Vua Charles III sẽ bổ nhiệm ông Sunak là thủ tướng Anh hôm nay
Ông Rishi Sunak sẽ yết kiến vua Charles III vào ngày hôm nay để chính thức được bổ nhiệm làm Thủ tướng và thành lập chính phủ mới. Tân lãnh đạo Anh sau đó sẽ có bài phát biểu đầu tiên trước quốc gia.
Independent dẫn thông báo của Văn phòng Thủ tướng Anh ngày 25/10 cho biết, Thủ tướng Liz Truss sẽ họp chia tay nội các lúc 9h (15h giờ Hà Nội) và phát biểu lần cuối trên cương vị thủ tướng ở số 10 Phố Downing vào khoảng 10h15 (16h15 giờ Hà Nội).
Bà Truss sau đó sẽ di chuyển từ Phố Downing đến Cung điện Buckingham để yết kiến Vua Charles III và chính thức đệ đơn từ chức. Khi bà rời đi, ông Rishi Sunak vào yết kiến Nhà vua tại cung điện. Ông sẽ được Vua Charles III bổ nhiệm làm thủ tướng tiếp theo của nước Anh và được yêu cầu thành lập chính phủ mới.
Sau khi được bổ nhiệm, ông Sunak sẽ quay về Phố Downing để phát biểu trước quốc gia lần đầu tiên trên cương vị thủ tướng vào khoảng 11h35 (17h35 giờ Hà Nội). Ông sẽ là thủ tướng thứ 2 thời Vua Charles, sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời hồi tháng 9.
Trước đó, chiều ngày 24/10 (giờ địa phương), cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak được tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc đua trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ. Cùng ngày, Vua Charles III đã từ dinh thự Sandringham về London để chuẩn bị bổ nhiệm tân thủ tướng.
Ông Sunak, 42 tuổi, sinh ra ở thành phố Southampton và là người gốc Ấn Độ đầu tiên trở thành thủ tướng ở Anh, đồng thời là vị thủ tướng trẻ nhất ở nước này hơn 200 năm qua.
Ông được thăng chức thủ tướng mà không cần thông qua bất kỳ cuộc bỏ phiếu thông thường nào của thành viên đảng Bảo thủ, sau khi hai ứng viên còn lại của vòng tranh cử là cựu Thủ tướng Boris Johnson và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Penny Mordaunt tuyên bố rút lui. Ông cũng là ứng viên duy nhất nhận được sự ủng hộ từ gần 200 nghị sĩ (điều kiện tranh cử là cần ít nhất 100 nghị sĩ).
Trong bài phát biểu kín trước các nghị sĩ đảng Bảo thủ sau khi nhận tin chiến thắng hôm 24/10, ông Sunak nhận định nước Anh đang đối mặt với thách thức kinh tế sâu sắc. Ông tuyên bố ưu tiên hàng đầu là bảo đảm ổn định kinh tế trong nước và thực thi những cam kết của đảng Bảo thủ, đồng thời bác bỏ khả năng tổ chức tổng tuyển cử. Tân thủ tướng Anh cũng bày tỏ cảm ơn cựu Thủ tướng Liz Truss khi đã phục vụ đất nước vào “giai đoạn đặc biệt khó khăn”.
Trên cương vị Thủ tướng thứ 57 của nước Anh, ông Rishi Sunak sẽ tiếp tục đối mặt với hàng loạt thách thức, từ việc vực dậy nền kinh tế và tài chính hỗn loạn, giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát gia tăng, cũng như hàn gắn nội bộ đảng Bảo thủ trước sự chia rẽ và lấy lại niềm tin, sự tín nhiệm của công chúng Anh.
Ông Sunak là bộ trưởng tài chính dưới thời Thủ tướng Boris Johnson và được coi là người đã chèo lái nền kinh tế Anh vượt qua đại dịch Covid-19 với kế hoạch hỗ trợ người lao động và giúp đỡ các doanh nghiệp bị đóng cửa.
Hồi tháng 7, ông Sunak đã từ chức sau khi ông Johnson dính vào hàng loạt bê bối như tổ chức tiệc tùng trong thời gian Anh phong tỏa. Động thái này đã mở đầu cho cuộc khủng hoảng nội các, khi hàng loạt các bộ trưởng, quan chức cấp cao đệ đơn sau đó cũng từ chức để gây áp lực đối với ông Johnson.
Sau khi ông Johnson từ chức, ông Sunak đã tham gia cuộc đua vào ghế Thủ tướng Anh cùng bà Liz Truss và các đối thủ khác. Chiến dịch tranh cử chứng kiến ông Sunak và bà Truss liên tục đụng độ về các chính sách kinh tế. Khi đó, bà Truss cho rằng việc cắt giảm thuế sẽ làm tăng đầu tư và thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Sunak đã nhiều lần cảnh báo rằng kế hoạch tài chính của bà Truss sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát vốn đã gia tăng.
Đầu tháng 9, bà Truss được công bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử và trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian nắm quyền ngắn ngủi, bà Liz Truss buộc phải từ chức thủ tướng vào ngày 20/10 vì không thể giải quyết các thách thức của đất nước. Việc từ chức chóng vánh chỉ sau 45 ngày cũng khiến bà Truss trở thành người giữ chức thủ tướng ngắn nhất trong lịch sử nước Anh.