Vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo kế hoạch năm học
Nhiệm vụ chủ yếu năm học 2020-2021 là tiếp tục đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục. Ảnh: THÚY HẰNG
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021 của ngành Giáo dục. Mục tiêu xuyên suốt trong 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu năm học 2020-2021 là tiếp tục đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục.
Đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục
Căn cứ tình hình thực tiễn của các địa phương, của ngành, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ thị toàn ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản trong năm học 2020-2021.
Mục tiêu xuyên suốt trong 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu năm học 2020-2021 là tiếp tục đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục. Đáng chú ý, Bộ GD-ĐT yêu cầu nhiệm vụ rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD-ĐT trong cả nước phải đảm bảo nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh, gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Trong năm học 2020-2021, cùng với việc hoàn thiện đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tổ chức thực hiện đề án sau khi ban hành, thì việc nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp luôn là nhiệm vụ cốt lõi. Năm học này, ngành Giáo dục cũng tập trung đẩy mạnh triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Là năm học đầu tiên thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1, chỉ thị yêu cầu, tiếp tục rà soát, bổ sung, đảm bảo đủ cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, lựa chọn và bố trí đủ giáo viên có kinh nghiệm triển khai chương trình, sách giáo khoa để dạy lớp 1. Song song đó, tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 2, lớp 6 và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình; tiếp tục xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đồng thời đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; tinh giản nội dung dạy học; đẩy mạnh giáo dục STEM trong bậc phổ thông; đổi mới kiểm tra, đánh giá gắn với lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Riêng đối với những địa phương phải giãn cách, cách ly xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, sẽ tổ chức việc dạy và học trực tuyến qua internet và trên truyền hình với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo kế hoạch năm học.
Tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên học tập
Hiện công tác chuẩn bị cho năm học 2020-2021 trên địa bàn tỉnh đều được các trường mầm non, phổ thông, đại học, cao đẳng, trung cấp chuẩn bị kỹ càng để vừa chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo kế hoạch học tập của năm học.
TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung cho biết: Đến thời điểm này, trường đã có hơn 450 học sinh nhập học theo hệ 9+. Ngày 9/9, nhà trường tiếp tục tổ chức nhập học cho các thí sinh đăng ký học trung cấp, cao đẳng. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường bố trí xe đưa đón học sinh từ ký túc xá (cơ sở 1) đến cơ sở 2 học tập. Ngoài ra, để hỗ trợ học sinh trong việc chọn đúng ngành nghề theo học, các thầy cô giáo là cố vấn học tập còn tư vấn, hướng nghiệp giúp các em tự tin với ngành nghề đã chọn. Hiện nhà trường từng bước hoàn thiện khu ký túc xá tại cơ sở 2 với quy mô hơn 200 học sinh sinh viên, dự kiến đưa vào sử dụng vào tháng 10 này.
Tương tự, đến thời điểm này Trường cao đẳng Nghề Phú Yên cũng đã có hơn 300 học sinh sinh viên đăng ký xét tuyển đợt 1, nhà trường tổ chức nhập học vào hôm nay (3/9). ThS Nguyễn Hồng Phong, Trưởng Phòng Đào tạo của trường này cho hay: Nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện nhằm đảm bảo phòng chống COVID cho học sinh nhập học như khẩu trang, dung dịch rửa tay sát khuẩn, làm vệ sinh khuôn viên trường học, khu ký túc xá…
Đối với giáo dục phổ thông, hôm nay (3/9), khoảng 200.000 học sinh trên địa bàn tỉnh tựu trường. Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cho học sinh lớp 1. Đến thời điểm này, các trường đã hoàn tất công tác chuẩn bị đội ngũ và cơ sở vật chất - các yếu tố quyết định đến chất lượng dạy và học.
Theo Sở GD-ĐT, năm học 2019-2020, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, song ngành Giáo dục vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng khi chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển; từng bước đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy ở tất cả cấp học, ngành học. Năm học 2020-2021, để triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, tỉnh đã sắp xếp mạng lưới trường lớp, điều chỉnh số lượng học sinh/lớp, bổ sung thiết bị, phòng chức năng; lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, điều kiện tổ chức dạy học của địa phương và biên soạn tài liệu giáo dục địa phương đồng bộ, hiệu quả, nhằm tạo điều kiện cho việc áp dụng kỹ thuật, phương pháp dạy học tích cực, đáp ứng yêu cầu khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.
5 nhóm giải pháp cơ bản
- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về GD-ĐT
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động GD-ĐT
- Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT
- Tăng cường khảo thí, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục
- Đẩy mạnh truyền thông về GD-ĐT
9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu bao gồm:
- Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD-ĐT trong cả nước
- Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp
- Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học; công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên
- Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong dạy, học và quản lý giáo dục, thực hiện chuyển đổi số trong GD-ĐT
- Đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục
- Hội nhập quốc tế trong GD-ĐT
- Tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng các hoạt động GD-ĐT
- Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.