Vụ xử Trịnh Văn Quyết: Một bị cáo 'xin lại' tiền khắc phục hậu quả
Cho rằng bản thân không có tội, bị cáo Lê Văn Tuấn, Kiểm toán viên Công ty CPA Hà Nội đề nghị được 'xin lại' số tiền 20 triệu đồng do vợ bị cáo nộp khắc phục hậu quả trước đó.
Sáng 24/7, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Trịnh Văn Quyết cùng 49 đồng phạm trong vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" bước vào ngày làm việc thứ ba.
Trong phần xét hỏi của các luật sư với các bị cáo, bị cáo Lê Văn Tuấn, Kiểm toán viên Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (CPA Hà Nội) là người duy nhất bác bỏ cáo buộc theo cáo trạng.
Ông Tuấn cho rằng, tại CPA Hà Nội, bản thân ông chỉ có vai trò tìm kiếm khách hàng cho công ty kiểm toán chứ không được tham gia vào các cuộc họp, không ký tên vào các báo cáo kiểm toán chấp nhận toàn phần giúp Công ty TNHH Faros hoàn thiện hồ sơ đăng ký niêm yết.
Hội đồng xét xử hỏi: "Vợ bị cáo đã có đơn và biên lai về việc khắc phục hậu quả số tiền 20 triệu đồng. Đây là ý muốn của bị cáo hay vợ bị cáo tự nộp?".
Ông Tuấn trả lời: "Nếu nộp khắc phục hậu quả thì có thể hiểu là bị cáo có tội. Nhưng ở đây bị cáo thấy mình không có tội. Số tiền 20 triệu đó là được hưởng (20%) từ 100 triệu đồng mà CPA thu được từ hợp đồng kiểm toán với Công ty Faros. Do đó, bị cáo mới nộp lại số tiền đó".
Hội đồng xét xử hỏi tiếp: "Số tiền 100 triệu đã được CPA nộp đủ. Vậy bị cáo muốn nhận lại không?".
Ông Tuấn đáp: "Bị cáo xin được nhận lại".
Hội đồng xét xử cho rằng, không thừa nhận có tội chỉ là quan điểm của bị cáo. Cơ quan tố tụng sẽ có nhiều chứng cứ chứng minh.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Ngọc Tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng giám đốc CPA Hà Nội khai rằng, báo cáo kiểm toán của CPA Hà Nội đối các báo cáo tài chính năm 2014-2015 của Công ty Faros được tiến hành theo sự phân công của ông Lê Văn Dò, Phó giám đốc Công ty, đối với nhóm kiểm toán gồm 5-6 người.
Sau khi làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bị cáo Tỉnh có triệu tập cuộc họp của nhóm kiểm toán với sự tham gia của ông Lê Văn Dò. Khi đó, Tuấn đề nghị nhóm kiểm toán sang thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán và đề nghị bổ sung Tuấn vào nhóm kiểm toán.
Ông Tỉnh khẳng định, việc ông Tuấn ký vào báo cáo là tự nguyện, không bị gây sức ép.
Nhân chứng Trần Thị Ninh khai từng làm việc ở Công ty CPA Hà Nội, đã tham gia kiểm toán báo cáo tài chính của Công ty Faros giai đoạn đầu. Sau khi Ủy ban Chứng khoán yêu cầu kiểm toán bổ sung thì bà Ninh nghỉ việc nên không tham gia.
Bà Ninh trình bày, không biết có những ai tham gia kiểm toán và chỉ nghe nói không chính thức là Lê Văn Tuấn tiếp quản công việc. Cũng theo lời khai của bà Ninh: "Tuấn gọi điện và tôi có nói một số nội dung lưu ý về báo cáo tài chính của Faros".
Theo Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân, Lê Văn Tuấn và Nguyễn Ngọc Tỉnh ký 3 báo cáo tài chính kiểm toán trái pháp luật giúp Trịnh Văn Quyết niêm yết cổ phiếu ROS của Công ty Faros và bán cổ phiếu chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư. Hành vi của hai bị cáo có vai trò đồng phạm giúp sức cho bị cáo Trịnh Văn Quyết do đó cùng bị cáo buộc tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Ông Tuấn được xác định chịu trách nhiệm trực tiếp thu thập hồ sơ, tài liệu để đánh giá, kiểm tra tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh theo các báo cáo tài chính của Công ty Faros; được Nguyễn Ngọc Tỉnh phân công trực tiếp thực hiện cuộc kiểm toán tại Công ty Faros.
Tuy nhiên, Lê Văn Tuấn không thu thập đầy đủ bằng chứng xác thực về vốn góp, sử dụng vốn góp và khả năng thu hồi các khoản ủy thác đầu tư của Công ty Faros nhưng vốn thực vẫn ký các Báo cáo tài chính kiểm toán chấp nhận toàn phần với góp của Công ty Faros là 4.300 tỷ đồng tại Báo cáo tài chính kiểm toán số 122 ngày 31/65/2016; Báo cáo tài chính kiểm toán số 123 ngày 31/5/2016; Báo cáo tài chính kiểm toán số 120 ngày 30/5/2016 trái pháp luật.
Hành vi của Lê Văn Tuấn đã giúp hoàn thiện hồ sơ niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Trong suốt giai đoạn điều tra, kết luận điều tra vụ án, bị can Lê Văn Tuấn thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như đã nêu là phù hợp với kết quả điều tra, diễn biến vụ án.
Tuy nhiên, trong giai đoạn truy tố, bị can thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi phạm tội, không thừa nhận đã thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính của Công ty Faros và không thừa nhận ký báo cáo kiểm toán nhưng không cung cấp được bằng chứng chứng minh cho lời khai của mình là khách quan, đúng sự thật.
Trước đó, chiều 23/7, Hội đồng xét xử đã cho bị cáo Lê Văn Tuấn đối chất với bị cáo Nguyễn Ngọc Tỉnh cùng người làm chứng.
Ông Lê Văn Tuấn trình bày được cấp phép hành nghề kiểm toán viên vào năm 2017, là cộng tác viên của CPA Hà Nội. Bị cáo Tuấn khai ông Tỉnh có thỏa thuận với bị cáo khi khai thác và mang lại khách hàng cho công ty sẽ được hưởng 20% doanh thu trên số tiền thực thu về. Bị cáo khai không tham gia vào hoạt động kiểm toán, báo cáo tài chính của Công ty Faros giai đoạn 2014-2015.
Chủ tọa phiên tòa hỏi vì sao trong quá trình điều tra bị cáo có nhiều lời khai thể hiện có tham gia vào hoạt động kiểm toán, báo cáo tài chính 2014-2015 của Công ty Faros. Ông Tuấn nói rằng đã khai báo không trung thực do sức ép của bị cáo Tỉnh, nếu không đồng ý ông Tỉnh sẽ cho dừng hành nghề sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Bị cáo Tuấn nói rằng được ông Tỉnh đưa cho một bản giải trình các câu hỏi của cơ quan điều tra dài khoảng 8-10 trang để nghiên cứu, khi nào lên làm việc thì dựa vào đây để trả lời.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Ngọc Tỉnh khẳng định không hề gây sức ép cho bị cáo Tuấn trong trong chuyện có kiểm toán hay không. "Những điều mà bị cáo Tuấn vừa khai là không đúng. Bị cáo không gây sức ép cho ông Tuấn phải ký vào các biên bản kiểm toán hay tham gia vào công việc gì", bị cáo Tỉnh nói.