Vụ xét xử cô giáo Lê Thị Dung: Kế toán trung tâm nhận trách nhiệm

Tại phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Lê Thị Dung, nguyên giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), bị cáo Nguyễn Thị Hương nguyên kế toán trung tâm này đã thành khẩn khai báo, thừa nhận sai phạm.

Chiều 12/6, phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Lê Thị Dung tiếp tục phần tranh tụng.

Khi được HĐXX hỏi về vai trò của mình trước những sai phạm, bị cáo Nguyễn Thị Hương (nguyên kế toán) khai: “Bị cáo đã nhận thức được việc làm sai, rất ăn năn hối cãi nên đã làm đơn tố cáo. Bản thân có trách nhiệm chính ở vai trò kế toán”

Theo bị cáo Hương, trong quá trình tham mưu thanh toán, không báo cáo bằng văn bản nhưng có nói với bị cáo Lê Thị Dung là nội dung thanh toán này không đúng.

Bị cáo Lê Thị Dung (áo xanh bên trái) và bị cáo Nguyễn Thị Hương (phải) tại phiên tòa phúc thẩm chiều 12/6. Ảnh: Quốc Huy

Bị cáo Lê Thị Dung (áo xanh bên trái) và bị cáo Nguyễn Thị Hương (phải) tại phiên tòa phúc thẩm chiều 12/6. Ảnh: Quốc Huy

Tại phiên tòa, HĐXX xét hỏi ông Hoàng Nghĩa Tuấn nguyên giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên (giai đoạn trước năm 2012); ông cho biết, quy chế chi tiêu nội bộ do tập thể xây dựng, theo quy chế không có chi cho lãnh đạo số tiền dạy 3 tiết/1 tuần.

“Khi chúng tôi làm quy chế rất chặt chẽ, đầy đủ. Cô Dung có đề xuất áp dụng 3 tiết/tuần để thanh toán nhưng tôi không đồng ý chi nội dung này. Sau đó, cô Dung gặp và nói rằng: mong thầy hiểu lại để làm cho đúng. Tôi trả lời, văn bản Nhà nước không phải ai cũng hiểu liền và hiểu như nhau. Tôi chi sai tôi chịu trách nhiệm. Do đó, cô cứ tìm hiểu và cơ quan cấp trên đồng ý duyệt thì tôi sẽ chi trả ngay” – ông Tuấn nói trước tòa phúc thẩm.

Phóng viên được tác nghiệp ở qua màn hình tivi quay trực tiếp ở TAND tỉnh Nghệ An. Ảnh: Quốc Huy

Phóng viên được tác nghiệp ở qua màn hình tivi quay trực tiếp ở TAND tỉnh Nghệ An. Ảnh: Quốc Huy

Sau khi ông Tuấn nghỉ hưu, bà Lê Thị Dung là người kế nhiệm làm giám đốc từ năm 2012. Từ đây, bà Dung áp dụng quy chế chi tiêu nội bộ như bản án sơ thẩm đã chỉ rõ.

Ở phần tranh tụng, các luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Thị Dung đã thẩm vấn những người liên quan như Sở giáo dục; Sở Tài chính; Phòng Tài chính; Kho bạc huyện Hưng Nguyên và một số người liên quan trong vụ án.

Phần tranh tụng này, các bên liên quan đã trả lời ngắn gọn; một số người khi được hỏi đã cho rằng, tất cả nội dung trả lời đã gửi lên Tòa án trước phiên xét xử.

Trước đó, vào phiên tòa buổi sáng, bà Lê Thị Dung xin kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Bị cáo Lê Thị Dung cho rằng, tất cả việc chi cho bản thân cũng như cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trung tâm là theo đúng theo quy chế chi tiêu nội bộ.

Quy chế này được xây dựng một cách dân chủ, công khai, đúng quy định, quy trình, đã gửi cho cơ quan cấp trên và giám định tư pháp. Tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên của trung tâm đều được hưởng như bị cáo cho nên không thể xem đó là hành vi “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo bản án sơ thẩm của TAND huyện Hưng Nguyên, từ ngày 1/10/2012 đến năm 2017, bà Lê Thị Dung đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhiều lần thanh toán trái quy định pháp luật để chiếm đoạt số tiền gần 45 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp, gây thiệt hại cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên.

Ngày mai 13/6, phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Lê Thị Dung tiếp tục diễn ra.

Quốc Huy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vu-xet-xu-co-giao-le-thi-dung-ke-toan-trung-tam-nhan-trach-nhiem-2153883.html