Vua bóng đá từng rất ghét biệt danh Pelé của mình
Điều Pelé nhớ chắc chắn là: khi còn là một đứa trẻ lên 9 hay 10 thì ông ghét cái tên Pelé tới mức sẽ gây lộn với bất kỳ ai gọi mình bằng tên đó.
Dico trở thành Pelé vào năm lên 9 hoặc 10 tuổi. Ông nói: “Tôi không biết cái tên ấy bắt nguồn từ đâu, không nhớ ai nói ra đầu tiên, vì nó không có nghĩa trong tiếng Bồ Đào Nha hay bất cứ ngôn ngữ nào khác theo như tôi biết.
Tôi đã trở lại Bauru nhiều lần và hỏi tất cả những người bạn cũ thuở ấy, nhưng họ chẳng biết gì về nguồn gốc cũng như thời điểm chính xác mà người ta đặt ra nó. Họ nói rằng một ngày nọ nó xuất hiện và gắn liền với tôi, vì dường như đó là cái tên thích hợp, dù ý nghĩa có là gì chăng nữa”.
Có lẽ tên Pelé xuất phát từ việc chính cậu bé Dinho phát âm sai tên của một trong những cầu thủ nổi tiếng nhất ở bang Minas Gerais thời đó là Belé; hoặc đây là một sự pha trộn kỳ lạ nửa Bồ nửa Thổ.
“Một người bạn nói rằng, có lẽ nó được đặt cho tôi một cách tình cờ bởi một trong số nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ sống ở Bauru thời đó. Anh ấy nghĩ tới một khả năng: bất cứ khi nào tôi vô tình chạm bóng bằng tay, thì họ lại hét lên “Pe-le!” nghĩa là “bàn chân” trong tiếng Bồ Đào Nha và có thể là “ngu ngốc” trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc có thể vì họ nghĩ rằng đó là từ “ngu ngốc” trong ngôn ngữ của chúng tôi”.
Điều Pelé nhớ chắc chắn là: khi còn là một đứa trẻ lên 9 hay 10 thì ông ghét cái tên Pelé tới mức sẽ gây lộn với bất kỳ ai gọi mình bằng tên đó. “Chắc hẳn tôi đã thua những trận đánh lộn đó, vì cái tên vẫn cứ ở lại. Từ đó trở đi ai biết tôi cũng gọi tôi là Pelé, chỉ trừ gia đình vẫn gọi tôi là Dico cho đến nay”.
Năm lên 10, Pelé chơi bóng với những đứa trẻ lớn hơn nhiều tuổi trong đội bóng đường phố 7 tháng 9, do chúng tự lập ra và đặt tên theo Ngày Độc lập của Brazil. Đại bản doanh của đội chính là khoảnh sân sau nhà Pelé. Lũ trẻ khao khát có được một quả bóng thực sự, quần áo thể thao thích hợp và thậm chí là những đôi giày.
Pelé nảy ra ý tưởng thu thập thẻ bóng đá, gom vào album rồi bán lấy tiền mua bóng. Gây quỹ để mua áo, quần đùi và vớ là cả một vấn đề. Một đứa trong đội đề nghị xếp củi cho những người hàng xóm, đứa khác thu gom thuốc lá từ những mẩu thuốc còn dư để làm thuốc mới đem bán. Một ý tưởng khác là thu gom sắt vụn để bán cho đại lý.
Chẳng có chiêu trò kiếm tiền nào đạt được thành công. Sau khi xem xét lại từ đầu, một đứa vạch kế hoạch... ăn trộm đậu phộng từ kho hàng của ngành đường sắt rồi mang bán bên ngoài rạp chiếu phim hoặc khi gánh xiếc đến thị trấn. [...]
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, sau khi thảm họa khủng khiếp ấy xảy ra thì lũ trẻ từ bỏ các kế hoạch gây quỹ để mua giày. Thay vào đó, đội bóng 7 tháng 9 chọn cách gọi bản thân là “Đội bóng không giày”: một biệt danh không hề độc đáo vì mọi đội bóng ở vùng lân cận dường như có cùng biệt danh.
Tuy nhiên, rốt cuộc thì Pelé đã hoàn thành hai album thẻ bóng đá và bán chúng để mua một quả bóng. Cậu bé giữ bóng trong nhà, và nhờ đó trở thành đội trưởng.
Đương nhiên là Pelé chơi ở vị trí trung phong, nhưng đôi khi cậu cũng chơi ở hàng phòng ngự, thậm chí thỉnh thoảng còn... giữ gôn. Người cha đưa cậu đến sân Noroeste bị bỏ hoang và nhấn mạnh để cậu hiểu được sự cần thiết phải sử dụng cả hai chân khi chơi bóng.
Ông Dondinho hướng dẫn, huấn luyện và rèn cho Pelé tất cả những kỹ năng chơi bóng: tập đánh đầu, chuyền bóng và tất cả những ngón nghề khác liên tục, không ngơi nghỉ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vua-bong-da-tung-rat-ghet-biet-danh-pele-cua-minh-post1344741.html