Vụ Vạn Thịnh Phát: Cơ quan điều tra khuyến cáo cách thức để các nhà đầu tư được đảm bảo quyền lợi chính đáng
Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an), vụ án xảy ra ở tập đoàn Vạn Thịnh Phát đang được CQĐT Bộ Công an ủy thác điều tra ở nhiều Công an địa phương. Vì vậy, các nhà đầu tư cần đến nơi đăng ký thường trú, cư trú, để trình báo CQĐT cấp cơ sở.
Chiều 27-12, tại buổi họp báo kết quả công tác năm 2023 của Bộ Công an, lãnh đạo Cục CSKT cho biết giai đoạn 1 vụ án xảy ra ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB đã kết thúc điều tra, truy tố. Do đây là vụ án rất lớn, số lượng bị can nhiều nên CQĐT Bộ Công an phải tách để điều tra ở giai đoạn 2 và sẽ tập trung làm rõ một số hành vi phạm tội khác.
Trả lời câu hỏi của PV về hành vi rửa tiền của bà Trương Mỹ Lan, đại diện CQĐT cho biết, phần lớn lượng tiền có được đã bị bà Lan dùng để đầu tư bất động sản.
Về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đại diện CQĐT Bộ Công an thông tin bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm bị cáo buộc thông qua 3 công ty Vạn Thịnh Phát để phát hành hơn 20 lô trái phiếu với trị giá tiền đặc biệt lớn. “Tránh trường hợp như các vụ án khác, đề nghị các nhà đầu tư đã mua các trái phiếu của Vạn Thịnh Phát hãy liên hệ CQĐT ở nơi cư trú – có ghi thông tin trên trái phiếu - để trình báo, đảm bảo quyền lợi”, lãnh đạo Cục CSKT nhấn mạnh.
Trước đó, như ANTĐ thông tin, liên quan vụ án xảy ra ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, ngày 15-12, Viện KSND Tối cao đã truy tố 86 bị can về 6 tội danh. Trong đó, bị can Trương Mỹ Lan bị truy tố về 3 tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàngvàTham ô tài sản…