Vựa cá trên Cao nguyên
Tầm 9-10 giờ sáng hằng ngày người, xe từ các nơi đổ về Auyn Hạ thu mua cá. Mỗi ngày có từ 5-10 tấn cá Phú Thiện chở đi các nơi về Phú Yên, sang Đăk Lăk, lên phố núi Pleiku, một số loài như cá thát lát có lúc được thương lái đưa xuống tận TP Hồ Chí Minh. Ngoài cá hồ Auyn Hạ, nghề nuôi cá nước ngọt cũng phát triển rộng khắp Phú Thiện.
Đi dọc quốc lộ 25 từ ngã ba Cheo Reo về miền biển Phú Yên, mới qua hết vùng đất đỏ rừng khộp ở đèo Chư Sê, thật bất ngờ khi một vùng bằng phẳng, cánh đồng thẳng cánh cò bay hiện ra trước mắt du khách. “Thoáng đồng bằng giữa bất ngờ cao nguyên” là Phú Thiện.
Huyện Phú Thiện được thành lập theo Nghị định 50/2007/NĐ-CP ngày 30/3/2007 của Chính phủ, chia tách từ huyện Ayun Pa cũ (nay là thị xã Ayun Pa), diện tích tự nhiên gần 50.472 ha, trong đó diện tích lúa nước 2 vụ hơn 6.000 ha. Năm 2014 tổng giá trị sản xuất 7967,90 tỷ đồng
(theo giá cố định 1994)
đạt 100,15% kế hoạch, tăng 11,96% so với năm 2013. Tổng diện tích gieo trồng toàn huyện 24.143 ha, đạt 100,03% kế hoạch, tăng 1,62% so với thực hiện năm 2013; giá trị sản xuất nông nghiệp với 264,39 tỷ đồng, ưu thế là ngành trồng trọt đạt 228,85 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực 95.763 tấn, đạt 100% kế hoạch, tăng 2,26% so với thực hiện năm 2013. Giá trị sản xuất các ngành: Nông - lâm nghiệp-thủy sản 289,5 tỷ đồng đạt 100,1% kế hoạch, tăng 6,94%. Trong đó việc nuôi trồng thủy sản đang từng bước triển khai có hiệu quả.
Hơn 20 năm trước, thủy lợi Auyn Hạ đã chặn dòng sông Auyn xây hồ chứa, mặt hồ có diện tích lên đến 37 km2, chiều dài 25 km, nơi rộng nhất lòng hồ rông đến 5 km, tạo thành một vựa cá trên cao nguyên. Hàng năm lượng thủy sản đánh bắt ở đây lên đến cả ngàn tấn cá các loại.
Ngoài cá từ hồ Auyn Hạ, nhiều năm trở lại đây UBND huyện Phú Thiện đã chỉ đạo cho các cơ quan chức năng tăng cường nuôi trồng thủy sản. Đến năm 2014 diện tích chuyên canh nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện là 334 ha, tổng sản lượng hơn 800 tấn. Các đối tượng nuôi cá chủ yếu là hộ gia đình, hợp tác xã, với các chủng loại như cá trắm, trôi mè, trê lóc, rô phi, cá rô đầu vuông... Gần đây cá rô đầu vuông từ sông nước miền Tây đã du nhập và thích nghi tốt với ruộng đồng Phú Thiện, nhiều hộ thử nghiệm đã cho năng suất cao. Do điều kiện nuôi trồng trong các ao hồ có nước ra-vào thường xuyên nên cá lớn nhanh, chất lượng tốt, suất đầu tư đỡ tốn kém. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phú Thiện cho biết: Hiện nay một số người nuôi cá thả đồng bằng cách “trồng lúa, thu cá”: Gieo sạ lúa lên khoảng 1 tháng rồi tích nước thả cá.
Động thực vật phù du trong ruộng lúa làm thức ăn cho cá, cá ăn cả thân, rễ lúa, sau này thu hoạch cá bỏ lúa, mô hình này cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Phú Thiện anh Ksor Dương là một trong những người nuôi cá thành đạt ở Phú Thiện. Chỉ vào chiếc ô tô đậu ở cơ quan anh bảo cũng từ cá đấy. Nhà Ksor Dương nuôi 5 sào ao cá, bình quân mỗi năm thu 2 vụ được 160-200 triệu đồng từ cá.
Bên cạnh việc mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, công tác khuyến ngư cũng được quan tâm: Phòng Nông nghiệp và PTNT kết hợp với trạm thú y, Trạm khuyến nông và Trạm Bảo vệ thực vật mở các lớp tập huấn, thăm quan mô hình về kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng phòng bệnh thủy sản; Chữa trị và ngăn chặn kịp thời tình hình dịch bệnh thủy sản trên địa bàn huyện. Những năm qua một số xã xuất hiện các loại bệnh ở cá mè trắng, rô phi, trắm cỏ, trôi. Phòng NN và PTNT đã tham mưu các địa phương thực hiện việc chăm sóc phòng ngừa dịch bệnh thủy sản, thường xuyên theo dõi thời tiết để chủ động phòng tránh đồng thời tăng cường kiểm tra chất lượng thức ăn và con giống. Công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh giống thủy sản, thức ăn và thuốc bảo vệ thủy sản cũng thường xuyên được quan tâm. Hầu hết các cơ sở này đều được đánh giá tốt, đã góp phần đẩy nhanh nghề nuôi trồng thủy sản ở vùng đất cao nguyên này.
Bên cạnh đó, UBND huyện Phú Thiện thường xuyên chỉ đạo trực tiếp các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân không sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Công an và các cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên kiểm tra trên các khu vực đánh bắt thủy sản lớn như hồ Auyn Hạ, sông Auyn và các kênh, suối nhỏ trên địa bàn răn đe và ngăn chặn kịp thời các đối tượng vi phạm.
Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện ông Nguyễn Văn Phụng khẳng định: Phú Thiện có tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nhờ diện tích đất nông nghiệp trong đó lúa nước hơn 6.000 ha có nguồn cung cấp nước quanh năm từ hồ Auyn Hạ. Các ao hồ phần lớn nằm gần kênh mương dùng để tưới tiêu nên thuận lợi cho việc tháo nước vào ao nuôi cá. Thức ăn thô xanh tự nhiên và các phụ phẩm nông nghiệp được thu hoạch từ lúa, ngô, mì làm thức ăn cho cá rất hiệu quả. Vì vậy ngành nuôi trồng thủy sản ngoài mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống, còn hướng đến sản xuất hàng hóa và phát triển thành ngành kinh tế của huyện.
Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/vua-ca-tren-cao-nguyen-825070.tpo