Vui, buồn công việc Tổng phụ trách Đội

Đóng vai trò quan trọng không kém so với các giáo viên, công việc của một Tổng phụ trách Đội không chỉ đòi hỏi những kỹ năng chuyên môn đặc thù, mà còn cần tình yêu thương, khả năng gần gũi, thấu hiểu tâm lý của học sinh, để dẫn dắt các em bằng những phong trào, hoạt động ý nghĩa.

Nói đến những giáo viên làm Tổng phụ trách Đội, mọi người thường nghĩ ngay đến các cô giáo xinh đẹp, hát hay, múa giỏi, khéo động viên, dỗ dành các em học sinh. Vậy mà với “cái uy” riêng của mình và tâm niệm “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”, thầy Đặng Vũ Hiệp, sinh năm 1984, Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Long Biên, TP Hà Nội) suốt bốn năm qua đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết của các em học sinh nơi đây.

Trước khi gắn bó với Trường tiểu học Lý Thường Kiệt, thầy Hiệp từng làm giảng viên của Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp, cán bộ quận Long Biên. Vì thế, khi mới chuyển sang công tác ở trường tiểu học, lại được giao nhiệm vụ làm Tổng phụ trách Đội, thầy Hiệp rất bỡ ngỡ. Năm 2015, Liên đội Trường tiểu học Lý Thường Kiệt không có nhiều hoạt động nổi bật đáng kể. Các em học sinh thiếu sân chơi, thiếu hoạt động trải nghiệm ngoài giờ học. Đang trong độ tuổi hiếu động, nhiều em hay nô đùa, rượt đuổi nhau, cho nên khó tránh khỏi những va vấp, trầy xước chân tay. Thầy Hiệp đã thành lập đội “Xung kích giờ ra chơi”. Công việc của Đội xung kích là nhắc nhở các bạn không được đùa nghịch, rượt đuổi nhau; bỏ rác đúng nơi quy định; không đùa nghịch làm hỏng tài sản của nhà trường…

Chỉ sau một học kỳ, hiện tượng rượt đuổi nhau dẫn đến tai nạn học đường nghiêm trọng do chạy nhảy, đùa nghịch không còn. Các em trong đội “Xung kích giờ ra chơi” trưởng thành hơn rất nhiều, có kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, tự tin, có trách nhiệm với bản thân và công việc được giao. Thầy Hiệp chia sẻ, Tổng phụ trách Đội vừa là người bạn, là người thầy, cũng vừa là nhà quản lý, vì vậy, đòi hỏi nhiều kỹ năng. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các Tổng phụ trách Đội lại là giáo viên được phân công kiêm nhiệm, không được đào tạo bài bản. Do vậy, phải không ngừng tìm tòi học hỏi. “Mình phải hiểu được học sinh, tâm lý lứa tuổi, những mong muốn, nguyện vọng của các em, từ đó mới có thể tổ chức các hoạt động phù hợp” - thầy Hiệp cho biết.

Với thâm niên gần 20 năm làm Tổng phụ trách Đội, cô Bùi Thị Thu Phương, giáo viên Trường tiểu học Phương Liệt (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) cho rằng, để trở thành một Tổng phụ trách Đội giỏi, bên cạnh sự năng động, sáng tạo, chịu khó học hỏi, thì điều quan trọng nhất là phải yêu nghề, yêu trẻ. Cô Phương luôn đặt tiêu chí công tác Đội phải có tính định hướng giáo dục cho học sinh. Vì thế, cô thường tổ chức các hoạt động giáo dục các em về ý thức trách nhiệm, sự nhiệt huyết và tấm lòng nhân hậu. Tại địa phương, cô tổ chức các chương trình từ thiện, hỗ trợ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam. "Tôi thường dẫn các em đến từng nhà thăm hỏi, động viên. Đó là cách giáo dục nhẹ nhàng, nhưng giúp các em biết san sẻ, yêu thương với những mảnh đời bất hạnh trong xã hội", cô Phương cho biết.

Niềm vui của Tổng phụ trách Đội là thành công của các phong trào, sự hồn nhiên của các học trò lúc nào cũng quấn quýt bên cạnh. Ngoài những điều đó ra thì có những vất vả thì chỉ có người làm “nghề” mới hiểu. Trong những dịp lễ hội, các thầy, cô làm Tổng phụ trách Đội thường mệt nhoài bởi các hoạt động trong và ngoài nhà trường, đôi khi không có cả thời gian cho mình.

Gần 10 năm nay, cô Nguyễn Thị Đương đảm nhận công tác Tổng phụ trách Đội Trường trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy). Xác định Tổng phụ trách phải gương mẫu đi đầu, cô Đương luôn học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, chọn lọc những cách làm hay để áp dụng vào thực tế nhà trường. Với học sinh nhút nhát, thông qua các trò chơi, cô Đương sẽ hướng dẫn sinh hoạt tập thể, giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn. Những em học sinh cá biệt, học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn… luôn được cô đồng hành, động viên trong học tập, rèn luyện. Công việc Tổng phụ trách Đội như “làm dâu trăm họ", cho nên phải thật khéo léo để giáo viên chủ nhiệm và các vị phụ huynh không thấy bị phiền hà, học sinh tham gia phong trào có hiệu quả, mà không ảnh hưởng đến kết quả học tập - cô Đương cho biết. Càng tâm huyết với hoạt động Đội thì càng ít thời gian dành cho gia đình.

Có hai con nhỏ, song hằng ngày cô Nguyễn Thị Đương đều đi sớm, về muộn, không hiếm ngày thứ bảy, chủ nhật bận công tác liên miên; vào những dịp có chương trình, hoạt động của nhà trường, địa phương thì cô và trò lại phải đầu tư công sức tập luyện. Vượt qua những khó khăn, nhiều năm liền, cô Đương đã đạt được những thành tích tiêu biểu như: Giải nhì Tổng phụ trách Đội giỏi cấp thành phố năm 2018; Hướng dẫn học sinh thi chỉ huy đội giỏi toàn quốc đạt tốp 5 học sinh xuất sắc nhất năm 2018; Hướng dẫn học sinh viết thư UPU chủ đề "Người hùng của em” đạt giải “Cây bút triển vọng” năm 2019; Tổng phụ trách Đội tiêu biểu thành phố năm 2018…

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/42443802-vui-buon-cong-viec-tong-phu-trach-doi.html