Vừa chống Omicron vừa ngăn lạm phát
Khi biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 làm cho nhiều nước lo ngại, tình hình kinh tế và xã hội Mỹ cũng có nhiều biến chuyển quan trọng trước làn sóng mới của đại dịch Covid-19.
Lạm phát tại Mỹ đã tăng trong những tháng gần đây. Cụ thể, tỉ lệ lạm phát tăng 6,2% trong tháng 10 và 6,8% trong tháng 11 so với 12 tháng trước đó và là mức cao nhất kể từ năm 1982. Giá cả cơ bản (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm) đã tăng 4,6% trong năm qua. Giá xăng tăng 50% tính từ đầu năm đến tháng 10 năm nay, giá thịt tăng 14,5% và chi phí thuê nhà cũng tăng 3,5%...
Lạm phát tăng đang trở thành nỗi lo của gần nửa dân số Mỹ vì giá nhu yếu phẩm và xăng tiếp tục tăng, dựa theo kết quả nghiên cứu thị trường của Gallup.
Lạm phát bắt đầu vượt quá khoảng chấp nhận của Ngân hàng Trung ương Mỹ, dấy lên nhiều suy đoán về việc cơ quan này có thể bị rơi vào thế phải siết chặt chính sách tiền tệ. Tuy vậy, JPMorgan cho rằng tỉ lệ lạm phát cao trong vòng vài thập kỷ qua xuất hiện ở những nền kinh tế lớn. Lạm phát sẽ đạt đỉnh và dần đi xuống vào 6 tháng cuối năm 2022.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định gói kích cầu 1.900 tỉ USD của Tổng thống Joe Biden có thể đã phần nào tạo nên tình trạng lạm phát. Song, tình hình lạm phát hiện nay chủ yếu là do đại dịch và nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao ở nhiều ngành hàng.
Bà Janet Yellen cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cần phải kiểm soát chặt chẽ việc tăng lương để tránh rơi vào "vòng xoáy tiền lương - giá cả" khá nghiêm trọng và dai dẳng từng xảy ra vào những năm 1970. Tuy vậy, giá dầu tiếp tục giảm mạnh từ thời điểm CDC (Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ) xác nhận xuất hiện ca nhiễm Omicron tại nước này.
Hơn 20 bang nước Mỹ đã ghi nhận các ca mắc biến thể Omicron cho đến nay. Nhiều chuyên gia nhận định mùa đông có thể là giai đoạn SARS-CoV-2 hoặc các virus cúm hoạt động mạnh trở lại bất kể có sự xuất hiện của biến thể Omicron hay không.
Một số chuyên gia cũng cảnh báo những hạn chế về việc di chuyển mà Mỹ và các quốc gia châu Âu đang áp dụng có thể đẩy người dân vào hoàn cảnh tiêu thụ hàng hóa nội địa nhiều hơn, thay vì du lịch hay ăn ở ngoài. Điều này tạo nên áp lực cho chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá nội thất và thiết bị điện tử lên cao. Hơn nữa, tình trạng này còn có thể làm cho người dân không hào hứng với việc trở lại văn phòng làm việc vào tháng 1 năm sau.
Những nhà phân tích chính sách kinh tế của Nhà Trắng đang nghiên cứu về các khả năng hạn chế tác động của biến thể Omicron đến thị trường và xã hội; giảm tình trạng lạm phát bằng cách điều hòa nhu cầu tiêu thụ của người dân vào xăng dầu và những mặt hàng khác.