Vui buồn văn hóa công vụ
Năm 2023 đang đi qua, đọng lại trong suy nghĩ của bao người cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Có người cảm thấy buồn vì văn hóa công vụ xuống cấp khi nhìn từ một số vụ án tham nhũng lớn, nhưng nhiều người sẽ thấy vui vì tội phạm đã bị khởi tố, đem ra xét xử đúng người đúng tội, văn hóa công vụ có nhiều khởi sắc.
Năm qua, nhiều người từng nghe những câu chuyện, thông tin bộc lộ hành vi gian dối của một bộ phận công chức, viên chức - những “công bộc” của dân, từ cấp xã tới cấp Trung ương…
Thực tế cho thấy, những công chức, viên chức, nhất là công chức lãnh đạo có tính gian dối và lợi dụng, lạm dụng chức quyền đều là những người thiếu công khai, minh bạch và tùy tiện trong hoạt động công vụ. Văn hóa công vụ là sự thẩm thấu các giá trị văn hóa vào hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, là sự tổng hợp nhuần nhuyễn ba yếu tố: đạo đức, tri thức và hành vi. Tôn trọng sự thật trong văn hóa công vụ là thước đo cơ bản để thấy cơ quan đó, tập thể đó trong thực thi công vụ có văn hóa hay không.
“
Thực thi công vụ và xây dựng giá trị cốt lõi của nền công vụ quốc gia là thực hiện nhiệm vụ được giao dựa trên chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, phát luật của Nhà nước.
Những câu chuyện tham nhũng, gian dối trên làm hoen ố bức tranh văn hóa công vụ, nhưng nhìn toàn cảnh thì gam màu sáng vẫn là nét chủ đạo. Cả nước hiện có trên 233 nghìn công chức của các cơ quan Trung ương, không kể Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và địa phương, thì số người có hành vi gian dối, dính tới tham nhũng chỉ là thiểu số.
Hiệu quả thực thi công vụ liên quan mật thiết đến niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, sự ổn định, vững mạnh của hệ thống chính quyền. Những vụ tham nhũng lớn được phanh phui càng củng cố niềm tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước ta.
Qua theo dõi kết quả lấy phiếu tín nhiệm từ Quốc hội đến Hội đồng nhân dân các tỉnh thành vừa qua, chưa có trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm nào rơi vào trường hợp phải “xin từ chức” hay “miễn nhiệm”. Số cán bộ gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao vẫn là số đông, chất lượng cán bộ, công chức nhìn ở góc độ trí lực và tâm lực vẫn nổi trội, tô thêm nét đẹp trong văn hóa công vụ.
Còn hai yếu tố tri thức công vụ và hành vi công vụ cũng khởi sắc. Số công chức, viên chức, người lao động có trình độ, bằng cấp tăng nhiều hơn, qua các cuộc thi tuyển đã lựa chọn được những người có trình độ xứng đáng vào vị trí công việc.
Tình trạng “con ông cháu cha” gửi gắm vào cơ quan công quyền ít gặp do có quy định chặt chẽ từ Luật Cán bộ, công chức và khi bị phát hiện có tiêu cực đã kịp thời xử lý công khai, minh bạch. Tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức giải quyết công việc sai quy định, hướng dẫn, giải thích công việc cho người dân lòng vòng, khó hiểu, thái độ làm việc thiếu nhiệt tình, thân thiện cũng ít gặp hơn.
Hành vi công vụ thể hiện qua “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ, cũng dễ dàng nhận biết ở các các cơ quan, đơn vị. Hầu hết các công sở, đơn vị đã có hòm thư góp ý tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả và công khai số điện thoại để người dân, doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị về thái độ phục vụ của cán bộ, công chức.
Hiện 36/63 tỉnh, thành đã triển khai Trung tâm chỉ đạo, điều hành thông minh; 40/63 tỉnh, thành đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Có doanh nghiệp công nghệ như BKAV tư vấn chữ ký số miễn phí cho nhiều địa phương, nên đã thu hút được đông đảo người dân tham gia loại dịch vụ này.
Nhiều cơ quan, đơn vị đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, xử lý, ký số văn bản điện tử. Các bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.
Tuy nhiên việc thực thi đơn giản hóa thủ tục hành chính vẫn còn chậm; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở một số nơi còn hình thức, chưa thuận lợi, còn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”.
Thực thi công vụ và xây dựng giá trị cốt lõi của nền công vụ quốc gia là thực hiện nhiệm vụ được giao dựa trên chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, phát luật của Nhà nước.
Vì thế Đảng, Nhà nước đã và đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, triển khai đồng bộ nội dung văn hóa công vụ trong Luật Cán bộ, công chức; Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ của các cơ quan, tổ chức, hướng tới nâng cao hiệu suất lao động, giảm hội họp, giấy tờ hành chính, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử ở mức độ cao hơn, trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp.
Tâm lý sợ trách nhiệm, sợ sai sót, làm việc cầm chừng trong thực thi công vụ là hiện tượng đã và đang diễn ra. Không ít cơ quan phải tổ chức nhiều cuộc họp xin ý kiến nhiều lần trong cùng vụ việc hoặc cái gì cũng xin ý kiến cấp trên chỉ đạo làm đảo lộn trật tự hành chính về thẩm quyền. Vì thế ngày 29/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 73 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và không được lợi dụng chính sách để bao che tham nhũng.
Với Đảng, tháng 10/2023 đã ban hành Quy định của Bộ Chính trị về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.
Quy định này đã bổ sung nhiều nội dung mới so với quy định trước để công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, đảng viên hằng năm đi vào thực chất, khắc phục những hạn chế trong tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán…
Bác Hồ đã từng căn dặn: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Để một nền công vụ mà ở đó, cán bộ công tâm, khách quan, luôn đề cao “liêm”, “chính”, văn hóa công vụ thực sự đạt được mục tiêu “chuyên nghiệp, hiện đại” phục vụ nhân dân thì cán bộ, công chức, viên chức phải không ngừng học tập nâng cao nghiệp vụ, tu dưỡng phẩm chất làm người.
Xây dựng văn hóa công vụ là một bộ phận trọng yếu trong thực hiện định hướng “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Đó là mục tiêu cao cả và lâu dài, vì thế cần tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi và đạo đức công vụ, nhất là lòng tự trọng của cán bộ, công chức: Để người thủ trưởng đơn vị xứng đáng là thủ lĩnh, là thợ cả, là tấm gương; Để cán bộ, công chức, viên chức cảm thấy tự hào, vinh dự mà làm việc, không bị hút vào cơn lốc danh lợi, một lòng phục vụ nhân dân, tổ chức, đơn vị; Để họ cảm thấy hổ thẹn khi làm việc xấu, lợi dụng vị trí, quyền hạn kiếm chác làm lợi cá nhân, cảm thấy nhục nhã khi làm tổn thất, làm hại cho tổ chức, gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/vui-buon-van-hoa-cong-vu-10270131.html