Vụ xét xử thủ lĩnh Aung San Suu Kyi: Bất ổn ở Myanmar như 'lửa đổ thêm dầu'
Giữa lúc Myanmar đang trong trạng thái bất ổn kể từ cuộc đảo chính quân sự, việc xét xử nhà lãnh đạo dân sự San Suu Kyi có thể làm phức tạp thêm tình hình tại đây như 'đổ thêm dầu vào lửa'.
Nhà lãnh đạo bị phế truất và bị bắt giữ của Myanmar, Aung San Suu Kyi, đã xuất hiện tại tòa án nước này vào hôm 24/5/2021. Đây là lần đầu tiên bà xuất hiện kể từ sau cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1/2 lật đổ chính quyền dân bầu của bà và kéo theo làn sóng phản kháng trong dân chúng.
Thêm dầu vào lửa
Phiên xét xử lần đầu này chỉ kéo dài có 30 phút nhưng tiến trình pháp lý đó có thể dẫn tới việc bà Suu Kyi bị tống giam và chính đảng của bà – Liên minh Dân tộc vì Dân chủ (NLD), bị giải tán.
Bà Suu Kyi bị quân đội Myanmar tố cáo là phạm phải một số tội như sở hữu các thiết bị bộ đàm được nhập khẩu bất hợp pháp, vi phạm bộ luật về các bí mật chính thức từ thời thực dân...
Nhưng đa số các nhà quan sát tình hình Myanmar thì lại cho rằng thực chất, giới tướng lĩnh Myanmar muốn trừng phạt chính phủ do bà lãnh đạo từ năm 2016 và hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử tháng 11/2020 trong đó đảng NLD giành chiến thắng áp đảo, tương tự như hồi năm 1990 và năm 2015.
Trong khi đó, các quan sát viên độc lập và quốc tế từng giám sát cuộc bầu cử 2020 thì lại không thấy tình trạng gian lận như cáo buộc của quân đội Myanmar.
Giới quan sát nhận định, với việc quân đội Myanmar đang nắm chắc các thể chế trung ương kể từ sau đảo chính, kết quả cuối cùng của các phiên tòa xét xử thủ lĩnh phong trào dân chủ San Suu Kyi sẽ là: bà có tội và bị cấm tham gia hoạt động chính trị. Một khi bà San Suu Kyi đã bị như vậy thì quân đội Myanmar có thể tổ chức cuộc bầu cử mới không có sự tham gia của NLD.
Các cáo trạng như trên nhiều khả năng sẽ tạo thêm bất ổn ở một đất nước đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội quyết định nắm lấy chính quyền.
Bất ổn toàn diện ở Myanmar hậu đảo chính
Thực tế cuộc đảo chính quân sự (tháng 2/2021) đã đẩy Myanmar đến chỗ bị xa lánh trên trường quốc tế. Phương Tây đã gia tăng sự chỉ trích và trừng phạt nhằm vào những người chủ mưu trong cuộc đảo chính đó.
Nhưng mặt khác, ở bên trong Myanmar, người đứng đầu cuộc đảo chính – tướng Min Aung Hlaing, cũng đang ngày càng bị chỉ trích ngay bên trong chính quân đội, chủ yếu là vì ông không có khả năng củng cố quyền lực mà quân đội vừa giành được.
Trong nội bộ, tướng Min Aung Hlaing bị chế giễu là chỉ giỏi quyên góp cho các chùa.
Cuộc đảo chính đã ngay lập tức vấp phải các cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp đất nước Myanmar. Những người biểu tình vẫy các biểu ngữ có hình ảnh cựu Cố vấn nhà nước San Suu Kyi. Sau đó quân đội phản ứng một cách dữ dội. Kể từ thời điểm nổ ra đảo chính, đã có hơn 800 người biểu tình và người qua đường bị thiệt mạng do sự trấn áp của quân đội. Ngoài ra, còn có khoảng 4.000 người nữa bị bắt. Tình hình bạo lực, bất ổn có lẽ còn lâu mới chấm dứt ở Myanmar.
Nhiều cuộc biểu tình hòa bình đã phát triển thành đụng độ bạo lực giữa một bên là quân đội và cảnh sát với một bên là các nhà hoạt động chống đảo chính. Thậm chí tại một số nơi, người dân Myanmar đã tự tổ chức các nhóm vũ trang riêng. Tại bang Kayah ở miền đông, các nhóm dân quân vũ trang đã đánh chiếm và thiêu cháy một đồn cảnh sát vào ngày 23/5 vừa qua. Theo Kantarawaddy Times – một trang tin điện tử địa phương, ít nhất 15 cảnh sát đã bị giết chết và 4 người khác bị bắt sống trong vụ tập kích này. Cũng trong mấy ngày qua, người ta thông báo rằng 26 quân nhân Myanmar đã bị giết chết ở khu vực khác của bang Kayah. Vẫn nguồn tin này cho biết, một chiến binh kháng chiến thiệt mạng và 5 chiến binh khác bị thương trong vụ đụng độ.
Ở thị trấn Mindat nằm về phía tây Myanmar, các kháng chiến quân tự vũ trang bằng súng săn và các loại súng tự chế đã chiếm được thị trấn này trước khi quân đội đáp trả bằng trọng pháo và hỏa lực từ trực thăng.
Đánh bom trở thành chuyện phổ biến ở một số nơi
Tại một số nơi trên đất Myanmar, các vụ đánh bom đã trở thành chuyện thường nhật, với mục tiêu tấn công là các ngân hàng, công ty do quân đội kiểm soát và các trụ sở chính quyền địa phương.
Hôm 23/5, một ngọn lửa lớn bùng lên ở một trụ sở chính quyền thành phố Myitkyina nằm ở phía bắc, thuộc bang Kachin. Cùng ngày, một quả bom phát nổ ở phía trước tòa thị chính và người ta có thể nghe thấy các tiếng nổ và tiếng súng vang lên ở Sanchaung thuộc Yangon - thành phố lớn nhất, trung tâm thương mại của Myanmar.
Ngoài sự kháng cự vũ trang của lực lượng địa phương trước đây không được biết tới, cuộc chiến giữa các nhóm vũ trang dân tộc ở các bang Kayin và Kachin với quân đội Myanmar (tức Tatmadaw trong tiếng Myanmar) đã gia tăng lên cấp độ mới.
Tại bang Kayin, hơn 20.000 người đã phải sơ tán chiến sự trong lúc Quân đội Độc lập Kachin (KIA) đã chiếm được một số vị trí quân sự và đồn cảnh sát.
Các căn cứ không quân ở Meiktila, Magwe và Toungoo đã bị tấn công bằng rocket – các cuộc tấn công này có thể là sản phẩm của các phiến quân dân tộc phối hợp với những người bất đồng chính kiến ở đô thị.
Bên cạnh đó, chính quyền quân sự còn bắt giữ các nhà báo, nhà hoạt động, nhân viên y tế, và giáo viên – những người đã tham gia biểu tình chống đảo chính. Một báo cáo của hãng thông tấn Reuters trích lời một quan chức của Liên đoàn Giáo viên cho biết, khoảng 125.000 giáo viên trong tổng số 430.000 giáo viên của Myanmar đã bị đình chỉ công tác.
Hiện không rõ số lượng bác sĩ và điều dưỡng viên bị cho thôi việc nhưng con số này được cho là đáng kể. Những người có trình độ giáo dục do lo sợ bị bắt đã cố gắng trốn khỏi Myanmar, kéo theo tình trạng chảy máu chất xám, tương tự như hồi năm 1962 và năm 1988.
Đất nước Đông Nam Á này có thể trượt xa hơn vào tình trạng bất ổn xã hội mà không có phanh hãm. Ngân hàng không hoạt động đúng chức năng, nền kinh tế tan vỡ do đình công và bạo động.
Có những báo cáo cho hay, binh lính và cảnh sát thi thoảng đột nhập vào nhà dân, phá đồ đạc và lấy đi bất thứ gì mà họ muốn.
Một số báo cáo khác tiết lộ, một số cảnh sát và binh sĩ Myanmar đã được cho sử dụng các viên ma túy đá trước khi được triển khai tới trấn áp người biểu tình. Ma túy đá được cho là nguyên nhân khiến những người này có hành vi thất thường, đôi khi rất bạo lực.
Tuyên bố duy nhất xuất hiện trong phiên xét xử hôm 24/5 là việc bà Suu Kyi đưa ra lời thách thức khi nói rằng NLD “là do nhân dân lập ra, nên đảng này sẽ tồn tại chừng nào nhân dân còn đó”./.