Vụ vợ bị đơn định nhảy lầu ở tòa: 'Tôi đã tin tưởng tuyệt đối ông bà chủ, cầm cố giấy tờ nhà của ba mẹ để mua đất'
Theo lời ông Dư, năm 2009, chính ông Quý là người đã mở lời bán đất. Mỗi mét vuông thời điểm ấy được ông Quý bán với giá 5 triệu đồng.
Tự tử mong giữ lại chỗ ở cho chồng, con
TAND TP.HCM ngày 1/7 đã đưa ra phán quyết phúc thẩm, tuyên 3 đồng bị đơn là ông Lê Văn Dư, ông Lê Sỹ Thắng và ông Khâu Văn Sĩ (cùng ngụ quận Gò Vấp) phải trả lại đất cho chủ cũ là ông Phan Quý và bà Lê Thị Bích Thủy (vợ ông Quý).
Quá bức xúc với bản án của tòa, bà Trần Thị Mỹ Hiệp (vợ ông Dư) la hét rồi lao ra khỏi phòng xử, định nhảy lầu, nhưng may mắn được bảo vệ và người xung quanh ngăn cản.
Nhớ lại giây phút ấy, bà Hiệp nghẹn ngào: "Đây là tài sản cả đời vợ chồng tôi tích góp mới mua được, tới giờ vẫn chưa trả hết nợ vay mượn trong, ngoài. Số tiền mà tòa tuyên nguyên đơn trả lại cho tôi còn không đủ để tôi trả nợ, mà nhà thì cũng mất luôn. Vậy tôi tự tử xong cho rồi, để khỏi phải suy nghĩ nữa...".
Ngừng một lát, bà Hiệp trải lòng, nếu thời điểm đó không được mọi người giữ lại kịp thời, bà mong rằng cái chết của mình có thể đánh động dư luận. "Nếu tôi có chết thì sự hy sinh của tôi có thể đem lại cuộc sống bình an cho gia đình, để chồng con tôi có chỗ ở", bà Hiệp nói rồi quay sang nhìn người chồng đang đưa tay lau nước mắt.
Theo nội dung vụ án, năm 1999, ông Huỳnh Hữu Lợi chuyển nhượng bằng hình thức viết giấy tay cho vợ chồng ông Quý diện tích 3.500m2 đất, thuộc thửa 504, tờ bản đồ số 40, phường 15, quận Gò Vấp.
Ngày 3/2/2002, cũng bằng hình thức viết giấy tay, vợ chồng ông Quý chuyển nhượng lại cho ông Khâu Văn Sĩ (ngụ Phường 6, Gò Vấp) diện tích 500m2 đất trên.
Đến ngày 18/4/2009, vợ chồng ông Quý tiếp tục chuyển nhượng bằng giấy tay cho ông Lê Văn Dư và ông Lê Sỹ Thắng (cháu ông Dư) mỗi người 87m2 đất, hứa sẽ thực hiện việc tách thửa và đăng bộ phần diện tích đã bán.
Sau này, giữa ông Dư, ông Thắng và ông Sĩ có chuyển nhượng qua lại các phần đất này cho nhau (do các phần đất này đều nằm liền kề nhau, cùng chung một thửa thửa 504, tờ bản đồ số 40). Tất cả chuyển nhượng này đều có lập thành hợp đồng nhưng không công chứng.
Sau khi mua đất, gia đình các ông đã chuyển về đây sinh sống ổn định, không tranh chấp với ai, tiến hành kê khai tạm trú tạm vắng và được chính quyền địa phương cấp số nhà để quản lý.
Tháng 6/2017, ông Quý khởi kiện ông Dư cùng người cháu ông Dư, ông Sĩ, ra TAND quận Gò Vấp, yêu cầu tòa tuyên 3 hợp đồng chuyển nhượng đất trước đây vô hiệu; công nhận 647 m² thuộc quyền sở hữu của ông Quý và ông sẽ trả lại tiền nhận trước đó là 1,36 tỷ đồng.
TAND quận Gò Vấp xét xử sơ thẩm đã chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa nguyên đơn với ông Sĩ; chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của ông Dư, công nhận 2 hợp đồng chuyển nhượng đất giữa nguyên đơn với ông Dư.
Xử phúc thẩm mới đây, TAND TP.HCM bác kháng nghị của VKSND Gò Vấp và kháng cáo của bị đơn, chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn. Theo đó, tòa buộc bị đơn phải trả lại toàn bộ 674 m2 đất cho ông Quý. Ông Quý có nghĩa vụ trả lại phần tiền đã nhận của các bị đơn cùng lãi suất đến ngày giải quyết vụ án.
"Tôi đã tin tưởng tuyệt đối ông bà chủ mà đem cầm cố hết giấy tờ nhà của ba mẹ, anh em ở quê để mua đất"
Rời quê vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 1997, song ông Dư vẫn giữ được chất giọng đặc trưng của người Bình Định. Ông kể, thời điểm ấy ông xin vào làm giúp việc cho gia đình ông Quý, cho đến năm 2017 - khi bị gia đình chủ kiện đòi lại đất.
Chìa đôi bàn tay chai sần, ông Dư nấc nghẹn: "Tôi đã tin tưởng tuyệt đối ông bà chủ mà đem cầm cố hết giấy tờ nhà của ba mẹ, anh em ở quê để mua đất. Giờ ông chủ đòi lại, không chỉ tôi mà cả gia đình cùng phải chết".
Theo lời ông Dư, năm 2009, chính ông Quý là người đã mở lời bán đất - sau khi người làm thuê cưới vợ. Mỗi mét vuông thời điểm ấy được ông Quý bán với giá 5 triệu đồng. Tổng số tiền là 870 triệu đồng; ông Dư cùng người cháu phải trả trong 2 năm.
"Lúc đó ở đây như rừng, chỉ có 2, 3 cái nhà, tôi không dám ra ngoài buổi tối vì sợ bị cướp, giết. Tôi chỉ nghĩ, ông chủ tạo điều kiện để vợ chồng tôi có chỗ ở nên nhanh chóng nhận lời và biết ơn ông. Đến bây giờ tôi mới biết...", ông bỏ lửng câu nói, đưa tay lau hàng nước mắt chảy tràn.
Giải thích lý do vì sao mua đất từ năm 2009, nhưng lại không yêu cầu chủ sang tên, ông Dư cho biết đã nhiều lần nhắc nhở nhưng ông Quý phớt lờ. Theo lời ông Dư, thời điểm tại chức ông Quý nói rằng bản thân bận việc, hẹn "khi nào về hưu ông sang tên cho".
Theo bản án sơ thẩm, ông Quý cho rằng sau khi bán đất xong đã thông báo, do mua bán giấy tay nên bên mua chỉ được xây dựng công trình sau khi có hợp đồng công chứng, chuyển mục đích sử dụng đất…
Song, trao đổi với PV, ông Dư khẳng định không có giấy tờ nào của hai bên mua bán thể hiện nội dung này. "Mua đất mà người bán không cho xây dựng chỗ ở thì ai mua làm gì", bị đơn nói, giọng bức xúc.
Phần công trình trái phép trên đất thực chất là căn nhà lá được ông Quý dựng lên làm chỗ ở cho người giúp việc từ năm 2002. Sau này gia đình ông Dư cải tạo thay vào bằng mái tôn với ít gạch cũ để làm nơi ở cho cả gia đình. Một căn khác ông cải tạo từ năm 2016 xây bằng gạch đã bị cưỡng chế.
Cũng tại tòa sơ thẩm, kết quả thẩm định của TAND quận Gò Vấp chỉ ra 674 m2 đất mà các đương sự đang tranh chấp nằm trong 3.500 m2 đất thuộc quyền sử dụng của ông Quý, có giá trị hơn 7 tỷ đồng. Song, kết quả này không được UBND phường 15 chấp nhận, vì cho rằng thấp hơn giá thực tế.
Đến tháng 8/2019, ông Dư tự mình thuê Công ty CP giám định và thẩm định giá Phương Đông thẩm định lại giá trị phần đất trên. Ông Dư nói, theo kết quả của công ty này đưa ra, tổng giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất lên đến hơn 21 tỷ đồng.
Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc cấp phúc thẩm tuyên ông Quý có nghĩa vụ "trả lại phần tiền đã nhận của các bị đơn cùng lãi suất đến ngày giải quyết vụ án", là không đúng pháp luật, lại có dấu hiệu không khách quan.
Luật sư cho rằng, trong trường hợp này tòa phải buộc nguyên đơn trả lại cho bị đơn giá trị tài sản theo giá thị trường. Dẫn ra Khoản 2, Điều 129, BLDS 2015, luật sư cho biết, hợp đồng mua bán đất dù không bảo đảm hình thức, nhưng các bên đã thực hiện được 2/3 hợp đồng, nên có quyền công nhận hợp đồng này có hiệu lực.
Tại tòa phúc thẩm, bị đơn đề nghị thay đổi HĐXX
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 1/7, phía bị đơn đề nghị thay đổi HĐXX vì cho rằng "chủ tọa là bạn thân của nguyên đơn", con ông Quý này đang là kiểm sát viên VKSND TP.HCM và thẩm phán TAND quận Gò Vấp... nên lo ngại "việc xét xử không khách quan". Song, đề nghị này không được tòa chấp nhận.
Trên báo Pháp luật TP.HCM, Chánh án Trần Đăng Tân thông tin: “Đúng là con gái của ông Quý đang là thẩm phán của TAND quận Gò Vấp, nhưng chúng tôi không cho cô ấy tham gia bất cứ việc gì liên quan đến vụ án”.
Ông Quý cho biết, do tuổi già sức yếu nên có mời người đại diện thay mặt tham gia quá trình tố tụng. Tuy nhiên, do vụ án có nhiều vấn đề bị đơn đưa ra mà người đại diện không thể am hiểu hết nên ông mới đến dự tòa. Quá trình tham gia tố tụng, gia đình ông cũng rất mệt mỏi với các yêu cầu về tố tụng của phía bị đơn.
Vì sao VKSND Gò Vấp kháng nghị bản án của tòa sơ thẩm?
Ngày 21/11/2019, VKSND quận Gò Vấp kháng nghị phúc thẩm. Theo VKS, để xem xét thời hiệu khởi kiện cần xác định giao dịch có vi phạm điều cấm của pháp luật hay không; người khởi kiện biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại từ khi nào.
Cơ quan công tố cho rằng, nguyên đơn đã ký hợp đồng chuyển nhượng cho các bị đơn từ năm 2002 và 2009, đã nhận đủ tiền vào năm 2002 và 2011. Vì vậy, việc xác định quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm kể từ tháng 3/2017 là chưa chính xác.
Ngoài ra, VKS còn chỉ ra việc tòa án chưa xác minh rõ điều kiện tách thửa, điều kiện cấp giấy chứng nhận với từng lô đất đang tranh chấp tại thời điểm chuyển nhượng và hiện nay nhưng đã có quyết định giải quyết vụ án.
"Như vậy là chưa đủ căn cứ để xác định các giao dịch có vi phạm điều cấm của pháp luật hay không, nhằm xem xét thời hiệu khởi kiện và căn cứ giải quyết vụ án", kháng nghị nêu.