Vừa bảo đảm an ninh trật tự, vừa phòng, chống dịch bệnh
Với phương châm, mỗi một người dân, mỗi tổ dân phố là 'pháo đài' phòng, chống dịch Covid-19, bằng các việc làm cụ thể, Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm soát, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc vi phạm những quy định trong phòng, chống dịch, đồng thời bảo đảm an ninh trật tự tại các cơ sở cách ly…
Chính quyền và Công an phường Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm) lập chốt tuyên truyền xử phạt người không đeo khẩu trang trên phố đi bộ.
Phát huy vai trò mỗi người dân là một “pháo đài” chống dịch
Bà Nguyễn Thị Thanh, Tổ phó Liên gia 7, tổ 25, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, người dân và cảnh sát khu vực đã hình thành đường dây phối hợp chặt chẽ, hằng ngày thông báo về tình hình phòng, chống dịch Covid-19, trong đó thông tin về người lạ đến địa bàn được nắm chắc.
Anh Nguyễn Thanh Hải, quản lý Khách sạn Melia Hà Nội cho biết, trước đây, nhân viên lễ tân khách sạn hằng ngày trực tiếp mang sổ tiếp nhận khách lưu trú tới cơ quan công an, cùng cán bộ công an nhập số lượng khách, nhưng giờ đây đã có phần mềm trực tiếp quản lý kết nối thẳng nên thuận lợi hơn rất nhiều.
“Hiện tại, khách nước ngoài ít, nhưng lượng khách trong nước vẫn khoảng vài chục người/ngày. Do đã được tập huấn, nhân viên khách sạn đều yêu cầu khách khai báo kỹ nơi đến, nơi đi để qua đó sàng lọc người nhập cảnh trái phép từ vùng dịch, khi có dấu hiệu bất thường đã có số điện thoại đường dây nóng của cơ quan công an để chúng tôi thông báo”, anh Nguyễn Thanh Hải cho biết.
Tại địa bàn phường Quảng An (quận Tây Hồ), nơi hiện có hơn 3.000 nhân khẩu là người nước ngoài đang tạm trú trên địa bàn, Trung tá Đoàn Văn Dương, Trưởng Công an phường cho biết, cảnh sát khu vực đã tuyên truyền phòng, chống dịch đến 3.125 cơ quan, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn. Đơn vị cũng thường xuyên tổ chức rà soát, nắm tình hình số lao động, học sinh, sinh viên là người nước ngoài, công dân Việt Nam từ vùng có dịch bệnh hoặc di chuyển qua vùng có dịch về địa bàn làm việc, số người nước ngoài là khách du lịch lưu trú tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn quản lý...
Cũng theo Trung tá Đoàn Văn Dương, do đặc thù địa bàn có nhiều người nước ngoài nên để vượt qua khó khăn, bất đồng ngôn ngữ, khi tuyên truyền phòng, chống dịch, cán bộ, chiến sĩ đều được tập huấn kỹ năng sử dụng phần mềm phiên âm tiếng nước ngoài… ra tiếng Việt.
Còn Đại tá Nguyễn Tiến Tần, Trưởng Công an huyện Thường Tín cho biết, Công an huyện chỉ đạo công an các xã, thị trấn rà soát, quản lý, giám sát chặt chẽ tất cả các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài về đang làm việc và cư trú trên địa bàn; các tổ dân phố, thôn, xóm nếu phát hiện những trường hợp nhập cảnh trái phép, báo cáo chính quyền địa phương để kiểm tra cách ly theo quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Các lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm rà soát công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Tăng cường nhiều biện pháp giám sát
Là địa bàn tập trung nhiều cơ sở lưu trú cũng như đón nhiều khách du lịch, Công an quận Hoàn Kiếm đã triển khai nhiều phương án quản lý chặt lượng khách nhập cảnh cũng như rà soát việc di chuyển đi lại của công dân trên địa bàn.
Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, đơn vị đã ứng dụng phần mềm kết nối trực tiếp các cơ sở khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn với lực lượng quản lý hành chính, hằng ngày lên danh sách khách lưu trú.
Trung tá Phạm Thị Minh Huệ, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an quận Hoàn Kiếm) cho biết thêm, theo thống kê, hằng ngày có khoảng 500 khách lưu trú trên địa bàn và tất cả đều được lên danh sách quản lý. Con số này rất thấp so với 10.000 người/đêm cùng kỳ năm ngoái.
“Song song với quản lý khách lưu trú, Công an quận đã thực hiện nghiêm việc quản lý 17 quán karaoke và 24 quán bar trên địa bàn quận cùng ký cam kết chung tay phòng dịch. Tại những nơi dễ nhận thấy như cửa ra vào, thang máy, bậc lên xuống cầu thang các quán đều dán hướng dẫn về 5 bước phòng dịch Covid-19, trang bị cồn rửa tay, khẩu trang cho nhân viên. Phần mềm quản lý hành chính của Công an quận đã được kết nối với các cơ sở kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, bar, karaoke để quản lý về lượng khách hằng ngày”, Trung tá Phạm Thị Minh Huệ nói.
Khách sạn The Ann Hà Nội (số 38A Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) là một trong 15 khách sạn được thành phố Hà Nội cho phép tiếp nhận và giám sát cách ly phòng, chống dịch Covid-19 cho các chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam.
Theo Trung tá Nguyễn Đức Khánh, Trưởng Công an phường Phạm Đình Hổ, khách sạn đã đón đoàn khách cách ly đầu tiên với 80 khách quốc tịch Trung Quốc (3-10-2020). Đơn vị luôn theo dõi chặt tình hình cách ly tại khách sạn và lập danh sách thống kê đầy đủ. Đến nay, khách sạn đã thực hiện cách ly cho 4 đoàn với 138 khách đã hoàn thành cách ly, còn 136 khách đang thực hiện cách ly... Hằng ngày, Công an phường thường xuyên tổ chức tuần tra, bảo vệ nghiêm khu vực này.
Thiếu tá Phạm Đức Ngọc, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông và trật tự, Công an quận Hai Bà Trưng cho biết thêm, trên địa bàn tại khu vực chợ Hôm, Công viên Thống Nhất… luôn duy trì lều bạt dã chiến phục vụ công tác phòng, chống Covid-19.
Tính đến cuối tháng 11, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đã có 34.248 trường hợp khai báo y tế; xử lý 381 người không đeo khẩu trang khi ra đường, kinh doanh karaoke vi phạm quy định phòng, chống dịch... Ngoài ra, hằng ngày, xe tuần tra lưu động của công an các phường và quận đều gắn biểu ngữ và phát thanh tuyên truyền các bước phòng, chống dịch để nhân dân được biết.
Ông Nguyễn Thao Hùng, Chủ tịch UBND phường Trung Liệt, quận Đống Đa khẳng định, Ban Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 của phường đã kết nối Facebook, Zalo với các tổ trưởng dân phố, bí thư chi bộ để hằng ngày giám sát lượng người đến và đi, đặc biệt nắm rõ lịch trình di chuyển của công dân trên địa bàn nếu có đi du lịch, học tập, công tác tại những khu vực xảy ra dịch.
Cũng theo ông Hùng, UBND thành phố Hà Nội vừa quyết định thành lập cơ sở cách ly y tế tập trung cho người nhập cảnh tại Khách sạn Hacinco (số 110 Thái Thịnh, phường Trung Liệt, quận Đống Đa), tạo thêm điều kiện thuận lợi trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, ngày 15-12 vừa qua, Công an thành phố đã triển khai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự cho các ngày lễ, tết và các sự kiện trọng đại của đất nước diễn ra trên địa bàn thành phố. Tinh thần của toàn lực lượng là “nỗ lực là phải lớn, quyết tâm là phải cao, hành động phải quyết liệt”, làm sao để hoàn thành “nhiệm vụ kép” vừa bảo đảm tốt an ninh trật tự, vừa phòng, chống dịch Covid-19.
Công an thành phố cũng đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, tổ chức nhập cảnh trái phép, các cơ sở lưu trú, khách sạn nhận người nhập cảnh trái phép lưu trú, doanh nghiệp nhận lao động là người nhập cảnh trái phép... Đồng thời, các đơn vị xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19; phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm công tác an ninh trật tự tại các cơ sở cách ly.
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.