Vực dậy ngành muối: cải thiện cơ sở hạ tầng thôi chưa đủ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có dự án đầu tư hạ tầng phát triển nghề muối ở tỉnh Bạc Liêu – địa phương sản xuất muối trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là điều cần thiết, nhưng để 'vực dậy' được ngành hàng đang ngày càng 'xuống dốc' này, thì hạ tầng không là chưa đủ…
Khi đồng muối nhường chỗ cho ruộng tôm
Trao đổi với KTSG Online, ông Trần Văn Thưa, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Doanh Điền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, một đơn vị sản xuất muối cho biết, bên cạnh phụ thuộc vào thời tiết, việc sản xuất muối của địa phương đang đối mặt với sự bấp bênh về giá cả khi chưa có liên kết đầu ra sản phẩm, tức phụ thuộc hoàn toàn vào lực lượng thương lái địa phương. “Hợp tác xã chưa liên kết được chỗ nào hết, chỉ bán cho thương lái, bà con sản xuất muối của địa phương trong tỉnh đa phần cũng như vậy”, ông nói.
Việc tiêu thụ phụ thuộc vào thương lái, trong khi địa phương chỉ có khoảng 3-4 thương lái thu mua nên sản phẩm rất khó bán được giá tốt.
Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Doanh Điền cũng cho biết, các hộ nông dân làm muối của địa phương không phải gánh chịu cảnh thua lỗ, nhưng lợi nhuận thu được từ hoạt động này không nhiều nếu so sánh với các lĩnh vực sản xuất khác của địa phương như nuôi tôm.
Ông Thưa làm phép tính, cho thấy lợi nhuận từ sản xuất muối truyền thống (muối sản xuất trên ruộng không lót bạt – PV) là khoảng 35 triệu đồng/héc ta/lần thu hoạch (hình thức sản xuất này khoảng 12-15 ngày cho thu hoạch 1 lần – PV). Còn đối với mô hình sản xuất muối trên ruộng lót bạt, thì lợi nhuận cao hơn khoảng 10-15 triệu đồng/héc ta/lần thu hoạch vì năng suất và chất lượng muối cao hơn, tức lợi nhuận đạt 45-55 triệu đồng/héc ta/lần thu hoạch (sản xuất muối trên ruộng lót bạt chỉ mất khoảng 10-11 ngày, thậm chí nếu nắng tốt chỉ mất 8 ngày thu hoạch một lần – PV).
Tuy nhiên, trên thực tế, lợi nhuận của việc nuôi tôm mang lại cho người dân nông khá lớn nên đã có rất nhiều vùng sản xuất muối đã được chuyển sang nuôi tôm. “Con tôm những năm gần đây mang lại lợi nhuận cao lắm”, ông nói và dẫn chứng, bản thân ông có 1,5 héc ta đất chia làm hai ao nuôi tôm, nếu thuận lợi mỗi năm lợi nhuận 1-2 tỉ đồng là bình thường, còn không thuận lợi cũng đạt 500-700 triệu đồng, cao hơn rất nhiều lần so với sản xuất muối.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về dự án phát triển hạ tầng nghề muối của Bạc Liêu mới đây, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, muối không chỉ là ngành nghề lâu đời (từ thời Pháp), mà muối của địa phương cũng có tiếng về chất lượng. “Đặc biệt, gần đây nghề muối Bạc Liêu cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, ông cho biết.
Tuy nhiên, theo thừa nhận của ông Thiều, người nông dân của địa phương không sống được bằng nghề muối, cho nên, diện tích đã bị thu hẹp rất nhiều trong những năm qua. “Đối với con tôm, thì bà con nông dân phát triển được, trồng lúa cũng phát triển được, nhưng ngược lại nghề muối của Bạc Liêu có tiếng như thế, nhưng người dân không sống được từ muối”, ông cho biết và nói thêm rằng, ngoài bán thô, thì muối Bạc Liêu chưa có sản phẩm giá trị gia tăng nào, thậm chí chưa khai thác được du lịch từ đồng muối.
Báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu cho thấy, toàn tỉnh hiện chỉ còn 1.419 héc ta diện tích sản xuất muối, giảm 48,34% (tương đương 1.328 héc ta) so với năm 2012, trong đó, huyện Đông Hải là địa phương sản xuất lớn nhất với diện tích 1.289 héc ta, huyện Hòa Bình khoảng 130 héc ta, trong khi thành phố Bạc Liêu đã chuyển hoàn toàn diện tích muối sang nuôi thủy sản.
Còn xét về sản lượng, giai đoạn từ 1986 đến 2016, bình quân mỗi năm tỉnh Bạc Liêu cung cấp cho thị trường 100.000 tấn muối (năm 2010 đạt cao nhất với 266.000 tấn), nhưng đến giai đoạn sau năm 2016 đến 2020 bình quân chỉ còn 57.600 tấn và từ 2021 đến nay, sản lượng muối bình quân của Bạc Liêu chỉ còn 26.905 tấn mỗi năm.
Cơ sở hạ tầng và hơn thế nữa
Để “vực dậy” ngành muối Bạc Liêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối Đông Hải, huyện Đông Hải- địa phương sản xuất muối lớn nhất của tỉnh Bạc Liêu hiện nay. Đây là dự án thành phần (thành phần số 7) thuộc dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, việc thực hiện dự án ở Bạc Liêu nhằm đảm bảo ổn định cho sản xuất, vận chuyển và lưu thông muối sau khi thu hoạch, gắn với thực hiện đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân làm muối.
Thiết nghĩ, việc đầu tư về mặt hạ tầng của dự án là cần. Thế nhưng, theo những người liên quan, điều này vẫn chưa đủ để “kéo” ngành muối thoát khỏi những khó khăn hiện nay.
Ông Thiều của UBND tỉnh Bạc Liêu thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, từ chính quyền cấp tỉnh đến địa phương chưa quan tâm nhiều đến ngành muối. “Nếu chúng ta quan tâm tới, thì hạ tầng đã xây xong rồi, chúng ta đã có hợp tác xã muối, có đầu ra muối và xây dựng được những sản phẩm, kêu gọi đầu tư và làm dự án rồi”, ông cho biết.
Thậm chí, theo ông Thiều, ngoài sản xuất muối bọt bán cho Công ty cổ phần muối Bạc Liêu, thì hầu như không có một hoạt động nào về quảng bá chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại hay các hoạt động khác để người tiêu dùng quan tâm đến muối Bạc Liêu nhiều hơn.
Ông Nguyễn Tất Đại, Phó vụ trưởng Vụ kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, vấn đề quan trọng là phải liên kết sản xuất. “Huyện Đông Hải có khoảng 1.300 héc ta làm muối, nhưng chỉ 16% có liên kết sản xuất, trong khi 84% còn lại là các hộ dân nhỏ lẻ ở đâu đó, vậy sau này sẽ như thế nào?”, ông đặt câu hỏi và cho rằng, hoặc là có hợp tác xã để liên kết sản xuất hoặc không có gì cả.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản cho rằng, để phát triển bên vững nghề muối Việt Nam nói chung và Bạc Liêu nói riêng, thì cần phải hội đủ ba yếu tố, bao gồm thứ nhất, có giá thành sản xuất thấp; thứ hai, chất lượng sản phẩm cao và thứ ba là xây dựng được thương hiệu sản phẩm.
“Về chất lượng sản phẩm, muối Bạc Liêu tương đối tốt, có chỉ dẫn địa lý, được công nhận di sản phi vật thể, có thể làm thương hiệu được”, ông Tiệp cho biết, nhưng lý giải, do chưa có chiến lược quảng bá nên sản phẩm không bán được.
Trong khi đó, về giá thành sản phẩm, ông Tiệp gợi ý, ngoài phụ thuộc vào hạ tầng, thì cần phải đầu tư về khoa học công nghệ trong sản xuất. “Đặc biệt, phải chế biến sâu thành những sản phẩm đa dạng giá trị cao, thì mới đột phá được”, ông nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu thuộc Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc cho biết, vùng trọng điểm sản xuất muối hiện nay của Bạc Liêu đã được công nhận di sản phi vật thể quốc gia, là điều kiện rất tốt để phát triển du lịch nông nghiệp.
Theo bà Huyền, huyện Hòa Bình gửi cho đơn vị này một ý tưởng để tìm kiếm sự hỗ trợ vào cuối năm ngoái là sản xuất muối trải bạt, tuy nhiên, nếu hỗ trợ thêm vài chục héc ta trải bạt cũng không giai quyết được vấn đề. “Vấn đề chúng tôi muốn là phải có tính mới, người dân tự làm và kết nối với nhau, trong đó, du lịch trên đồng sẽ là một một ý tưởng tôi cho rằng khả thi”, bà nhấn mạnh.
Muốn vậy, rõ ràng Bạc Liêu phải có định hướng, phải hành động để hiện thực hóa mục tiêu “du lịch đồng muối”. Khi đó, cộng hưởng với dự án phát triển hạ tầng nghề muối giúp cải thiện thu nhập và đời sống người dân. “Sau một chuyến khảo sát, tôi nhận thấy chúng ta phải có định hướng mới và đồng muối của Bạc Liêu chắc chắn có thể phát triển được du lịch”, bà Huyền nhấn mạnh.