Vụ vận động 'tự nguyện' nghỉ việc: Giáo viên không đồng tình với kết quả xác minh
Các giáo viên phản ứng gay gắt với kết quả xác minh của UBND huyện về việc không nhận được tiền dạy thêm giờ.
Ngày 10-6, phản ánh với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều giáo viên Trường Tiểu học và THCS Phan Bội Châu (xã Ia Bang, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) cho rằng báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh việc giáo viên nhà trường bị vận động "tự nguyện" viết đơn xin thôi việc và giữ tiền dạy thêm giờ là không đúng thực tế.
Trước đó, nhiều giáo viên đang công tác tại Trường Tiểu học và THCS Phan Bội Châu phản ánh bị nhà trường yêu cầu "tự nguyện" làm đơn xin nghỉ việc do chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn. Đây đều là những giáo viên đã có thâm niên hàng chục năm công tác trong ngành giáo dục. Do đó, khi được yêu cầu, nhiều giáo viên đã rất lo lắng.
Ngoài ra, các giáo viên còn phản ánh nhà trường chưa chi trả đầy đủ tiền dạy quá số giờ theo quy định, có nhiều biểu hiện khuất tất. Nhiều giáo viên chỉ nhận được một phần tiền nhỏ so với số tiết thực dạy.
Sau đó, UBND huyện đã lập đoàn xác minh, làm rõ. Kết quả xác định việc vận động giáo viên "tự nguyện" viết đơn xin nghỉ việc và chưa chi trả phần lớn tiền dạy thêm giờ của giáo viên là do … hiểu lầm; các cá nhân tham dự cuộc họp xác nhận đã nhận đủ số tiền.
Tuy nhiên, báo cáo này đã khiến nhiều giáo viên trong trường bức xúc vì cho rằng không đúng thực tế. Đặc biệt là việc bị giữ tiền dạy dư giờ.
Một thầy giáo cho biết đã dạy dư 90 tiết, đáng lý ra phải nhận được gần 8 triệu thì chỉ nhận dược hơn 2 triệu đồng. Tương tự, một cô giáo tại trường cũng cho biết đáng lý phải nhận được 11 triệu tiền dạy dư giờ, nhưng mới chỉ nhận được hơn 2,2 triệu đồng.
Theo các giáo viên, báo cáo của UBND huyện Chư Prông nói rằng việc chi trả tiền thừa giờ căn cứ điều kiện cụ thể của từng đơn vị để thực hiện thanh toán hoặc tạm ứng tiền dạy thêm giờ theo tháng hoặc theo học kỳ cho phù hợp. Do đó, việc chi trả tiền dạy thêm giờ học kỳ I năm học 2023-2024 của Trường TH và THCS Phan Bội Châu là có cơ sở và phù hợp quy định.
Tuy nhiên theo các giáo viên, việc "căn cứ điều kiện của đơn vị" phải có sự thống nhất của giáo viên. Đằng này, hiệu trưởng và kế toán nhà trường tự thực hiện với nhau mà giáo viên không hề hay biết.
Thầy giáo T. nói rằng nhà trường trả tiền dạy dư giờ vào tháng 2, trước Tết Nguyên đán. Thấy nhận được ít tiền so với số tiết đã giảng dạy nên ông đã gặp Ban Giám hiệu nhà trường để đề nghị giải quyết nhưng nhà trường hứa hẹn, đến nay sau khi phản ánh thì huyện xác minh lại cho kết quả như vậy là không thể chấp nhận.
"Chúng tôi cố gắng bỏ công sức giảng dạy để kiếm thêm đồng tiền nuôi gia đình, nay chỉ trả một phần rồi cắt hết. Chúng tôi kiên quyết không đồng ý với kết quả này" – giáo viên này bức xúc nói.
Báo cáo của UBND huyện Chư Prông cũng nói rằng do chưa có sự thống nhất trong Ban Giám hiệu nhà trường từ việc kê khai, đến việc giảm trừ số tiết chưa công khai cụ thể đến từng giáo viên. Việc kê khai số tiền đề nghị thanh toán và số tiền được thanh toán cũng không thống nhất. Từ sự không thống nhất này dẫn đến sự chênh lệch giữa số tiền đề nghị và số tiền thanh toán nên giáo viên ... hiểu nhầm.
Ngoài ra, các giáo viên còn phản ánh khi đoàn cán bộ huyện về xác minh, các giáo viên còn ý kiến nhiều vấn đề khác ngoài hai nội dung trên nhưng không được.
Để làm rõ các nội dung phản ánh của giáo viên như trên, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ với ông Ksor Việt, Phó chủ tịch UBND huyện Chư Prông - người ký báo cáo xác minh - để làm việc. Tuy nhiên ông Việt đề nghị phóng viên liên hệ với bà Phạm Thị Thu Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Prông, để nắm thông tin cụ thể. Phóng viên liên lạc với bà Phạm Thị Thu Hằng thì bà Hằng lại đề nghị phóng viên liên hệ với UBND huyện vì không phải là người phát ngôn.