Vừa về ra mắt, mẹ bạn trai đã hỏi cưới sẽ có bao nhiêu của hồi môn, nhưng nhận được câu trả lời từ cô, bà liền 'đứng hình' tại chỗ
'Bà băn khoăn rằng, với hoàn cảnh như nhà em thì lúc gả con gái về làm dâu nhà bà, bố mẹ em sẽ cho con được bao nhiêu của hồi môn...', cô gái kể.
Ngày đầu ra mắt nhà chồng tương lai, cô gái nào cũng cảm thấy áp lực và mong muốn có thể "ghi điểm" để sau này về sống chung một nhà, quan hệ giữa đôi bên được vui vẻ, thuận hòa. Tuy nhiên mong mỏi là 1 chuyện còn thực tế trong ngày đầu hai bên gặp mặt lại thường xảy ra rất nhiều tình huống bất ngờ khiến nàng dâu khó xử giống như câu chuyện của cô gái trẻ dưới đây.
Câu chuyện như sau: "Hôm cuối tuần vừa rồi bạn trai mời em về nhà ra mắt bố mẹ để xin cưới. Lần đầu gặp mặt phụ huynh, em khá căng thẳng, anh ấy biết thế luôn miệng động viên rằng bố mẹ anh là người sống tình cảm, dễ gần.
Vậy nhưng tới khi gặp mặt, ngay từ sự tiếp xúc đầu tiên, em đã nhận thấy mẹ anh là người khá xét nét, để ý. Biết rằng, ai chọn vợ cho con, chọn dâu đều phải tìm hiểu kỹ càng nhưng chủ yếu người ta phải quan sát con người, đánh giá về nhân phẩm là chủ yếu, đằng này từ lúc em tới, còn chưa kịp ngồi xuống ghế đã bị bà hỏi như chất vấn toàn về tiền bạc, kinh tế. Bà hết hỏi em làm gì, lương lậu một tháng bao nhiêu rồi quay sang hỏi bố mẹ. Tuy nhiên vừa nghe thấy em giới thiệu bố mẹ chỉ làm ruộng dưới quê, không có lương, bà liền thay đổi luôn thái độ không vồn vã, niềm nở như trước.
Ban đầu thì bà hỏi lòng vòng rằng làm ruộng mà nuôi được con cái học hành bằng cấp như bố mẹ em kể cũng giỏi. Sau bà bảo em sao học xong không về quê mà cố bám trụ lại thành phố làm gì. Đại khái nghe cách bà hỏi chuyện em rất tự ái nhưng vì phép lịch sự vẫn vui vẻ trả lời thẳng thật, nghĩ sao nói vậy, không quá quan tâm tới việc lấy lòng, ghi điểm nữa.
Hỏi hết các vấn đề khúc mắc, mẹ bạn trai bắt đầu đi vào việc chính là chuyện tình cảm của hai đứa. Bà bóng gió bảo ban đầu bà vẫn hi vọng con trai sẽ tìm một cô vợ ngay trong thành phố, bằng cấp gia đình tương xứng với nhà bà chứ không nghĩ anh ấy lại 'lặn lội' tìm cho bà một nàng dâu quê xa lắc như vậy. Tuy nhiên, bà nói sẽ không cấm cản gì tình cảm của tụi em, có điều bà băn khoăn rằng, với hoàn cảnh như nhà em thì lúc gả con gái về làm dâu nhà bà, bố mẹ em sẽ cho con được bao nhiêu của hồi môn?
Bà giải thích rằng mọi thứ phải 'có bột mới gột nên hồ', con trai bà không lấy được vợ giàu có thì ít nhất phải có chút 'nền', không thể cưới vợ tay trắng, sau này anh ấy sẽ nặng gánh.
Nghe mẹ bạn trai nói, em sốc thật sự bởi không thể tưởng tượng nổi bà lại tính toán kinh khủng như vậy. Nghĩ cần phải thẳng thắn nói rõ quan điểm cho đôi bên hiểu nhau nên em đáp lời: 'Bố mẹ sinh thành, nuôi dưỡng, cho cháu ăn học nên người như ngày nay đã phải vất vả, hi sinh rất nhiều rồi. Cháu chính là tài sản lớn nhất của bố mẹ cháu. Gả cháu đi, họ chính là trao đi tài sản lớn nhất cuộc đời họ. Vậy nên khi kết hôn, cháu sẽ không yêu cầu bố mẹ phải cho mình thêm bất cứ của hồi môn nào.
Hơn nữa, cháu tin vào chính bản thân mình có thể tự tạo dựng cuộc sống tốt mà không cần của hồi môn từ bố mẹ. Cháu cũng tin bác mong một nàng dâu đủ bản lĩnh, đủ trưởng thành lo liệu cuộc sống để không làm phiền tới cha mẹ về sau chứ không cần một cô con dâu cậy mang tiền của về nhà chồng nhưng lại không biết lo trọn đạo làm dâu là thế nào'.
Em nghĩ sau quả đáp trả ấy chắc em với bạn trai 'toang luôn', hết đường cưới xin. Vậy mà không ngờ khi em nói xong, nét mặt mẹ anh ấy dãn dần ra, nhẹ nhàng, tươi tắn hẳn. Bà vỗ tay cười: 'Đúng, bác thích một nàng dâu tự lập, rắn giỏi biết lo liệu cuộc sống. Bác chỉ thử lòng cháu một chút, quả thật cháu làm bác vô cùng hài lòng'.
Ngay trong hôm ấy, bà lấy lịch vạn sự ra xem ngày tháng theo tuổi để định thời gian cưới cho tụi em".
Làm dâu luôn phải khéo léo nhưng cũng cần sự thẳng thắn, khẳng khái thể hiện quan điểm của bản thân mình để mẹ chồng có thể hiểu và mở lòng hơn với con dâu. Vậy nên cách ứng xử của cô gái trên đã nhận được sự tán thành ủng hộ của nhiều người. Họ cùng cho rằng ngay từ đầu cứ thẳng thật cho dễ bởi nếu để lấy lòng mẹ chồng tương lai mà phải hành xử sai với suy nghĩ của mình thì sau này về sống chung 1 nhà sẽ vô cùng khó khăn. Ngược lại, ban đầu có thể có bất đồng quan điểm nhưng khi mọi khúc mắc được cởi bỏ, đôi bên hiểu lâp trường, suy nghĩ của nhau thì quan hệ mẹ chồng nàng dâu về sau sẽ thuận hòa, vui vẻ hơn rất nhiều.