Vừa rút khỏi Afghanistan, Mỹ lại có nguy cơ sa vào cuộc chiến ở một nước khác
Mặc dù cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Mỹ cuối cùng đã kết thúc nhưng Mỹ vẫn có việc phải can dự ở Afghanistan và việc này khiến Mỹ có thể lại rơi vào một cuộc chiến khác ở một nước khác.
Theo Business Insider, binh sĩ Mỹ có thể không còn đồn trú trong các căn cứ lớn ở ngoại ô Kabul hay tham gia vào các chiến dịch chống nổi dậy ở Afghanistan, nhưng chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã nói rõ rằng Mỹ sẽ thực hiện các cuộc không kích chống khủng bố nếu cần thiết.
Các quan chức Mỹ đang tìm cách sắp xếp với các láng giềng của Afghanistan để tạo điều kiện cho các cuộc không kích này diễn ra dễ dàng hơn. Mỹ đang đàm phán với Pakistan về việc sử dụng lâu dài không phận của nước này và đổi lại, sẽ hỗ trợ Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố.
Thỏa thuận như trên dường như là một biện pháp hợp lý, đảm bảo quân đội Mỹ có thể linh hoạt hoạt động nhằm giữ an toàn cho nước Mỹ. Tuy nhiên, nếu giới chức Mỹ không thận trọng, dấn sâu hơn vào quan hệ an ninh với Pakistan có thể là bước khởi đầu dẫn tới một cuộc chiến 20 năm nữa.
Mỹ có thể không kích các thành viên tổ chức khủng bố có khả năng và ý đồ tấn công nước Mỹ. Trong thực tế, Cơ quan Tình báo Trung ương và cộng đồng chiến dịch đặc biệt Mỹ đã ngày càng hiệu quả trong tiêu diệt khủng bố. Nhiều thủ lĩnh khủng bố đã bị tiêu diệt trong 20 năm qua như Osama bin Laden của al-Qaeda hay Abu Bakr al-Baghdadi của IS.
Tận dụng nguồn lực con người trên mặt đất, công nghệ giám sát tinh vi và thông tin tình báo giá trị từ đồng minh, đối tác, Mỹ đã khiến các nhóm khủng bố khó mà hoạt động dễ dàng.
Mỹ có một loạt vũ khí đủ loại để sử dụng và các tổ chức khủng bố như al-Qaeda hay IS không thể thiết lập nơi trú ẩn an toàn. Chỉ mới tháng trước, Mỹ đã phóng tên lửa bằng máy bay không người lái, giết chết thủ lĩnh cấp cao của al-Qaeda ở tây bắc Syria, cách vị trí của binh sĩ Mỹ hàng trăm km.
Bất chấp một số thành công trong chống khủng bố, Mỹ vẫn thiếu chiến lược chống khủng bố diện rộng. Trong cuộc chiến chống khủng bố bất tận từ trước tới nay, Mỹ chủ yếu chỉ nhằm vào các tên khủng bố quan trọng đang lên kế hoạch tấn công Mỹ.
Mặc dù Tổng thống Biden đã giảm đáng kể số cuộc không kích bằng máy bay không người lái nhưng Mỹ đã mở rộng phạm vi mục tiêu khủng bố. Ngày nay, mục tiêu chủ yếu không chỉ là thủ lĩnh khủng bố và các nhân vật chủ chốt mà cả những tay súng cấp thấp có thể gia nhập khủng bố vì lý do tiền bạc hay tư tưởng.
Ví dụ như ở Somalia, nơi Mỹ không chống tổ chức khủng bố xuyên quốc gia mà chỉ chống nhóm Al Shabaab, một nhóm nổi dậy trong nước có mục tiêu lật đổ chính phủ Somalia.
Nếu Mỹ không thận trọng, nước này có thể đi trên con đường tương tự ở Pakistan. Mặc dù quốc gia Nam Á này không còn nằm trong danh sách 10 quốc gia có bạo lực khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhưng Pakistan vẫn là nạn nhân của nhiều tổ chức phiến quân. Thương vong trong quân đội Pakistan gần như xảy ra hàng tuần.
Ngoại trừ các nhóm thuộc al-Qaeda tại các khu vực bộ tộc Pakistan, phần lớn nhóm phiến quân khác quan tâm tới thay thế Chính phủ Pakistan nhiều hơn là tấn công trực tiếp Mỹ. Các quan chức an ninh Mỹ hiểu rõ tình hình ở khu vực bộ tộc Pakistan. Thời chính quyền của ông Barack Obama và Donald Trump, Mỹ đã không kích các phần tử khủng bố chống Paksitan nhiều lần. Các cuộc không kích bằng tên lửa của Mỹ đã nhằm vào ban lãnh đạo của Taliban ở Pakistan, giết chết thủ lĩnh nhóm này năm 2009, 2013 và 2018.
Khi đó, Mỹ gây áp lực quân sự với nhóm này có lý do là hàng nghìn binh sĩ Mỹ đang đồn trú ở Afghanistan sát vách và một số khu vực này là nơi tuyển mộ và hậu cần quan trọng của Taliban ở Afghanistan. Nhưng tình hình đã thay đổi khi các lực lượng Mỹ không còn ở Afghanistan, rút khỏi đất nước này sau 20 năm.
Tầm quan trọng của Pakistan là trung tâm gia thông và hậu cần tiếp tế vào Afghanistan đã không còn từ khi Mỹ rút khỏi Afghanistan. Pakistan có thể vẫn là đối tác chống khủng bố có giá trị nhưng do Mỹ đã rút khỏi Afghanistan nên đòn bẩy của Pakistan với Mỹ đã giảm.
Tiếp cận không phận Pakistan chắc chắn sẽ có lợi cho Mỹ xét từ góc độ hoạt động, nhưng giới chức Mỹ cần thận trọng với những nhượng bộ mà họ sẵn sàng trao đổi với Pakistan. Pakistan có thể sẽ đề nghị Mỹ hỗ trợ thông tin tình báo và có thể là hoạt động ngầm chống các nhóm vũ trang phản đối Chính phủ Pakistan.
Tuy nhiên, chấp nhận đề nghị của Pakistan sẽ kéo Mỹ vào xung đột nội bộ tại nước này vào thời điểm mà chính quyền Mỹ cần phân biệt ngày càng rõ hơn khi nào, ở đâu và chống lại ai. Khi vướng vào các xung đột kéo dài ở Pakistan, Mỹ có thể biến kẻ thù của Pakistan thành kẻ thù của mình.
Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt kỷ nguyên chiến tranh bất tận. Nếu ông Biden định giữ lời hứa này, ông cần đảm bảo quan hệ đối tác tình báo, an ninh với Pakistan có giới hạn về mặt quy mô và không để quân đội Mỹ trở thành bên tham chiến chủ động trong xung đột nội bộ ở Pakistan.