Vực dậy các 'ngân hàng 0 đồng' từ năm 2022
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ hoàn thành đề án trong năm 2022 để vực dậy các ngân hàng yếu kém đã bị mua bắt buộc 0 đồng hồi năm 2015. Trong đó, việc thực hiện sửa đổi Thông tư số 08 về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt cũng là một trong những giải pháp để hoàn thiện hơn cơ sở pháp lý cho việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém này.
Sẽ có đề án riêng trong năm 2022
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2021/TT-NHNN ngày 6/7/2021 quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Các ngân hàng yếu kém bị mua bắt buộc 0 đồng từ giai đoạn 2015 vẫn là mối quan tâm của giới tài chính trong thời gian qua.
Dự thảo thông tư quy định việc cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày Luật số 17/2017/QH14 có hiệu lực theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật số 17/2017/QH14 (Luật số 17/2017/QH14 là văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng).
Theo chia sẻ mới đây của ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chánh thanh tra, Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu từng ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt lập đề án căn cứ trên đề án chung và thực trạng hoạt động của ngân hàng. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có các giải pháp tổng thể, trong đó giải pháp cho vay đặc biệt chỉ là một trong những giải pháp của Ngân hàng Nhà nước đối với những ngân hàng này trong thời gian tới. “Dự kiến ngay trong năm 2022, các ngân hàng mua bắt buộc 0 đồng sẽ sớm đẩy nhanh việc tái cơ cấu” - ông Tuấn Anh tiết lộ thêm.
Các ngân hàng yếu kém bị mua bắt buộc 0 đồng từ giai đoạn 2015 vẫn là mối quan tâm của giới tài chính trong thời gian qua trong hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng này bao gồm Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank).
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có các quyết định bổ sung nội dung hoạt động “ủy thác, nhận ủy thác” cho 2 trong số 3 ngân hàng 0 đồng là GPBank và Ocean Bank. Đây cũng có thể coi là một trong những tia sáng tích cực trong chặng đường vượt dốc của nhóm các ngân hàng đặc biệt này. Theo đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vừa qua, 3 ngân hàng 0 đồng đều đang xây dựng đề án tái cơ cấu với xu hướng tích cực, các ngân hàng đến nay cơ bản vẫn đảm bảo thanh khoản, kiểm soát được các hoạt động chung để đảm bảo an toàn hệ thống.
Giải pháp riêng nằm trong giải pháp chung
Trở lại bức tranh chung về các ngân hàng 0 đồng. Đây đều là các ngân hàng bị mua bắt buộc để tái cơ cấu trong năm 2015.
Trong đó, VNCB là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam bị Ngân hàng Nhà nước thu mua lại bắt buộc toàn bộ số cổ phần với mức giá 0 đồng kể từ ngày tháng 2/2015. VNCB là tiền thân của ngân hàng Đại Tín, vào cuối năm 2012. Ngân hàng này bị liệt kê vào danh sách 9 ngân hàng yếu kém với mức lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng. Đến cuối năm 2013, con số này đã lên đến 11.348 tỷ đồng và tăng đến 27.000 tỷ đồng vào cuối năm 2014. Trước thời điểm bị mua lại, VNCB đã có tổng cộng 551 cổ đồng, trong đó có 6 cổ đông pháp nhân và 545 cổ đông thế nhân.
OceanBank bị mua lại 0 đồng kể từ tháng 4/2015, ngân hàng này tiền thân của Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng. Vào năm 2007, Ocean Bank chuyển sang hình thức ngân hàng thương mại cổ phần đô thị và đến cuối năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện ra rất nhiều sai phạm tại ngân hàng này, bản thân ngân hàng bị âm vốn và không tự bù đắp được số vốn bị thiếu hụt.
Trong khi đó, Ocean Bank bị mua lại 0 đồng 7/2015. Theo các báo cáo tài chính năm 2014, tính đến thời điểm 2/4/2015, tổng số tiền lỗ lũy kế của GPBank đã lên đến 12.280 tỷ đồng.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, ngoài các giải pháp riêng với các ngân hàng 0 đồng, cơ quan quản lý ngành ngân hàng cũng đã đưa và kế hoạch hoạt động năm 2022 là tiếp tục triển khai Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, hoạt động thanh tra giám sát trong năm 2002 sẽ có sự tập trung quan tâm những khu vực có dấu hiệu không an toàn, trên cơ sở đó xây dựng chương trình giám sát cụ thể.
Trong nội dung đánh giá về các giải pháp ổn định hệ thống ngân hàng, TS. Võ Đình Trí thuộc Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong điều kiện bình thường cũng cần xây dựng và tuân thủ các chỉ số cảnh báo sớm, đặc biệt là đối với các ngân hàng nhỏ. Theo ông Trí, ngày nay hệ thống thông tin dữ liệu hầu như có thể cập nhật theo thời gian thực, các loại dữ liệu dù có tần suất khác nhau nhưng những mô hình cảnh báo rủi ro hiện đại đều có thể tích hợp được.
Một số nội dung cơ bản tại dự thảo thông tư thay thế Thông tư 08
về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt
Quy định về điều kiện bảo đảm cho khoản cho vay đặc biệt, lãi suất cho vay đặc biệt, thời hạn cho vay đặc biệt, việc trả nợ cho vay đặc biệt.
Dự thảo thông tư cũng dự kiến thay thế một số cụm từ, thuật ngữ so với văn bản hiện hành để phù hợp với thực tiễn.
Theo dự thảo, một số trường hợp, việc miễn, giảm tiền lãi cho vay đặc biệt, việc xử lý đối với khoản cho vay đặc biệt đã cho vay (bao gồm cả việc gia hạn khoản cho vay đặc biệt, lãi suất đối với nợ gốc cho vay đặc biệt quá hạn) thực hiện theo phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt.