Vực dậy sau lũ!

Đợt lũ hồi cuối tháng 9/2023 khiến toàn bộ lồng, bè nuôi thả cá đang kỳ thu hoạch của anh Lò Văn Minh, ở bản Piềng Phố, xã Trung Xuân (Quan Sơn) bị cuốn trôi. Trắng tay chỉ sau một đêm mưa lũ, những tưởng anh Minh sẽ bỏ nghề, chuyển nghiệp, nhưng rồi với ý chí không chịu từ bỏ, thành công đã đến với anh khi những lứa cá đang đem lại nguồn thu nhập mới.

Anh Lò Văn Minh, ở bản Piềng Phố, xã Trung Xuân (Quan Sơn) bên mô hình nuôi thả cá lăng.

Anh Minh nhớ lại trận lũ làm gia đình anh lao đao: “Đứng nhìn 6 lồng bè cá đang kỳ thu hoạch, trị giá gần 200 triệu đồng bị cuốn trôi theo “hà bá” mà bất lực. Khi đó vợ tôi đã bàn đến việc chuyển nghề khác, bởi nuôi cá lồng bấp bênh, những tôi vẫn nhất quyết không bỏ cuộc, quyết tâm vực dậy những lồng bè cá. Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy những hạn chế của lồng bè truyền thống, không đảm bảo về kỹ thuật, sự an toàn trước mưa lũ nên tôi đã mạnh dạn vay mượn tiền từ người thân, họ hàng để đầu tư hệ thống lồng bè kiên cố bằng khung thép".

Với hệ thống lồng bè bằng kết cấu khung thép sẽ giúp cho anh Minh cơ động hơn trong việc di chuyển đến các vị trí tránh trú bão. Bên cạnh đó, ngoài việc nuôi các loại cá truyền thống như cá trắm, cá rô, cá diêu hồng, anh Minh đã tìm hiểu, học tập kinh nghiệm đầu tư nuôi giống cá lăng. Đây là loại cá mới, chưa có nhiều hộ nuôi thả. So với những loại cá khác thì cá lăng dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, ít nhiễm dịch bệnh hơn. Sau 5 đến 6 tháng nuôi, cá lăng sẽ cho thu hoạch. Giá bán cá lăng trên thị trường cũng tương đối cao. “Tôi nghĩ sau thành công từ lứa cá đầu tay này, sẽ nhân rộng mô hình và sẵn sàng hướng dẫn lại kỹ thuật cho bà con cùng nuôi thả” - anh Minh cho biết.

Ông Hà Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Trung Xuân, đánh giá, mô hình nuôi thả cá lồng, bè của hộ anh Minh rất hiệu quả. Anh Minh là một trong những người dám nghĩ, dám làm trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nuôi thả theo hướng VietGAP.

Cũng theo ông Nghị, những năm trước đây, cuộc sống của người dân địa phương chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp nhiều khó khăn. Kể từ khi thủy điện tích nước, tận dụng các vị trí có diện tích bề mặt nước rộng, mực nước sâu, sạch, nhiều bà con tham gia nuôi thả cá, có cuộc sống khá giả, thoát khỏi đói nghèo.

Trong quá trình hình thành và phát triển nghề nuôi thả cá lồng, cá bè, phía Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn cũng thường xuyên hỗ trợ bà con về mặt kỹ thuật nuôi thả thông qua các lớp tập huấn; hỗ trợ bà con về cá giống, về thức ăn...

Cũng theo ông Nghị, phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ không chỉ là mô hình sinh kế cho người dân mà còn góp phần phát triển nông nghiệp gắn với du lịch tại địa phương. Để nhân rộng mô hình, thời gian tới, địa phương sẽ chú trọng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Ưu tiên các nguồn hỗ trợ từ những chương trình mục tiêu quốc gia, kinh phí sự nghiệp NTM, để bà con có vốn đầu tư nuôi cá lồng. Bên cạnh đó, cũng đề nghị cấp ngành chức năng có cơ chế hỗ trợ bà con trong nuôi thả cá khi gặp bão lũ, thiên tai. Trong đợt lũ cuối tháng 9/2023, mặc dù chính quyền địa phương đã lập danh sách, thống kê thiệt hại báo cáo, nhưng đến nay bà con vẫn chưa được hỗ trợ, bà con cũng đã ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri...

Bài và ảnh: Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/vuc-day-sau-lu-218086.htm