'Vua hàng hiệu' mua 10 máy bay Boeing trị giá 3,5 tỉ USD
Vua hàng hiệu Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), cho biết đã ký hợp đồng mua 10 máy bay Boeing trị giá 3,5 tỉ USD để chuẩn bị cho kế hoạch bay của hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa đầu tiên của Việt Nam
Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) chia sẻ với báo chí thông tin trên bên lề tọa đàm "Tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp" do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 6-4.
Hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho Công ty CP IPP Air Cargo (ông Jonathan Hạnh Nguyễn là cổ đông sáng lập) đã được Bộ Giao thông Vận tải thẩm định đủ điều kiện (về vốn, phương án bảo đảm có tàu bay và tổ chức bộ máy bảo đảm khai thác tàu bay theo quy định).
Hồ sơ đã được Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng vào 29-3 vừa qua.
"Vua hàng hiệu" thông tin vừa nhận được giấy phép kinh doanh Công ty CP Bellazio Logistics có vốn điều lệ 100 tỉ đồng với sự tham gia của nhiều "ông lớn" gồm: IPPG, Sasco, Viettel Post, Vietnam Post, IPP Air Cargo,… nhằm chuẩn bị hạ tầng, giúp hàng hóa đến sân bay có thể rời cảng sau 15 phút và tỏa đến các tỉnh thành nhanh nhất, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không.
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn dẫn số liệu từ Cục Hàng không cho thấy trong thời gian qua, số lượng các chuyến bay vận chuyển hành khách kết hợp hàng hóa giảm mạnh trong khi nhu cầu vận chuyển tăng lên khiến giá cước tăng vọt từ 3-4 lần, thậm chí là gấp 10 lần.
Theo Cục Hàng không, Việt Nam chưa có hãng hàng không vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng. Trong giai đoạn Covid-19, các hãng hàng không Việt Nam đã hoán đổi 9 tàu bay chở khách sang chở hàng theo hình thức tháo ghế hành khách để chở hàng trên khoang nhưng do đặc thù là máy bay chở khách nên chỉ chở được các kiện hàng nhỏ.
Trước tình hình giá xăng dầu tăng, chi phí nhân sự tăng, ông Jonathan Hạnh Nguyễn cho biết chưa thể cam kết về giá cước vận chuyển sẽ giảm bao nhiêu khi IPP Air Cargo đi vào hoạt động nhưng chắc chắn sẽ giảm so với hiện tại bởi quy luật chung khi cung tăng thì giá sẽ giảm.
"Bản thân IPPG là đơn vị nhập khẩu rất nhiều nên cũng bị đội chi phí rất nhiều do cước tăng trong thời gian qua nên rất quyết tâm lập hãng bay chuyên vận chuyển hàng hóa" – ông Jonathan Hạnh Nguyễn nói thêm.
Tại buổi tọa đàm, ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến chi phí xuất nhập khẩu của doanh nghiệp chưa thể kéo giảm. Về khách quan là giá xăng dầu tăng, các tác động của xung đột Nga - Ukraine, chính sách kiểm soát Covid-19 ở một số nước,… Về chủ quan là một số quy định chưa được thực thi thống nhất khiến thời gian thông quan kéo dài. Về phía doanh nghiệp, một số chưa nắm được quy định, trình tự thủ tục cũng gặp vướng mắc.
Cơ quan Hải quan đang nỗ lực giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan bằng các giải pháp cắt gọn thủ tục, ứng dụng công nghệ, số hóa,…