Vụ Xuyên Việt Oil: Cơ quan điều tra thu giữ nhiều tài sản của cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre

Cơ quan điều tra đã thu giữ của ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Bến Tre điện thoại, xe ô tô, 3 bộ gậy Golf hiệu Honma, 10 đồng hồ đeo tay các hãng, 440.000 USD, 134 sổ tiết kiệm/thẻ tiết kiệm/giấy chứng nhận tiền gửi tiết kiệm/thẻ tiền gửi tiết kiệm, 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở, 97 miếng kim loại màu vàng…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chiều 18/9, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng truy tố 15 bị can trong vụ án Xuyên Việt Oil về các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Bà Mai Thị Hồng Hạnh (Chủ tịch Công ty Xuyên Việt Oil) bị truy tố về 2 tội "Đưa hối lộ" và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”...

NHIỀU SAI PHẠM VỀ SỬ DỤNG QUỸ BOG VÀ TIỀN THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Theo cáo trạng, bà Hạnh đã vi phạm các quy định pháp luật về trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu – quỹ BOG như chỉ đạo nhân viên là Nguyễn Thị Như Phương (phó giám đốc) không trích lập quỹ BOG đầy đủ, không kết chuyển tiền quỹ BOG vào tài khoản Công ty Xuyên Việt Oil mà chuyển sang tài khoản cá nhân bà Hạnh để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Do đó, quỹ BOG có số dư không đúng quy định, gây thất thoát cho nhà nước hơn 219 tỷ đồng.

Để đối phó với thanh tra, kiểm tra, theo dõi, giám sát của Bộ Tài chính, Bộ Công thương, bà Hạnh chi đạo các kế toán lập 81 báo cáo tình hình trích lập, sử dụng quỹ BOG theo định kỳ hàng tháng. Tuy nhiên, số dư thực tế trong báo báo không đúng thực tế.

Trong đó, bà Hạnh trực tiếp ký 22 báo cáo, chỉ đạo Phương ký các báo cáo từ tháng 11/2021 đến thời điểm công ty bị dừng hoạt động.

Cáo buộc còn thể hiện, Công ty Xuyên Việt Oil là doanh nghiệp tư nhân, thuộc sở hữu của Hạnh và do bà này nắm toàn quyền quyết định, định đoạt về mọi mặt hoạt động và đứng tên chủ tài khoản với tất cả tài khoản ngân hàng công ty.

Theo quy định, Xuyên Việt Oil được giao thu hộ tiền thuế bảo vệ môi trường từ hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Song theo cáo trạng, bà Hạnh vi phạm điều 10 Luật Thuế Bảo vệ môi trường, cố ý không chuyển nộp tiền thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách mà sử dụng vào mục đích cá nhân dẫn đến mất khả năng hoàn trả. Hành vi này khiến nhà nước thiệt hại về thuế hơn 1.244 tỷ đồng.

ĐƯA HỐI LỘ HƠN 31 TỶ ĐỒNG

Cáo trạng cho thấy, để Công ty Xuyên Việt Oil được Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu năm 2016, 2021, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra và giám sát quỹ BOG, được cấp hạn mức tín dụng… bà Hạnh đưa hối lộ 22 lần với số tiền hơn 31,5 tỷ đồng.

Trong đó, ông Lê Đức Thọ - cựu Bí thư tỉnh ủy Bến Tre nhận hơn 13,6 tỷ đồng.

Cụ thể, từ năm 2018, bà Hạnh quen biết ông Thọ do Công ty Xuyên Việt Oil có quan hệ tín dụng với ngân hàng nơi ông Thọ làm Chủ tịch HĐQT. Bà Hạnh nhờ ông Thọ giúp cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng cho Xuyên Việt Oil và đưa hối lộ cho ông Thọ 600.000 USD.

Với hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, cáo trạng xác định, năm 2021, ông Thọ được điều động, phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Để nâng cao uy tín bản thân, ông Thọ đề nghị Hạnh thành lập chi nhánh hoặc công ty con của Xuyên Việt Oil tại Bến Tre để nộp thuế nhằm tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Đổi lại, công ty này sẽ được tạo điều kiện về thực hiện các dự án bất động sản, cảng biển, du lịch tại địa phương.

Với thỏa thuận trên, bà Hạnh thành lập Công ty CP Việt Oil tại Bến Tre và xin vay vốn tại ngân hàng, nơi Thọ từng giữ chức vụ quản lý. Ông Thọ nhiều lần gặp, gọi điện thoại cho giám đốc chi nhánh ngân hàng ở Bến Tre tác động, tạo điều kiện cho Hạnh.

Quá trình xin vay vốn, ngân hàng phê duyệt cấp giới hạn tín dụng 400 tỷ đồng cho Công ty Việt Oil với tỷ lệ tài sản đảm bảo 50%, tín chấp 50%, nhưng không được phê duyệt. Lý do là vì Công ty Xuyên Việt Oil (Công ty mẹ của Công ty Việt Oil) đang được cấp tín dụng với tỷ lệ tài sản đảm bảo là 80%, tín chấp là 20%.

Chi nhánh ngân hàng đã thông báo cho bà Hạnh nhưng bị can này yêu cầu tỷ lệ tín chấp từ 40% trở lên thì mới đồng ý vay vốn. Biết việc này, ông Thọ yêu cầu chi nhánh ngân hàng khẩn trương thẩm định, lập hồ sơ trình hội sở ngân hàng phê duyệt giới hạn tín dụng theo đề nghị trên. Sau đó, Chi nhánh Bến Tre đã 20 lần giải ngân vốn vay cho Công ty Việt Oil với tổng số tiền 892 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng đã làm rõ, do lợi dụng chức vụ, quyền hạn tác động giải quyết khoản vay cho Công ty Việt Oil, ông Thọ nhiều lần được bà Hạnh tặng quà như bộ golf nhãn hiệu Honma trị giá 1,1 tỷ đồng, đồng hồ Patek Philippe Plus, xe ô tô Mercedes Ben – S450 Luxury...

Cáo buộc thể hiện ông Thọ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi hơn 22,1 tỷ đồng.

KÊ BIÊN SỐ LƯỢNG LỚN SỔ TIẾT KIỆM, BẤT ĐỘNG SẢN

Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã thu giữ ông Thọ điện thoại, xe ô tô, 3 bộ gậy Golf hiệu Honma, 10 đồng hồ đeo tay các hãng, 440.000 USD, 134 sổ tiết kiệm/thẻ tiết kiệm/giấy chứng nhận tiền gửi tiết kiệm/thẻ tiền gửi tiết kiệm, 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở, 97 miếng kim loại màu vàng…

Ngoài ra, phong tỏa 36 tài khoản của bà Hạnh và Công ty Xuyên Việt Oil. Kê biên 11 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của bà Hạnh; tạm dừng giao dịch 46 quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của bà Hạnh; 8 quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của Công ty Xuyên Việt Oil và 14 quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở mà Công ty Xuyên Việt Oil có góp vốn hoặc sở hữu của Mai Thị Hồng Hạnh.

Đỗ Mến

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vu-xuyen-viet-oil-co-quan-dieu-tra-thu-giu-nhieu-tai-san-cua-cuu-bi-thu-tinh-uy-ben-tre.htm