Vừa mưa to sầm sập, miền Bắc đón không khí lạnh 'lạ thường' có nơi dưới 19 độ C
Sau những ngày oi nóng, 2 hôm nay thời tiết miền Bắc mát mẻ với nền nhiệt thấp nhất xuống ngưỡng 20-23 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 19 độ C.
Đợt không khí lạnh này tràn về miền Bắc từ sáng hôm qua (24/5) gây mưa lớn diện rộng. Nhiều nơi lượng mưa quan trắc được vượt ngưỡng 100mm. Sang đến ngày hôm nay 25/5, không khí lạnh được tăng cường, ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Tây Bắc Bộ.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo đêm 25/5 không khí lạnh tiếp tục tăng cường.
Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời mát, vùng núi phía Bắc đêm và sáng sớm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến 19–22 độ C, vùng núi có nơi <19 độ C.
Hà Nội: trời mát, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 19–21 độ C.
Trên biển: Vịnh Bắc Bộ và phía Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh có lúc cấp 6, giật cấp 7–8. Biển động, sóng cao 1.0–3.0m. Gió giảm dần từ ngày mai (26/5)
Thiên tai kèm theo: Khu vực từ Nam Nghệ An đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.

Không khí lạnh tiếp tục tăng cường, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời mát, vùng núi phía Bắc đêm và sáng sớm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở vùng núi Bắc Bộ có nơi dưới 19 độ C. Ảnh minh họa.
Lý giải về đợt không khí lạnh tác động tới miền Bắc những ngày cuối tháng 5, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia chia sẻ với báo Dân Việt, tháng 5 vẫn là thời điểm có không khí lạnh nên không khí lạnh xuất hiện thời điểm này không bất thường.
Đây là đợt không khí lạnh có cường độ yếu, dự báo sẽ ảnh hưởng tới miền Bắc đến ngày 30/5.
Theo dự báo thời tiết đợt không khí lạnh tràn về, cảnh báo mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.
Theo các chuyên gia khí tượng, trong đợt mưa này, ngoài hiện tượng nén rãnh áp thấp còn có tác động của khối không khí lạnh.
Sự tương tác phức hợp giữa khối không khí lạnh ở phía Bắc và khối không khí nóng ẩm ở phía Nam dẫn đến sự xung đột bất ổn định, mạnh hơn có thể gây ra hiện tượng dông, lốc, sét.
Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc; mưa với cường suất lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị, khu công nghiệp.
Gió mạnh và gió giật, sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.
Đặc biệt theo các chuyên gia thời tiết, khi nhắc đến không khí lạnh, nhiều người thường nghĩ ngay đến rét, cho rằng cứ có không khí lạnh là trời sẽ lạnh, nhưng thực tế không phải vậy. Không khí lạnh vẫn tồn tại quanh năm, tuy nhiên không phải lúc nào cũng đủ mạnh để ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Trúc Chi (t/h)