Vừa lộ diện là cổ đông lớn của CTX Holdings, MBV đã tiến hành thoái vốn
Đà tăng mạnh của giá cổ phiếu CTX Holdings thời gian qua tạo thanh khoản thuận lợi để MBV từng bước thoái vốn khỏi doanh nghiệp.
Ngày 21/5 gửi tới CTX Holdings, Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam Hiện đại (MBV), tiền thân là OceanBank, thông báo đã bán ra hơn 151.000 cổ phiếu CTX của CTX Holdings. Sau giao dịch này, MBV vẫn đang nắm giữ gần 4,7 triệu cổ phiếu CTX, tương đương 5,92% vốn điều lệ.
Đây là lần đầu tiên thông tin về việc MBV là cổ đông lớn của CTX Holdings được công bố công khai. Tính theo giá chốt phiên ngày 27/5 là 15.800 đồng mỗi cổ phiếu, giá trị khoản đầu tư MBV đang nắm giữ tại CTX vào khoảng hơn 70 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu CTX từng bị hủy niêm yết khỏi sàn HNX vào cuối tháng 11/2023. Tuy nhiên, mã cổ phiếu này đã chính thức trở lại giao dịch trên sàn UPCoM kể từ ngày 15/4/2025.
Từ thời điểm được giao dịch trở lại đến nay, giá cổ phiếu CTX đã tăng hơn gấp đôi so với vùng giá mở cửa ban đầu. Đà tăng mạnh này không chỉ giúp gia tăng giá trị đầu tư mà còn tạo thanh khoản thuận lợi để MBV từng bước thoái vốn khỏi doanh nghiệp.
Diễn biến tăng giá của cổ phiếu CTX trùng với thời điểm xuất hiện một cổ đông lớn mới là Công ty TNHH Đầu tư AMAI. Doanh nghiệp này được thành lập vào ngày 7/3/2025, chỉ hơn một tháng trước thời điểm trở thành cổ đông lớn tại CTX.
Với vốn điều lệ 81 tỷ đồng, AMAI đặt trụ sở tại tầng 2 tòa nhà HH2, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đây cũng chính là địa chỉ hiện đặt trụ sở của CTX Holdings.
AMAI hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và quyền sử dụng đất. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Phạm Thanh Mai, sinh năm 1988.
Trước đó, danh sách cổ đông lớn trong các thông báo chính thức của công ty chỉ ghi nhận các tổ chức và cá nhân bao gồm: Công ty TNHH Đầu tư AMAI sở hữu 14,95%, bà Nguyễn Thị Kim Xuân nắm 9,52%, bà Chu Thị Hồng Hạnh sở hữu 6,42%, Công ty Đầu tư Hòa Bình Fundings nắm giữ 15% và Công ty Thăng Long Fundings nắm giữ 19,16%.
Trong nhóm cổ đông tổ chức, Hòa Bình Fundings và Thăng Long Fundings được cho là có liên quan đến ông Phan Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc CTX Holdings. Hiện ông Tuấn đang trực tiếp sở hữu 1,49% vốn tại công ty.
Trong một diễn biến khác, CTX Holdings vừa thông qua nghị quyết về việc chuyển nhượng toàn bộ dự án Constrexim Complex – một trong những quỹ đất vàng hiếm hoi còn sót lại tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Cụ thể, công ty đã phê duyệt nội dung dự thảo thỏa thuận đặt cọc và phương án chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại, căn hộ và văn phòng tại lô đất A1-2, khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.
Thông tin này khiến giới đầu tư không khỏi bất ngờ, bởi chỉ mới đầu tháng 3, dự án Constrexim Complex do CTX Holdings làm chủ đầu tư vẫn đang tiến hành khoan nhồi thử tải, đánh dấu giai đoạn tái khởi động sau thời gian dài gần như “án binh bất động”.
Dự án Constrexim Complex có quy mô 2,5ha, tọa lạc trên lô đất A1-2 thuộc khu đô thị mới Cầu Giấy. Khu đất sở hữu vị trí đắc địa với ba mặt tiền tiếp giáp các trục đường lớn là vành đai 3 (Phạm Hùng), Xuân Thủy và Trần Quốc Vượng, nằm ngay nút giao cầu vượt Mai Dịch – một trong những điểm kết nối giao thông trọng yếu của thủ đô Hà Nội.
Kinh doanh đình trệ
CTX Holdings là nhà xây dựng và phát triển bất động sản có nguồn gốc từ công ty nhà nước. Sở hữu nhiều lô đất có vị trí đẹp, CTX Holdings đã phát triển mô hình turnkey, bao gồm cả quyền sử dụng đất và công trình như tòa nhà Mobifone, PVI, FPT và tòa nhà Hòa Phát tại Hà Nội.
CTX Holdings vốn là doanh nghiệp nhà nước, được cổ phần hóa vào năm 2006 và chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn từ năm 2012.
Nhờ lợi thế sở hữu quỹ đất lớn sau cổ phần hóa, công ty từng triển khai hàng loạt dự án bất động sản quy mô lớn ở các vị trí đắc địa trải dài từ Bắc đến Nam.
Có thể kể đến như dự án Bản Mòng Resort tại Sa Pa (Lào Cai), khu nghỉ dưỡng Champa Legend Resort & Spa tại Nha Trang, CTX Complex A1 tại Cầu Giấy (Hà Nội), khu sinh thái biển Quảng Nam và dự án căn hộ dịch vụ PentStudio tại Tây Hồ (Hà Nội).
Tuy nhiên, phần lớn các dự án nói trên đều bị đình trệ, không thể triển khai đúng tiến độ do vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Các kế hoạch tăng vốn cũng bị tạm dừng, khiến vốn điều lệ của công ty duy trì ở mức gần 800 tỷ đồng suốt nhiều năm qua.
Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của CTX Holdings chỉ ở mức dưới 2.000 tỷ đồng, trong đó riêng các dự án xây dựng dở dang chiếm khoảng 1.000 tỷ đồng, tương đương một nửa quy mô tài sản.
Đáng chú ý, phần lớn các dự án này không được rót vốn bổ sung, phản ánh rõ tình trạng đình trệ kéo dài trong hoạt động đầu tư của công ty.
Tình hình kinh doanh của CTX Holdings cũng không mấy khả quan. Trong quý I/2025, công ty ghi nhận doanh thu đạt gần 41,5 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng gần gấp rưỡi, khiến biên lợi nhuận bị bào mòn.
Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế còn lại chỉ đạt 1,83 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2024.
Cả năm 2024, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của CTX Holdings chỉ đạt 160 tỷ đồng – giảm một nửa so với năm 2023.