"Vua tăng" Merkava IV Israel tiếp tục có màn thị uy sức mạnh khi liên tiếp khai hỏa phá hủy một số mục tiêu trên đất Syria.
"Binh sĩ phát hiện các nghi phạm ở cao nguyên Golan, xe tăng đã nã đạn vào vị trí bọn họ. Nhóm nghi phạm sau đó di chuyển về phía lãnh thổ Syria", quân đội Israel cho biết.
Hãng thông tấn nhà nước Syria SANA cho biết, nhiều tiếng nổ được nghe thấy ở vùng Quneitra vào tối 5/1, sau khi các quả đạn pháo rơi xuống một ngôi làng trên đất Syria. Không có thông tin về thương vong hay thiệt hại cơ sở hạ tầng.
Cao nguyên Golan rộng khoảng 1.800 km2, giáp với Syria, Israel, Jordan và Lebanon, là khu vực có vị trí chiến lược, cao gần 3.000m so với mực nước biển.
Lực lượng đóng ở đây có tầm quan sát tốt với miền nam Syria, miền bắc Israel và miền nam Lebanon.
Golan từng là một phần của Syria kể từ năm 1944 sau khi họ được công nhận là nước cộng hòa độc lập. Syria sử dụng Cao nguyên Golan để nã pháo vào Israel trong Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, khiến quân đội Israel phản đòn bằng cách tiến quân và chiếm luôn Golan.
Syria cố gắng giành lại vùng đất này bằng cuộc tấn công bất ngờ trong Chiến tranh Arab - Israel năm 1973 nhưng không thành công.
Israel chiếm thêm 510 km2, nhưng một năm sau trả lại khi hai bên thống nhất thỏa thuận vạch ra đường ngừng bắn và vùng đệm phi quân sự, được giám sát bởi lực lượng quan sát viên Liên Hợp Quốc.
Israel thông qua luật sáp nhập khu vực chiếm đóng này vào lãnh thổ của mình vào năm 1981.
Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc coi Cao nguyên Golan là một phần của Syria và đã thông qua Nghị quyết 242, kêu gọi Israel rút khỏi tất cả lãnh thổ chiếm đóng trong cuộc chiến năm 1967, bao gồm cao nguyên Golan, Gaza và Bờ Tây.
Khi còn kiểm soát cao nguyên Golan, quân đội Syria có thể sử dụng lợi thế địa hình để nã pháo vào các cộng đồng Israel bên dưới.
Sau khi chiếm hữu vùng đất này, quân đội Israel cũng có tầm nhìn thuận lợi với Syria, thủ đô Damascus chỉ cách đó khoảng 60km.
Các tướng cấp cao quân đội Israel tiết lộ các cuộc không kích diễn ra gần như mỗi ngày với hàng ngàn quả bom và tên lửa không đối đất được ném vào các vị trí có lực lượng Iran, hoặc Hezbollah trên lãnh thổ Syria trong những năm gần đây.
Tuy vậy việc Israel cho xe tăng bắn vào Syria là trường hợp khá hiếm, vì có thể sự việc sẽ dẫn đến căng thẳng có thể đối đầu trên bộ.
Trong biên chế Israel đang sử dụng cùng lúc nhiều loại xe tăng, tuy nhiên ở những nơi nóng bỏng như cao nguyên Golan, hoặc những nơi tiếp giáp sát Syria, quân đội Do thái thường triển khai dòng xe tăng mạnh nhất Merkava IV.
Merkava IV hiện được coi là "vua xe tăng" thế giới bởi tính năng chiến đấu vượt trội, đặc biệt là khả năng phòng vệ chủ động khiến chiếc xe tăng này gần như bất khả xâm phạm trên chiến trường.
Trải qua những cuộc xung đột liên miên khiến Israel tích lũy được những kinh nghiệm thực chiến quý báu, trên cơ sở đó họ đã thiết kế và cho ra đời dòng xe tăng huyền thoại này.
Ngoài lớp giáp được chế tạo chắc chắn, động cơ khỏe, hỏa lực mạnh, xe tăng Israel còn nổi bật ở hệ thống phòng vệ chủ động Trophy.
Ở biến thể này thân xe của Merkava IV được chế tạo bằng sợi thủy tinh có khả năng chống chịu đạn xuyên giáp tốt hơn so với thân làm bằng hợp kim thép.
Một điểm đặc biệt khác trên trên biến thể xe tăng Merkava IV là nó được trang bị hệ thống phòng vệ chủ động APS Trophy nâng cấp giúp chống lại các mối đe dọa từ vũ khí chống tăng.
Hệ thống bảo vệ tích cực Trophy Meil Ruach được công ty Israel Rafael phát triển với sự tham gia của công ty IAI Elta.
Cấu trúc thiết kế của hệ thống APS Trophy có radar phát hiện mục tiêu Elta EL/M-2133 cùng bốn anten mảng pha gắn cố định và hai giá phóng đạn, sử dụng hiệu ứng hạt nhân xuyên phá đánh chặn các đầu đạn chống tăng.
Radar có 4 ăng ten được gắn trên xe, cung cấp trường quan sát 360 độ, được hỗ trợ bởi các cảm biến.
Khi một tên lửa chống tăng hay đạn pháo chống tăng được bắn vào xe, máy tính trên xe dựa vào tín hiệu thu được về tên lửa thông qua radar và hệ thống cảm biến, sẽ thiết lập tính toán quỹ đạo bay, góc độ mà tên lửa sẽ tiếp cận xe tăng.
Khi mối đe dọa được xác định, máy tính sẽ tính toán thời gian và kích nổ hệ thống phóng các viên kim loại nhỏ về phía tên lửa chống tăng và vô hiệu hóa nó ở khoảng cách an toàn.
Hệ thống kích nổ bố trí hai bên hông của xe, sử dụng một tay robot nạp tự động đặt bên trong xe. Cánh tay được lập trình sẵn để hướng vụ nổ về phía mục tiêu.
Trong trường hợp tên lửa chống tăng không bị phá hủy hoàn toàn, năng lượng từ vụ nổ cũng làm giảm đáng kể, khiến quả đạn không thể xuyên thủng vỏ giáp.
Hệ thống APS Trophy được thiết kế để chống lại các loại đạn chống tăng RPG và tên lửa chống tăng hiệu ứng nổ lõm tốc độ thấp, không thể đánh chặn được đạn xuyên giáp dưới cỡ sabot và tên lửa chống tăng tốc độ cao.
Về hỏa lực xe tăng được trang bị pháo nòng trơn 120 mm có thể bắn ra những viên đạn với sơ tốc cực cao và đặc biệt là phóng được tên lửa chống tăng qua nòng.
Tốc độ bắn của Merkava IV cũng rất nhanh với kiểu nạp đạn theo băng 10 viên (dạng nạp đạn tự động). Vũ khí hỗ trợ gồm súng máy đồng trục 7,62 mm, súng cối 60 mm và đại liên 12,7 mm.
Tuy có trọng lượng rất lớn nhưng xe tăng Merkava IV không vì thế mà kém cơ động, nó được trang bị động cơ diesel công suất 1.500 mã lực cùng hộp số tự động 5 cấp cho tốc độ tối đa đến 64 km/h. Tầm hoạt động của xe lên tới 500km.
Với những thông số đỉnh cao như vậy, siêu tăng Merkava IV của Israel vượt qua xe tăng M1 Abrams Mỹ, T-90 Nga và cả Leopard 2A7 Đức để trở thành "vua tăng" trong lục quân các nước.
Việt Hùng