sẽ đều phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh đó, cụ thể: Đối với “Tội sản xuất trái phép chất ma túy”, “Tội vận chuyển trái phép chất ma túy”, hoặc “Tội mua bán trái phép chất ma túy”, thì đối tượng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (Khoản 4 Điều 248, Khoản 4 Điều 250, và Khoản 4 Điều 251 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017). Còn đối với “Tội tàng trữ trái phép chất ma túy” thì mức hình phạt sẽ là phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (Khoản 4 Điều 249 Bộ luật hinh sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ngoài ra, người phạm các tội danh nêu trên còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Với hành vi tông thẳng xe vào xe của lực lượng chức năng và dùng súng bắn vào lực lượng chức năng khi bị vây bắt, theo luật sư Hùng, hành vi của đối tượng có dấu hiệu của “Tội chống người thi hành công vụ” (Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017), với loại và mức hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm.
Tùy thuộc vào khẩu súng mà ghi phạm sử dụng có phải là súng quân dụng hay không, thì hành vi của ghi phạm còn có dấu hiệu của “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” (Điều 304 Bộ luật hình sự năm 2015, sử đổi, bổ sung năm 2017), với mức hình phạt là bị phạt tù từ 01 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân; hoặc “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ” (Điều 306 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2015), với mức hình phạt là bị phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm. Bên cạnh đó, người phạm những tội này còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Phân tích hành hành vi cướp xe máy của người dân để tẩu thoát của ghi phạm, theo vị luật sư này, đối tượng đã có dấu hiệu của “Tội cướp tài sản” (Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa dổi, bổ sung năm 2017), với mức hình phạt là phạt tù từ 03 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
“Theo quy định tại Điều 55 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, đối với hình phạt chính, nếu bị kết án với nhiều tội danh (trong cùng một lần xét xử), trong đó có hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân hoặc tử hình thì đối tượng cũng sẽ chỉ phải chịu một hình phạt chung là chung thân hoặc tử hình”- luật sư Hùng nói.
Theo luật sư Hùng, việc các đối tượng vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy sử dụng vũ khí chống trả lại lực lượng vây bắt không phải là hiếm, thậm chí đã khiến cho nhiều chiến sĩ Công an của chúng ta hy sinh, ngã xuống trong thời bình (như sự hy sinh của Đại úy Sầm Quốc Nghĩa, cán bộ Đội CSĐT tội phạm về Hình sự - Kinh tế - Ma túy Công an huyện Quế Phong (Nghệ An) vào năm 2020, hay Thiếu tá Vi Văn Luân, Công an viên xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa vào năm 2021…)
Qua những vụ việc này cho thấy, các đối tượng vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy ngày càng trở nên manh động, nguy hiểm, coi thường pháp luật, sẵn sàng bất chất tất cả, để chống trả lại lực lượng chức năng khi bị vây bắt. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải xử lý thật nghiêm minh đối với các loại hành vi đặc biệt nguy hiểm này, cũng như có những biện pháp phù hợp, để đảm bảo an toàn cao nhất cho các lực lượng chức năng, hạn chế tối đa những mất mát, hy sinh đáng tiếc có thể xảy ra./.