Vui cùng người Mông ngày 2/9

Tôi đã có ba lần đón Tết Độc lập cùng người Mông, lần lượt ở Sơn La, Nghệ An và Yên Bái. Tết đặc biệt nên kéo dài suốt mấy ngày, vui bên nhau thâu đêm, học giã bánh dày và hò hét mất cả giọng trong hội đấu bò...

Tết liên tỉnh ở Mộc Châu

Người Mông ở Việt Nam có hai cái Tết lớn, một là Tết Nguyên đán, thứ 2 là Tết Độc lập diễn ra đúng vào dịp 2/9. Sinh thời, GS Ngô Đức Thịnh có lần giải thích với tôi: Tết Độc lập của người Mông được chính thức hóa từ sau năm 1945, sau này, người Thái, người Tày, người Dao, người Khơ Mú... ở một số nơi cũng tổ chức Tết Độc lập.

Nếu Tết truyền thống người Mông gói gọn trong phạm vi gia đình, họ hàng, làng bản thì Tết Độc lập có phạm vi rộng hơn, liên kết cộng đồng người Mông giữa các vùng miền, và hoan nghênh cả những dân tộc khác cùng tham gia. Tết Độc lập ở nơi nào cũng giống nhau bởi cờ đỏ sao vàng được treo khắp làng trên xóm dưới. Cứ theo sắc cờ mà đi, thể nào cũng thấy người Mông giết gà, mổ lợn, có bản còn đụng trâu để ăn mừng.

Năm đầu tiên dự Tết Độc lập ở Mộc Châu, chúng tôi không lường được lượng người tham gia lại đông như thế. Suốt quãng đường vào thị trấn bị ách tắc bởi từng đoàn người mặc đồ dân tộc gặp cố hương và túm tụm giữa phố. Họ trò chuyện, cười đùa, hỏi thăm nhau... Sau hỏi thăm tôi mới biết, người Mông ở hầu khắp Tây Bắc đều đổ về Mộc Châu đón Tết Độc lập, ngoài ra còn có cả người Thái, Mường, Kinh, Dao, Khơ Mú ở các bản lân cận cũng kéo về đây góp vui.

Khi ngồi trong quán thắng cố ăn bữa tối, chúng tôi gặp vợ chồng anh chị Lỳ- Mận và hai đứa con chở nhau bằng xe máy từ tận Điện Biên xuống. Chị Mận bảo sẽ ở lại chơi đến qua mùng 2/9 mới về vì “Tủa Chùa (Điện Biên) chưa có Tết Độc lập”.

Chuyến đi ấy, chúng tôi dẫn thêm mấy người bạn ngoại quốc. Mélissa (26 tuổi, người Pháp) nói với tôi: “Đây là một dân tộc sinh động tuyệt vời” sau khi cô hoa cả mắt chứng kiến những sắc màu sặc sỡ không hề lặp lại trên trang phục của phụ nữ Mông và xem các chàng trai Mông thổi khèn “tán gái”. Người Mông đi chơi Tết đúng với tinh thần đi hội, họ diện trang phục và trang sức đẹp nhất. Thanh niên Mông đa phần mặc áo sơ mi trắng và quần lanh ống rộng. Đêm ngày 1/9 (còn gọi là “đêm trắng”) có diễn ra một phiên chợ tình để trai gái người Mông có cơ hội tìm hiểu, giao duyên.

Chọi bò ở Nghệ An

Năm 2017, phượt thủ Nguyễn Trần Lê Huy rủ chúng tôi về quê Nghệ An của anh để xem chọi bò trong Tết Độc lập. Ở đây, chúng tôi gặp ông Sầm Văn Bình – một nhà nghiên cứu văn hóa, một “pho sử sống” ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Ông Bình cho biết: Người Mông ở Mường Lống, Huồi Tụ, Tây Sơn, Nậm Cắn, Tà Cạ... (thuộc miền Tây Nghệ An) thường chọi bò trong những dịp lễ trọng, dịp vui. Một năm, có thể chơi chọi bò dăm bảy lần, hội to thì hàng trăm cặp trọi, hội nhỏ chỉ vài ba cặp cũng vẫn vui. Bò chọi xong không thịt giống như trâu Đồ Sơn mà tiếp tục được nuôi nấng, chăm bẵm và hưởng đãi ngộ của một “công thần” để năm sau chọi tiếp. Sự “vất vả” duy nhất của các chiến binh này chính là sau mỗi hội trọi, đám bò dũng mãnh và nổi bật nhất sẽ liên tục phải đi phối giống, người dân hy vọng con của những chiến binh sẽ là những đấu sĩ nổi tiếng trong tương lai.

Mấy năm trước, các hội chọi bò ở Nghệ An còn khá thô sơ. “Trường đấu” chính là sân lớn giữa các bản làng. Quanh trường đấu không có rào bảo vệ, người xem bao gồm cả phụ nữ, trẻ em, người già đứng xung quanh vạt đất trống, một số thanh thiếu niên thì trèo lên cây hoặc đứng ở những ụ đất cao để có điểm nhìn tốt hơn. Thiết bị bảo hộ duy nhất chính là những trai làng mang theo cây sào buộc dây ở đầu để khống chế bò trong những pha rượt đuổi hoặc hăng máu.

Khi đó, để đảm bảo an toàn, Lê Huy bảo chúng tôi cứ ngồi sau xe bán tải mà xem, để nhỡ “có biến” thì chạy. Chỗ ngồi lo xa này thế nhưng khá lý tưởng bởi tầm nhìn rộng có thể bao quát được cả sân đấu. Hôm ấy, kết cục tôi cũng không nhớ rõ con bò thắng cuộc tên là gì, của nhà ai, bởi suốt cả mấy tiếng đồng hồ ngồi xem trực tiếp, chúng tôi chỉ mải hò hét cổ vũ, đến mức ba ngày sau cổ họng tôi vẫn chưa hết khàn.

Tết Ðộc lập ở ruộng bậc thang Mù Cang Chải

Năm ngoái, Mù Cang Chải (Yên Bái) lần đầu tiên tổ chức Tết Độc lập. Suốt từ đêm 31/8, tuy tin bão vẫn rập rình từng giờ trên các bản tin thời tiết, và trời thì lất phất mưa nhưng vẫn không ngăn được dòng người ùn ùn đổ về Mù Cang Chải. Có những đoàn người sặc sỡ thổ cẩm đi qua, đồng nghiệp báo Yên Bái nói chuyện với họ rồi quay sang bảo tôi: “Nguyên cả bản đấy, từ tận Chế Cu Nha xuống”.

Để chơi Tết, vợ chồng chị Sùng Thị Sua phải đi xe máy cả quãng đường gần trăm cây số. “Mấy năm trước chúng em toàn phải qua Than Uyên chơi, năm nay may quá có Tết ở Mù Cang Chải. Hàng tháng trước, chúng em đã thu xếp mọi việc nhà để dành hẳn mấy ngày đi chơi”, chị Sua hào hứng kể.

Tết Độc lập ở Mù Cang Chải nhờ hiệu ứng ruộng bậc thang và sắp đặt “Mây pha lê” của hai kiến trúc sư Andy Cao và Xavier Perrot trước đó nên thu hút khá đông du khách là người nước ngoài. Ở cùng homestay, chúng tôi kết bạn với Kevin và Charlotte, hai thanh niên người Mỹ sang Việt Nam du lịch lần thứ ba. Kevin cho biết, cả ba lần đến Việt Nam họ đều đi Tây Bắc. “Tôi rất thích vùng đất này, cảnh đẹp tuyệt vời, người dân thân thiện và đồ ăn ngon”.

Người Mông ơn Bác
Người Mông ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa) coi Tết Độc lập vào dịp 2/9 hàng năm là dịp lễ lớn, đặc biệt trong năm.
Mường Lát là huyện biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, đồng bào dân tộc Mông có 3.148 hộ với 16.564 khẩu, cư trú tập trung ở 38 bản, thuộc 6 xã dọc biên giới. Đồng bào dân tộc Mông sống chủ yếu tại rừng đầu nguồn và trong rừng sâu, vùng núi cao.Cứ vào dịp 2/9 hàng năm, trên khắp các bản làng của người Mông ở Mường Lát đều rộn ràng không khí của ngày Tết Độc lập. Người già, trẻ nhỏ cùng nhau tham gia các hoạt động cộng đồng tại trung tâm huyện.
Với người Mông ở Mường Lát, Tết Độc lập mang một ý nghĩa to lớn và là ngày hội vui của bản làng, của mỗi người dân nơi đây. Theo ông Lương Minh Thông - nguyên Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết: Tết Độc lập (2/9) gắn liền với cuộc sống của người Mông của nhiều thập kỷ. Trước đây, để chạy trốn kẻ thù, người Mông tìm đến những ngọn núi cao hoặc trong rừng sâu, họ men theo các con suối lên những ngọn đồi cao rồi ở lại lập chòm bản, sinh sống. Người Mông trước đây ít giao lưu với các dân tộc khác trong vùng. Từ ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, người Mông dần thay đổi, họ sống cởi mở hơn, họ xuống núi cùng giao lưu, giao thương trao đổi hàng hóa với người dân tộc khác. Hoàng Lam

ĐẠT NHI

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/vui-cung-nguoi-mong-ngay-29-1714204.tpo