Vừa chủ động sản xuất, vừa phòng, chống dịch Covid-19

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa có chỉ đạo về xây dựng phương án phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 trên địa bàn thành phố. Theo đó, Bí thư cấp ủy và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt từng phương án tổ chức sản xuất kinh doanh, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, đáp ứng mục tiêu: Vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa thiết yếu, vừa bảo đảm phòng, chống dịch.

Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phúc Thọ lập chốt kiểm soát người ra, vào địa bàn, người đi sản xuất nông nghiệp.

Tạo sự chủ động cho các địa phương

Không để "đứt gãy" sản xuất nông nghiệp trong thời gian giãn cách xã hội, đặc biệt trong thời điểm hiện tại khi nhiều loại nông sản đang vào vụ thu hoạch là hết sức cần thiết. Điều này không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô, đặc biệt là người dân ở các khu vực "vùng đỏ", "vùng da cam", mà còn bảo đảm khả năng phục hồi, phát triển sản xuất, duy trì tăng trưởng.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương cho biết, ngay trong giãn cách, các hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn cần được duy trì để mùa màng đạt năng suất, chất lượng cao nhất. Hiện 2.600ha lúa mùa của huyện đang trong giai đoạn "chắc hạt", nông dân phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phòng trừ sâu hại và chuột phá.

Tương tự, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Nguyễn Huy Hoàng, toàn huyện hiện có hơn 1.100ha gieo trồng vụ hè thu với 638ha rau, quả các loại như đậu đũa, mướp ngọt, mướp đắng, ngô, cà tím, cà xanh...; 145ha cây nhãn; 334ha cây ổi, tổng sản lượng đạt khoảng 50 tấn/ngày. Việc ổn định sản xuất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Các cơ sở sản xuất bún, miến, phở khô trên địa bàn xã Minh Khai (huyện Hoài Đức) tuân thủ nghiêm phương án sản xuất an toàn.

Mặt khác, trên địa bàn huyện Hoài Đức, tại 102 "vùng xanh" ở các xã, thị trấn, người dân duy trì hoạt động chế biến nông sản, thực phẩm bún, miến, phở khô, bánh kẹo... dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền địa phương. UBND huyện Hoài Đức và các xã, thị trấn đã chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh xây dựng phương án sản xuất an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, Hoài Đức có 825 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã được phê duyệt phương án, đang hoạt động ổn định.

Từ nhu cầu duy trì hoạt động sản xuất cũng như thực tế hoạt động phòng, chống dịch của các địa phương, có thể thấy, mỗi địa phương có một đặc thù nên việc chủ động, linh hoạt các giải pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Nông dân xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) chăm sóc hoa màu.

Vừa sản xuất, vừa phòng, chống dịch

Thực tế, nhiều địa phương đã có những cách làm mang lại hiệu quả đáng ghi nhận, xã Minh Khai của huyện Hoài Đức là một ví dụ.

Chủ tịch UBND xã, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 xã Minh Khai Đỗ Xuân Đáng cho biết, xã có gần 200 hộ sản xuất bún, miến, phở khô, mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 150 tấn sản phẩm. Để bảo đảm lưu thông hàng hóa nhưng vẫn an toàn phòng dịch, xã đã thành lập 2 điểm trung chuyển hàng hóa đi - đến và tổ điều hành bốc xếp hàng hóa, nhằm hạn chế người dân trong xã đi ra khỏi địa phương, hạn chế tiếp xúc với người ngoài xã… Hay như các xã, thị trấn Trạm Trôi, La Phù, Đức Giang... hằng ngày có lượng hàng hóa lưu thông lớn, xe ra - vào nhập, xuất hàng nhiều, nhưng đều được lực lượng chức năng địa phương kiểm soát chặt chẽ.

Còn tại địa bàn huyện Gia Lâm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng cho biết, đối với những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nằm ngoài cụm công nghiệp, huyện có 1.225/1.436 đơn vị ngừng hoạt động, 211 đơn vị đang hoạt động. Tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện là 7.560 người. Các đơn vị này đều có phương án sản xuất an toàn được UBND cấp huyện, xã, thị trấn chấp thuận. Điển hình như cụm công nghiệp Phú Thị (xã Phú Thị) có 20 đơn vị với tổng số 630 lao động thực hiện phương án "3 tại chỗ" gồm sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ và 1 đơn vị thực hiện phương án "1 cung đường 2 điểm đến". Các doanh nghiệp cũng quán triệt người lao động thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Thời gian tới, để thúc đẩy sản xuất, cùng với việc mở rộng vùng xanh an toàn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ - Lê Thị Kim Phương cho biết, Phúc Thọ sẽ triển khai phương án thu hoạch vụ lúa mùa gắn với bảo đảm phòng, chống dịch (dự kiến từ ngày 5-9 đến 10-10). Huyện sẽ điều tiết các chủ máy gặt theo từng cánh đồng theo thời gian phù hợp. Với các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, thiếu lao động, chính quyền hỗ trợ thuê xe chở thóc về tận nhà, bố trí lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên, phụ nữ giúp dân phơi lúa… Cùng với đó, các địa phương sẽ thành lập những chốt kiểm soát tại vùng sản xuất tập trung, bảo đảm 100% người dân đi làm đồng được kiểm tra y tế và giám sát việc chấp hành quy định về phòng dịch.

Lúa mùa tại xã Xuân Đình (huyện Phúc Thọ) đã "chắc hạt", huyện đang chuẩn bị phương án thu hoạch.

Còn ông Nguyễn Văn Cương, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại nội thất Tre Việt (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai) chuyên sản xuất hàng nội thất bằng tre xuất khẩu cho biết, thời gian vừa qua, dù vẫn duy trì sản xuất và thực hiện “ba tại chỗ” cho công nhân nhưng để bảo đảm giãn cách, công ty đã phải cắt giảm số lao động. Hiện nay, xã Dân Hòa chưa có ca mắc Covid-19. Thời gian tới, căn cứ phương án phân vùng phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội thực hiện từ ngày 6-9 đến ngày 21-9 và chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, công ty sẽ có phương án cụ thể. Công ty sẽ bố trí thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồng thời yêu cầu người lao động tiếp tục thực hiện nghiêm quy định để bảo đảm vừa ổn định sản xuất, vừa phòng, chống dịch tốt nhất…

Việc chủ động các giải pháp sản xuất kinh doanh gắn với việc giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương sẽ bảo đảm thực hiện nghiêm phương án đã được phê duyệt ở những "vùng xanh", bảo đảm chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm không bị gián đoạn. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ "kép".

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Dương Mai

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1010885/vua-chu-dong-san-xuat%C2%A0vua-phong-chong-dich-covid-19