Vừa tổn thất vì xung đột, chuỗi cung ứng vũ khí Nga lại 'lao đao' bởi các lệnh trừng phạt?
Trước các lệnh trừng phạt từ phương Tây, chuỗi cung ứng vũ khí của Nga đang đối mặt với những tổn hại nghiêm trọng. Tuy vẫn tồn tại các lỗ hổng của lệnh cấm vận, khả năng tái thiết vũ khí quân sự của Moscow gặp nhiều khó khăn.
Ngày 18/4, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác nhận với tờ The War Zone về việc Nga đang phải chịu những tổn thất to lớn trên chiến trường, trong khi khả năng tiếp tế cho quân đội của nước này cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt do Washington và đồng minh áp đặt.
Đứt gãy chuỗi cung ứng
Theo nhà điều tra độc lập Oryxspioenkop, từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2, Nga đã phải sử dụng hệ thống vũ khí chủ chốt như xe tăng, xe bọc thép, hệ thống phòng không, trực thăng, máy bay cánh cố định, tàu và nhiều loại vũ khí khác.
Quan chức Mỹ lập luận rằng, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng trang bị và tiếp tế của Moscow, đặc biệt là trong lĩnh vực linh kiện của một số hệ thống và một số loại đạn dược có điều khiển chính xác. Theo đó, Nga có thể phải đối mặt với vấn đề bổ sung vào kho dự trữ.
Một ví dụ điển hình là A-100 Premier, máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không (AEW&C) thế hệ tiếp theo. Tiến độ sản xuất A-100 Premier bị đình trệ do sự chậm trễ trong việc cung cấp các linh kiện điện tử như vi mạch do các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Quan chức quốc phòng Mỹ dù không đề cập sâu hệ thống nào bị ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng từ các lệnh trừng phạt, nhưng vị này khẳng định, các biện pháp trừng phạt rõ ràng đang làm trầm trọng thêm các vấn đề về chuỗi cung ứng của Nga.
Chuẩn tướng Ukraine Kyrylo Budanov, Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo quân đội Ukraine (GUR), khẳng định trên kênh Telegram của cơ quan gần đây rằng: “Nga đang gặp những vấn đề lớn với cơ sở hạ tầng quân sự, dẫn đến sự đóng băng của hệ thống sản xuất phòng không”.
Theo thông tin do Đại sứ quán Ukraine tại Washington D.C chia sẻ với tờ The War Zone ngày 16/4, Nga đang cạn kiệt nguồn dự trữ tên lửa.
Cơ quan trên khẳng định: “Tổ hợp công nghiệp-quân sự của họ phải làm việc 24/7 để bổ sung vào đó”,
Phía Ukraine dẫn chứng rằng “hơn 20 doanh nghiệp quân sự của Nga đã buộc phải đình chỉ toàn bộ hoặc một phần hoạt động do thiếu các bộ phận và linh kiện, cũng như giá cả tăng do các lệnh trừng phạt”.
Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW)* dẫn nguồn tin từ Tổng cục tình báo quân đội Ukraine cho biết, Uralvagonzavod, hãng sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 của Nga, “đang phải đối mặt với sự gia tăng lãi suất từ các khoản vay, cùng với sự tăng giá vật liệu và linh kiện”.
Lỗ hổng của lệnh cấm vận
Những nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các biện pháp trừng phạt áp dụng với Nga sau sự kiện nước này sáp nhập Crimea năm 2014 vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
Ví dụ, theo tờ Disclose, từ năm 2015-2020, Pháp đã cấp 76 giấy phép xuất khẩu cho Nga đối với các trang thiết bị quân sự với tổng trị giá 152 triệu Euro. Giao dịch này chủ yếu bao gồm camera cảm nhiệt cho xe tăng, hệ thống định vị, máy dò hồng ngoại cho máy bay tiêm kích và trực thăng chiến đấu của Nga.
Tờ báo trên thông tin rằng, trong khi Mỹ và các đồng minh gây sức ép buộc Tổng thống Pháp François Hollande hủy bỏ kế hoạch bán hai tàu đổ bộ lớp Mistral cho Nga vào năm 2015, thì các chính phủ Pháp kế nhiệm đã tận dụng một sơ hở trong lệnh cấm vận của châu Âu là không có giá trị hồi tố. Do đó, bất cứ hợp đồng nào được ký kết trước khi quyết định áp đặt lệnh cấm vận đều có thể tiếp tục.
Tuy nhiên, mới đây, quân đội Pháp đã bác bỏ quan điểm này do nó vi phạm lệnh trừng phạt Nga năm 2014 của Liên minh châu Âu (EU).
Trên Twitter ngày 14/3, người phát ngôn quân đội Pháp Hervé Grandjean khẳng định: “Về việc xuất khẩu các thiết bị quân sự, Pháp sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết quốc tế, bao gồm Hiệp ước mua bán vũ khí và vị thế chung EU. Việc thực hiện một số hợp đồng đã ký trước năm 2014 được cho phép coi là 'điều khoản chuyển tiếp' (quy định hồi tố).
Những thỏa thuận đã được ký kết trước sự kiện sáp nhập Crimea được phép hoàn thành và việc chuyển phát các trang thiết bị vũ khí vẫn có thể được tiếp tục. Việc chấm dứt các “thỏa thuận chuyển tiếp” này theo lệnh trừng phạt mới năm nay cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng sản xuất vũ khí của Nga".
Theo ông Grandjean, Paris không có hợp đồng mới nào với Moscow kể từ năm 2014. Tuy nhiên, một số linh kiện có xuất xứ từ Pháp vẫn được phát hiện trên vũ khí Nga tại Ukraine.
Đáng lưu ý, Pháp không phải quốc gia duy nhất rơi vào tình huống này. Theo tờ Washington Post, một máy bay không người lái (UAV) của Nga bị bắn rơi vào năm 2017 cũng được phát hiện có chứa các bộ phận của nhiều công ty phương Tây.
Cụ thể, động cơ của chiếc UAV này đến từ một công ty Đức, chíp định vị máy tính và kết nối không dây từ các nhà cung cấp Mỹ, chíp cảm biến chuyển động của một công ty Anh, một số bộ phận khác đến từ Thụy Sỹ và Hàn Quốc.
Triển vọng của chuỗi cung ứng
ISW cho biết, quốc phòng không phải là lĩnh vực duy nhất đang bị ảnh hưởng mà cả nền kinh tế Nga cũng đang phải chịu tác động tiêu cực bởi các lệnh trừng phạt. Viện này lưu ý trong một báo cáo gần đây rằng, các lệnh trừng phạt đang tiếp tục gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga.
Trong khi đó, Trung tâm kinh tế và nghiên cứu kinh doanh của Anh ước tính, Nga sẽ mất 14% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khoảng thời gian hai năm so với kịch bản không xảy ra xung đột với Ukraine.
Mặc dù Mỹ và Ukraine tin rằng, các lệnh trừng phạt gần đây đang ảnh hưởng đến khả năng tái trang bị vũ khí, quân đội Nga vẫn tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt. Ngay cả Kiev cũng thừa nhận, các lệnh trừng phạt sẽ không có tác dụng tức thì với cuộc xung đột.
Một chuyên gia quốc phòng Ukraine đánh giá: "Chúng tôi không thể mong đợi những tác động của lệnh trừng phạt đối với cuộc xung đột trong ngắn hạn, mà chỉ có thể hiệu quả ở tầm trung và dài hạn”.
Việc đặt Điện Kremlin dưới áp lực tài chính cũng sẽ khiến việc tái cấp vốn cho quân đội Nga trở nên khó khả thi hơn ngay cả sau khi cuộc xung đột với Ukraine kết thúc hoặc giảm leo thang.
Với những lệnh trừng phạt mới ngày càng nghiêm ngặt hơn, khả năng trong tương lai, vũ khí Nga sẽ phải dựa vào năng lực sản xuất nội địa.
* Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) là một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ được thành lập vào năm 2007, cung cấp các nghiên cứu và phân tích liên quan đến các vấn đề quốc phòng và đối ngoại.
(theo The Drive)