Vui buồn 'địa phương ca'

Lập kỷ lục 8 triệu lượt xem sau 24 giờ lên sóng, 64 triệu lượt xem sau 2 tuần và top 1 YouTube thịnh hành toàn cầu là MV Bắc Bling. Cho dù cái tên Bắc Bling nhảy nhót ra khỏi chữ Bắc Ninh nhưng không làm cho người xem có thể hoãn lại cái thú thưởng thức tác phẩm này.

Ông Nguyễn Hữu Mạo, Giám đốc Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh, cho biết tuần qua lượng khách tham gia tour Bắc Ninh tăng đột biến. Thương hiệu Bắc Ninh làm cho các tỉnh bạn có phần ghen tị.

Gần đây, nhiều nhạc sĩ nhận được sự ướm hỏi từ địa phương rằng có thể sản xuất một sản phẩm tương tự cho tỉnh, huyện không? Nhạc sĩ sẵn sàng nhưng về độ viral (hiệu ứng làm người xem chia sẻ, lan tỏa) không ai dám đánh cược.

Điều độc đáo là người sáng tác nhạc Tuấn Cry, Hòa Minzy (9X), đã “liên thủ” với NSƯT (6X) Xuân Hinh đều là đồng hương Bắc Ninh. Đất quan họ đã từng có tác phẩm nao lòng người “Những cô gái trên quê hương quan họ”, nhưng nhạc sĩ Phó Đức Phương không hề sinh ra ở đây mà là tại Hưng Yên. Có người nói nghệ sĩ là người nói hộ tấm lòng người khác.

Có bài ca nói hộ lòng người Tây Nguyên lại là của một nhạc sĩ sinh ra từ 36 phố phường thủ đô. Đó là Nguyễn Cường. “Tôi sinh, sinh từ nơi đây, cha tôi cũng sinh từ nơi đây/ Ơi M'Đrắk, M'Đrắk ơi!”. Nguyễn Cường viết như chính mình sinh ra cao nguyên: “Gái trai quê tôi da nâu mắt sáng, vóc dáng hiền hòa”. Sau này, có nhạc sĩ trẻ viết: “Người Việt Nam da nâu mắt đen…”. Có thể do ảnh hưởng từ câu ca này hoặc là ý tưởng lớn gặp nhau.

Thực ra trước đây, chúng ta đã có nhiều tác phẩm “địa phương ca” trở thành bài ca đi cùng năm tháng. Tiếc rằng trước đây chưa có mạng internet để có cơn sốt lan tỏa. Có những đường chéo kỳ lạ là hầu hết kiệt tác địa phương ca đều do những tác giả quê khác viết.

Bài “Hà Tây quê lụa” do nhạc sĩ quê Phú Yên là Nhật Lai sáng tác. Bài “Dáng đứng Bến Tre” lại ra đời từ một nhạc sĩ Nghệ An là Nguyễn Văn Tý. Người Hà Giang yêu ca khúc “Hà Giang quê tôi” do nhạc sĩ Sơn Tây là Thanh Phúc sáng tác. Người Thanh Hóa nức lòng với bài “Chào sông Mã anh hùng” của nhạc sĩ quê Hưng Yên là Xuân Giao. Người Đông Nam Bộ tự hào với bài “Vàm Cỏ Đông” của nhạc sĩ Trung Bộ là Trương Quang Lục. Người Nha Trang yêu bài “Nha Trang mùa thu lại về” của nhạc sĩ Nam Định là Văn Ký. Người Quảng Bình yêu “Quảng Bình quê ta ơi” do nhạc sĩ phố cổ Hà Nội là Hoàng Vân sáng tác. Những ca khúc để đời của Hà Nội có tới hàng trăm, nhưng đều do các nhạc sĩ không sinh ra và lớn lên ở thủ đô. Thí dụ nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi thì chào đời ở… Lào và trưởng thành tại Hải Phòng.

Cách đây không lâu, trong cuộc thi địa phương ca, lãnh đạo địa phương bày tỏ mong muốn rằng bài về huyện ta nhưng phải được những huyện khác cũng yêu thì mới thỏa lòng. Thí dụ như cả nước hát “Đôi mắt Pleiku” chứ không riêng người Pleiku. Có những địa phương chưa có được bài nào thì chỉ cần nghe tên quê mình trong bài hát nào đó là đã hãnh diện rồi. Nhạc sĩ Thuận Yến từng kể rằng ông hay nhận được quà tặng của tỉnh Sông Bé (sau này tách thành Bình Dương và Bình Phước) vì trong bài hát “Mỗi bước ta đi” ca ngợi anh Giải phóng quân có nhắc tới tên tỉnh: “Anh đi về đâu, từ Quy Nhơn đến Biên Hòa/ Vượt qua Sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng”.

Đã có không ít cuộc thi địa phương ca tầm to, giải lớn, hoành tráng tổ chức, trao giải tưng bừng nhưng sau khi kết thúc thì những ca khúc trở nên “tàng hình”, không ai nhắc nhớ. Các tác phẩm đã chọn trong những cuộc thi kiểu đó được dàn dựng ghi âm ghi hình và biểu diễn có một số điểm chung. Đó là âm nhạc đẹp, lời chuẩn tiêu chí nhưng thiếu tình và tứ. Tình là cảm xúc thật từ tâm hồn tác giả, tứ là cách dẫn dắt câu chuyện. Ca khúc luôn được triển khai về giai điệu cùng hòa âm “đúng bài” nhưng ít yếu tố tìm tòi, phát hiện. Lời ca thì không có tứ, câu chuyện dẫn dắt nên luôn là tập hợp những ca từ hoặc nịnh tai, hoặc hô phong hoán vũ nhưng cá tính tác giả nhòe mờ.

Điều mà ca từ làm được là thực hiện đủ 100% những tiêu chí yêu cầu trong thể lệ và tất nhiên không thể “đốn tim” được thính giả. Cái làm giảm sức lan tỏa chính là thói quen giáo điều của sáng tác. Các địa phương ca huyền thoại xưa, các nhạc sĩ tự cảm tự viết mà nhiệm vụ, tình cảm rất vẹn tròn xao xuyến, có phải thi thố gì đâu. Có lẽ các cuộc thi cần điều chỉnh nhấn mạnh tiêu chí “lay động lòng người”.

Bắc Bling không phải là quan họ nên không lấy thang điểm liền anh liền chị mà xét nét được. Người xem thích vì Bắc Bling kết nối khéo léo âm nhạc, hình ảnh hiện đại với cổ truyền. “Chơi” rap mới được các rapper Âu, Mỹ sáng tạo từ thế kỷ 20 chứ nhạc cổ Việt thì nhiều thế kỷ nay, các bài đồng dao, vè, hề chèo, hò đò dọc thì gần rap như hình với bóng. Thành ra Xuân Hinh đọc rap dễ bắn súng liên thanh.

Xứ Việt ta, văn hóa phong phú, dân tộc đa dạng, dân ca dân vũ muôn màu, điệu nào cũng dễ giao hòa với âm nhạc hiện đại. Vùng Tây Bắc đã có MV “Để Mỵ nói cho mà nghe” chứng minh điều đó. Dân vũ như Xòe Thái, múa hông (Khơ Mú), múa Xoang (Gia Rai, Ba Na), múa Apsara (Chăm), Robam (Khmer) và nhiều nữa, có thể làm chất liệu quảng bá cho địa phương một cách ngọt ngào. Hy vọng, mỗi tỉnh huyện đều biết kể câu chuyện của chính mình như nhóm Bắc Bling.

Câu chuyện cho thấy, để đi vào lòng khán giả, không cần phải huy động những gì quá xa xôi, mà cần thân thiện, không xa lạ với nhân dân.

Tả Từ

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/vui-buon-dia-phuong-ca-i763746/