Vua Việt xưa thưởng Tết, ăn Tết, chơi Tết ra sao?
Trong cuốn 'Tết chốn vàng son', nhà báo Lê Tiên Long kể những câu chuyện về đón Tết, nghênh xuân ở nơi sang trọng bậc nhất trong thời đại phong kiến là cung đình.
Tết Nguyên đán là ngày lễ quan trọng nhất của các nước Á Đông từ thời xa xưa. Ngày Tết là ngày nghỉ ngơi, mọi nhà, mọi người hướng về gia đình, tổ tiên.
Những nghi lễ quan trọng vua thực hiện trong ngày Tết
Trong cung đình xưa cũng vậy, triều đình Việt Nam thời phong kiến nghỉ Tết từ khá sớm, trở lại làm việc muộn, với rất nhiều nghi lễ phức tạp. Nhờ khoảng nghỉ dài, các quan và người hầu cận vua cũng có thể chăm lo cho cái tết của gia đình.
Vậy vào ngày Tết, vua nước Việt ăn Tết như thế nào? Vua thưởng Tết cho bề tôi ra sao? Triều đình có những nghi lễ gì, tổ chức thế nào? Những chuyện này tuy không có sách sử nào ghi cụ thể, nhưng nằm rải rác trong chính sử và nhiều tư liệu khác.
Để độc giả hôm nay biết được chuyện hôm xưa, chuyện nơi chốn cung đình đã đón xuân ăn Tết như thế nào, nhà báo Lê Tiên Long - tác giả cuốn Vua chúa Việt và những điều chưa biết - đã làm công việc tỉ mẩn là lọc lựa những chuyện có liên quan từ những cuốn sách sử như: Đại Việt sử ký, Đại Nam thực lục, Khâm định Việt sử thông giám cương mục…
Từ đó, anh biên chép, kết nối các dữ kiện, nhân vật, chuyện kể, để hình thành nên cuốn sách viết về phong vị vàng son một thuở của cha ông ta ngày trước với tên gọi là Tết chốn vàng son. Sách gồm 35 câu chuyện cung đình, được bố cục hai phần: Cung đình chuẩn bị đón tết và Vua quan ăn tết.
Qua những câu chuyện nhỏ như: Phong ấn ăn Tết, Cây nêu trong cung đình ngày Tết, Lệ treo cờ ngày Tết, Vua ban thưởng cho quần thần ăn Tết, Nước thiêng để thờ trong cung đình ngày Tết,Thú chơi trong cung đình ngày Tết, Tiếng nhạc thiều ngày Tết, Lễ chính đán của các vị vua Việt, Đầu xuân tế xuân hưởng, Đầu xuân tập trận, Vua Minh Mạng ăn Tết,… độc giả sẽ hình dung ra cảnh đón xuân, ăn Tết ở nơi sang trọng bậc nhất trong thời đại phong kiến là cung đình.
Theo cuốn sách, vào ngày Tết, vua thực hiện những nghi lễ quan trọng nhất là thờ cúng tổ tiên, đầu xuân thì tế trời (tế giao), tế xã tắc (thần đất và thần nông). Cuối năm thì triều đình làm lễ thượng nêu, ban lịch cho bề tôi, niêm phong cất ấn. Đầu năm thì làm ngược lại làm lễ hạ nêu, khai ấn...
Ngoài ra, vào mùa xuân, các vị quân chủ các nước thuộc nền văn minh nông nghiệp còn thực hiện nghi lễ cày ruộng Tịch điền để khuyến khích nhân dân chăm lo sản xuất. Và để bảo vệ đất nước, các vua Việt cũng thường tổ chức duyệt binh, tập trận... mỗi dịp xuân về.
Vua thưởng Tết, ăn Tết, chơi Tết
Trong cuốn sách, tác giả Lê Tiên Long cũng tiết lộ chuyện vua ban thưởng cho quần thần ăn Tết. Chẳng hạn, thời Lê sơ, khoản tiền các quan được vua ban vào ngày Tết giống khoản tiền mừng tuổi đầu năm chứ không phải khoản thưởng cuối năm. Việc ban thưởng Tết cho quan viên này sang thời Lê Trung Hưng vẫn được duy trì và được đưa vào điển chế, gọi là “tiền thưởng xuân” theo thứ bậc.
Sách Lê triều hội điển cho biết ngày mùng một Tết có lệ vua ban tiền thưởng và tổ chức yến tiệc thiết đãi quần thần. Riêng tiền thưởng xuân ban cho các quan mới là “rủng rỉnh”, vì chúa mới là người quản lý hầu bao của cả nước. Vào ngày Tết, các quan vào chúc thọ vua xong thì sang làm lễ bên phủ chúa, dự yến và ban thưởng. Về việc ban tiền, tùy theo chức trách mà tiền thưởng khác nhau. Ví dụ quan nhất phẩm được 5 quan tiền, nhị phẩm 4 quan tiền, tam phẩm được 3 quan tiền, tứ phẩm được 2 quan tiền.
Còn vào thời Nguyễn có quy định sáng mùng một Tết các quan làm lễ chúc thọ vua ở điện Thái Hòa, nhà vua ban yến và thưởng Tết cho các hoàng thân, quan văn từ ngũ phẩm, võ từ tứ phẩm trở lên.
Còn chuyện ăn Tết của vua chúa xưa, sách cũng hé lộ vị vua nổi tiếng của triều Nguyễn là Minh Mạng ăn tết như thế nào. Vua Minh Mạng lên ngôi vào mùng Một Tết năm Canh Thìn (1820). Ngay sau khi lên ngôi vua đã ban chiếu gồm 16 điều đặc ân như miễn thuế cho nhân dân, ban thưởng cho tôn thất và các quan.
Trong thời gian trị vì, nhiều lần trong chiếu đầu xuân, vua Minh Mạng giảm thuế cho nhân dân, như năm đầu lên ngôi, năm thứ 5, thứ 6, thứ 10… Mức thuế được giảm từ 1 phần 10 đến 4 phần 10, tùy vào tình hình mùa màng của từng địa phương.
Vào ngày mùng một Tết (chính đán), vua thân hành yết Thái Miếu (nơi thờ phụng các vị chúa Nguyễn), sau đó về ngự ở điện Cần Chánh ban yến tiệc cho các quan (có năm ban các quan bạc thay cho việc đãi yến theo các thứ bậc khác nhau).
Ngày mùng hai, vua dâng lễ lớn ở điện Hoàng Nhân nơi thờ vua Gia Long. Đến ngày mùng 7 thì chính thức khai ấn. Vua Minh Mạng cũng thường xuyên làm thơ khai bút dịp đầu xuân. Thông thường vua ngự ở điện Văn Minh, triệu hoàng thân và văn võ đại thần cho ngồi, ban nước chè uống, bình thơ vua làm.
Ngày đầu năm, nhà vua cũng ban thưởng cho những người dân sống thọ, làm lễ tế xuân, nghinh xuân, lễ tế cờ… và xuất hành du xuân ra ngoài thành. Như năm thứ 6, ngự ra Đông Giao, khi đi về lệnh giảm thuế thân 1 phần 10 cho dân các xã đi qua, lại thưởng cho dân xã thêm 500 quan tiền.
Không chỉ kể chuyện các vua chúa Việt ăn Tết, Tết chốn vàng son còn cho biết các thú chơi trong cung đình ngày Tết như diễn tuồng, đốt pháo bông cho dân xem, trò chơi xăm hường - trò chơi dùng xúc sắc 6 mặt với các thẻ điểm; bài vụ - quay con vụ (con cù) hình bát giác dán 8 hình con vật, ai đặt cửa con vật nào mà mặt đó nổi lên sẽ thắng…
Nhận xét về cuốn sách, trong bài viết giới thiệu có tên Vàng son một thuở, nhà văn Yên Ba đã mạnh dạn gọi Tết chốn vàng son là một cuốn sử. Chỉ có điều, theo ông đây không phải một cuốn sử theo nghĩa thông thường, mà mang cái phong vị dân dã, khiêm cung, dẫu viết chủ yếu về những nghi lễ phức tạp ở nơi chốn uy nghiêm, sang trọng bậc nhất trong thời kỳ phong kiến là cung đình.
Tuy nhiên, cũng theo nhà văn Yên Ba “có đôi chút tiếc nuối, giá như tác giả trau chuốt câu chữ hơn chút nữa, lọc lựa kỹ càng hơn chút nữa thì Tết chốn vàng son xứng đáng là một cuốn sách kể sử mà thấm đẫm hơi văn, giúp cho người đọc tận hưởng cái phong vị sang cả của chốn cung đình khi Tết đến xuân về”.
Nguồn Znews: https://znews.vn/vua-viet-xua-thuong-tet-an-tet-choi-tet-ra-sao-post1526098.html