Vừa dỗ con ngủ vừa dùng điện thoại, người mẹ gây ra tai nạn phải ân hận cả đời
Có nhiều hậu quả tai hại trong việc cha mẹ sử dụng điện thoại bên cạnh lúc con cái đang ngủ, mọi người cần chú ý.
Đôi mắt sưng đỏ của con cô Hoàng
Trang Sohu đưa tin, cô Hoàng (Trung Quốc) có một em bé 6 tháng tuổi. Đợi bé ngủ say thì cô mới dám cầm điện thoại, không may trong lúc lướt xem tin tức, chiếc điện thoại vô tình tụt khỏi tay, đập vào mặt và mắt của bé. Ngay lập tức, đứa trẻ khóc lớn, đôi mắt sưng lên.
Cô Hoàng vội vã bế con tới bệnh viện cấp cứu trong đêm. Sau khi kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán bé bị tổn thương nhãn cầu nặng, nguy cơ mù lòa cao. Nghe kết quả, cô Hoàng gục xuống đất khóc nức nở. Cô không ngờ một hành động sơ ý của mình lại hại con cả đời.
Trên thực tế, trường hợp như cô Hoàng không phải là hiếm trong các gia đình có trẻ nhỏ hiện nay. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc người lớn sử dụng điện thoại khi đang ngủ với con cái để lại không ít hậu quả vô hình.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ em khi ngủ nếu bị tác động bởi các yếu tố từ bên ngoài, nó ảnh hưởng trực tiếp tới giấc ngủ, khiến não bộ của trẻ luôn ở trong trạng thái hưng phấn, khó đi vào giấc ngủ sâu.
Những ảnh hưởng từ việc người lớn sử dụng điện thoại bên cạnh lúc con cái đang ngủ
- Ảnh hưởng của ánh sáng xanh
Trong môi trường tối, ánh sáng rực rỡ của màn hình điện thoại di động sẽ rất chói mắt, đặc biệt còn tạo ra ánh sáng xanh, đây là mối đe dọa lớn nhất đối với trẻ em.
Ánh sáng xanh có thể ảnh hưởng đến quá trình tiết melatonin trong cơ thể con người. Đồng hồ sinh học, giấc ngủ đều có một hormone tham gia vào quá trình này là melatonin. Khoa học đã chứng minh rằng, ánh sáng xanh có thể ức chế sự tiết melatonin và màn hình của hầu hết các sản phẩm điện tử đều phát ra thứ ánh sáng này.
Khi vuốt điện thoại, màn hình thường xuyên chuyển đổi, độ sáng thay đổi liên tục, cùng với bức xạ ánh sáng xanh, dù trẻ đang ngủ vẫn sẽ cảm nhận được các kích thích của ánh sáng. Điều này có thể ảnh hưởng tới cảm quan của trẻ, không có lợi cho tầm nhìn của trẻ sau này.
Trên thực tế có một số trẻ dù ít dùng điện thoại hay ti vi nhưng khi kiểm tra thị lực lại có vấn đề, đây là hậu quả của việc cha mẹ dùng điện thoại bên cạnh con trong thời gian dài.
- Ảnh hưởng của bức xạ
Không có nhiều dữ liệu cụ thể về mức độ ảnh hưởng của điện thoại tới trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn tin rằng, nếu trẻ tiếp xúc trong ngắn hạn thì không gây hại, nhưng tiếp xúc trong thời gian dài (chẳng hạn như mỗi đêm, liên tục trong vài giờ) thì hậu quả rất khôn lường.
Khi điện thoại có kết nối mạng, mức độ bức xạ lúc này rất mạnh. Ảnh hưởng của bức xạ có thể nghiêm trọng hơn nếu khoảng cách càng gần đầu của em bé.
Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi, các cơ quan trong cơ thể chưa hoàn thiện, việc tiếp xúc lâu dài với bức xạ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu em bé tiếp xúc với bức xạ cao trong thời gian dài sẽ làm thay đổi máu, hạch bạch huyết, đồng thời làm tăng tỷ lệ thiểu năng trí tuệ và bệnh bạch cầu.
Nếu may mắn, khi lướt điện thoại bên cạnh trẻ không xảy ra tai nạn đáng tiếc như trường hợp trên. Tuy nhiên, khi sử dụng điện thoại hầu hết mọi người sẽ giữ nguyên một tư thế khá lâu, thỉnh thoảng sẽ đổi tay, duỗi chân, nghiêng người. Trong trường hợp nằm ngay bên cạnh trẻ, việc cử động quá nhiều sẽ làm trẻ thức giấc, làm ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Ngoài ra, còn vô số những lý do khác có thể khiến trẻ thức giấc như người mẹ bật cười khi xem một điều gì đó thú vị, tai nghe đột ngột hết pin…
- Ảnh hưởng tới cảm xúc, tâm lý
Một số cha mẹ thường phàn nàn con cái mình nghiện điện thoại từ nhỏ, không chịu nghe lời. Trên thực tế, một trong những nguyên nhân đó là do cha mẹ không làm gương cho con.
Bạn hãy thử tưởng tượng, mỗi khi rảnh rỗi mình chỉ nằm dài lướt điện thoại, làm như vậy sao có thể yêu cầu con cái tránh xa điện thoại? Trẻ con rất thích bắt chước hành động của người lớn.
Ngoài ra, nội dung trong các chương trình giải trí trên điện thoại rất hấp dẫn, khiến trẻ cực kỳ thích thú. Vì vậy, khi cuộc sống bên ngoài không có gì thú vị, không có ai chơi cùng, trẻ có xu hướng nghiện điện thoại nhiều hơn.
Tóm lại, việc cha mẹ sử dụng điện thoại bên cạnh con đang ngủ có nhiều tác động xấu tới sự phát triển của trẻ. Nếu trẻ thường xuyên ngủ không ngon giấc, nó sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiết hormone tăng trưởng, không có lợi cho sự phát triển chiều cao. Hơn nữa, trẻ có chất lượng giấc ngủ kém sẽ dễ cáu kỉnh, quấy khóc thường xuyên, về lâu dài sẽ hình thành thói quen xấu.