Vụ Vạn Thịnh Phát: 5 cựu cán bộ SCB trốn truy nã thực hiện quyền kháng cáo ra sao?
Theo quy định năm bị cáo đang bỏ trốn trong vụ Vạn Thịnh Phát và bị xét xử vắng mặt vẫn có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 người khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan đã kết thúc vào ngày 11-4.
Trong tổng số 86 bị cáo trong vụ án thì có 5 bị cáo là cựu cán bộ ngân hàng SCB đang bỏ trốn và bị HĐXX tuyên án vắng mặt gồm: Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT) 19 năm tù; Chiêm Minh Dũng (cựu Phó Tổng Giám đốc) 17 năm tù; Trầm Thích Tồn (thành viên HĐQT) 16 năm tù; Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch HĐQT) 17 năm tù và Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành) 13 năm tù.
Theo HĐXX, đối với năm bị cáo đang bị truy nã và xét xử vắng mặt, tòa án đã tống đạt các quyết định tố tụng hợp pháp theo quy định và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng kêu gọi các bị cáo đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật nhưng các bị cáo vẫn vắng mặt tại tòa.
Việc xét xử vắng mặt các bị cáo là đúng theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, việc các bị cáo không ra đầu thú là đã từ bỏ quyền tự bào chữa và trình bày tại tòa. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền của các bị cáo này, HĐXX đã chỉ định luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo tại tòa.
Vậy sau khi HĐXX tuyên án sơ thẩm, quyền kháng cáo bản án của năm bị cáo này được thực hiện như thế nào?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Luật sư Nguyễn Trần Phương, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết quyền kháng cáo, tự bào chữa và trình bày ý kiến tại tòa là các quyền cơ bản của bị cáo trong vụ án hình sự được quy định tại Điều 61, Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) 2015.
Bên cạnh đó, theo Điều 290 Bộ luật này thì việc xét xử vắng mặt các bị cáo chỉ được thực hiện khi các bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả. Cạnh đó, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, bản án phải được niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của bị cáo trước khi bỏ trốn.
Về quyền kháng cáo bản án, trong trường hợp không đồng ý bản án sơ thẩm thì 5 bị cáo đang bị trốn truy nã có quyền gửi đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bản án được niêm yết tại UBND cấp xã nơi cư trú của các bị cáo.
Cũng theo LS Phương, trường hợp LS bào chữa hoặc gia đình của các bị cáo này thực hiện kháng cáo thay sẽ rất khó được HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận bởi lẽ quyền kháng cáo của bị cáo được quy định trong Bộ luật TTHS và các bị cáo này phải tự thực hiện quyền kháng cáo. LS bào chữa, thân nhân không thể kháng cáo thay.
Như vậy, trong vụ án này 5bị cáo đang bỏ trốn phải tự thực hiện quyền kháng cáo của mình nếu như không đồng ý với bản án sơ thẩm. Trường hợp nếu có đơn kháng cáo gửi từ nước ngoài về thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (Cục Lãnh sự hoặc cơ quan đại diện ngoại giao...) thì mới được xem xét chấp nhận.
HỮU ĐĂNG
SONG MAI