Vui - buồn những chuyến đò ngang

PTĐT - Trời có ngày nắng, ngày mưa; sông có khi đầy, khi cạn… còn những chuyến đò ở bến Lời (xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao) thì chưa ngày nào ngừng nghỉ, mấy chục năm qua vẫn cần mẫn đưa khách sang sông. Từng có thời, đò Lời đông khách, thúc đẩy các mối giao thương, mang lại nguồn thu nhập cho những người lái đò và cả người dân ở dọc đôi bờ. Ngày nay, khách dần thưa vắng, mỗi chuyến đò chở khách sang sông như mang theo cả tâm trạng vui - buồn của những người làm nghề.

Đò ngang vẫn là lựa chọn của một số người dân bởi nó là con đường nhanh nhất và rẻ nhất để sang sông

Đò ngang vẫn là lựa chọn của một số người dân bởi nó là con đường nhanh nhất và rẻ nhất để sang sông

Hẳn mỗi người, dù ít dù nhiều cũng từng qua sông trên những chuyến đò ngang, đò đưa người đi chợ, trẻ đến trường, kẻ xuôi ngược trăm ngả mưu sinh… Trong những thước phim ghi lại thời chiến tranh, cách đây mấy mươi năm của thế kỷ trước, những chuyến đò đơn sơ từng làm nhiệm vụ đưa cán bộ, chiến sĩ cách mạng đi công tác, vượt sông ra chiến trường… Đó thường là những chiếc thuyền độc mộc, chèo tay và chỉ chở được rất ít người trong mỗi chuyến sang sông. Ngày nay, những chiếc thuyền được trang bị động cơ, công suất lớn, đủ điều kiện “hành nghề” và được đăng ký, kiểm định thường niên có thể phục vụ được nhiều lượt người, phương tiện cùng qua sông. Đò Lời cũng vậy, từ hệ thống đường dẫn xuống bến, dãy nhà chờ, các phương tiện đảm bảo an toàn cho khách và người lái đò đều được đầu tư, trang bị đầy đủ, bởi vậy mà trong nhiều năm hoạt động kinh doanh, đò Lời là phương tiện, sự lựa chọn của rất nhiều người muốn sang sông.

Trong lúc chờ khách, ông Bảy tranh thủ điều chỉnh lại động cơ của đò

Trong lúc chờ khách, ông Bảy tranh thủ điều chỉnh lại động cơ của đò

Trò chuyện với chúng tôi, ông Đoàn Minh Huân - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lại cho biết: “Bến đò Lời đã hoạt động từ hàng chục năm nay trên địa phận khu 3, xã Vĩnh Lại và do xã quản lý. Trong suốt thời gian hoạt động, bến đò, chưa có bất kể rủi ro nào xảy ra. Những năm 2012, bến đò nhận được chương trình hỗ trợ xây dựng đường xuống bến và hệ thống nhà chờ cho khách sang đò ở cả hai bên sông giúp khách lên, xuống đò di chuyển an toàn hơn. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn, với sự quan tâm của Sở Giao thông vận tải, Ban An toàn giao thông tỉnh cùng với huyện và xã thường xuyên phối hợp, kiểm tra, nắm bắt tình hình đảm bảo an toàn giao thông khi khách qua đò, đặc biệt là kiểm tra các trang thiết bị đảm bảo an toàn như áo phao, phao cứu sinh... Địa phương cũng thường xuyên giám sát, tuyên truyền, nhắc nhở để các tổ đò tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn và mức thu phí khách qua đò theo đúng quy định của HĐND tỉnh…”.Người xưa nói “Qua sông phải lụy đò”, nhưng thời nay, hoạt động bán hàng và chở khách qua đò là một “dịch vụ” và dịch vụ có tốt mới nhận được sự lựa chọn của “khách hàng”, vì thế mà những người lao động ở khu vực bến đò Lời luôn thực hiện đúng các quy định về đảm bảo an toàn, cùng với thái độ phục vụ và sự nhiệt tình. Đò bên kia sông nổ máy thì đò bên này xuất bến để đảm bảo thông suốt, tránh cho khách sang sông phải chờ đợi lâu chứ không chờ đủ khách mới đi, bởi vậy, thi thoảng lại có những chuyến phải đánh đò về không mà không có khách. Không thiếu những lần, trong mùa nước lớn, khách qua đò non tay lái, không điều khiển được chiếc xe hoặc bị mắc kẹt giữa lối lên… là những lái đò có mặt và trợ giúp ngay để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra. Mùa cạn, bãi bồi nhô lên khỏi mặt sông, dài rộng và lún nên rất khó điều khiển phương tiện, những tổ đò phải xếp những mảnh ván, tôn hoặc cao su thành lối đi dài trên cát dẫn lên bãi, rồi mở thêm đường dẫn xuống đò ở vị trí an toàn hơn… Các tổ đò cũng là những người tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ địa phương tổ chức thực hiện các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao… góp phần xây dựng xã Vĩnh Lại đạt chuẩn nông thôn mới từ rất sớm.

Đảm bảo an toàn giao thông để mỗi chuyến đò ngang sẽ không là nỗi buồn của bất kể ai

Đảm bảo an toàn giao thông để mỗi chuyến đò ngang sẽ không là nỗi buồn của bất kể ai

Trước đây, thu nhập của các hộ gia đình nhận thầu bến đò tương đối ổn định từ các hoạt động bán hàng và đưa đò phục vụ khách. Tuy nhiên, những năm gần đây, đặc biệt là năm 2019, lượng khách qua lại giảm rất nhiều, cùng với việc nước sông cạn làm nhô những bãi bồi lớn khiến đò phải đi vòng, tốn nhiều nhiên liệu nên thu nhập của lao động ở bến đò không cao. Thân thiện và cởi mở vì chúng tôi là “khách quen”, một người bán hàng nước ở bến chia sẻ: “Giờ tan tầm thường là lúc đông khách nhất, nhưng hiện nay khách qua đò ít lắm, chú cứ ngồi đây một lúc là thấy”. Ngay nay, cùng với sự phát triển của tỉnh, những cây cầu qua sông được xây dựng, những tuyến đường được cải tạo, nâng cấp, đời sống người dân được nâng lên nên phương tiện tham gia giao thông cũng trở nên phong phú hơn, đó là nguyên nhân mà khách qua đò không còn nhiều như trước nữa. 61 tuổi và đã 18 năm làm nghề lái đò ở bến Lời, ông lái đò tên thường gọi là Bảy chia sẻ: “Gần hai chục năm lái đò, cũng có vài lần, đò gặp những hỏng hóc, trục trặc khi đang vận hành dẫn tới “chết máy”, đò bị trôi giữa sông, tuy nhiên, chúng tôi đã thả neo và khắc phục ngay. Trên đò, chúng tôi luôn trang bị các biện pháp an toàn như áo phao, phao nổi, phao cứu sinh, bình chữa cháy… thế nên hạn chế được thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra. Ngoài ra, mỗi năm, đò đều được các cơ quan chức năng kiểm tra, đảm bảo thì mới được phép hoạt động… Tuy nhiên, thu nhập từ hoạt động này hiện rất thấp, mỗi thuyền chỉ thu được vài triệu đồng mỗi tháng, có tháng còn “âm” tiền dầu, nó là “cái nghề” thì vẫn phải làm và đã làm thì phải đảm bảo an toàn cho khách và cho chính mình nữa”.Chiều tà, hoàng hôn đỏ rực, mặt sông lấp loáng, bên kia sông, con đò chầm chậm rời bến, còn bên này, động cơ cũng đã được khởi động chuẩn bị đưa hơn chục vị khách sang sông, về với gia đình hoặc tiếp tục hành trình đi trăm ngả đường dài. Dù xã hội phát triển, vẫn có những vị khách trung thành với đò ngang, đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng xe gắn máy, xe mô tô và người dân khu vực hai bên sông coi đò ngang là phương tiện, con đường nhanh nhất, chi phí thấp nhất. Để đảm bảo an toàn giao thông tại bến đò, bến khách ngang sông, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự nhiệt tình phục vụ và ý thức của các tổ đò, mỗi người dân cũng cần tự trang bị những kỹ năng, chủ động phòng ngừa tai nạn đường thủy mỗi khi qua lại để mỗi chuyến đò đưa khách sang sông, dù không đông khách, thu nhập không cao thì hình ảnh đẹp về bến nước, con đò vốn đã đi vào trong thi ca, nghệ thuật và in sâu trong tiềm thức mỗi người sẽ không là nỗi buồn của bất kể ai.

Lê Hoàng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/201909/vui-buon-nhung-chuyen-do-ngang-166802