'Vui gì hơn làm người lính đi đầu'

Không biết từ bao giờ những vần thơ của Tố Hữu đã in sâu trong lòng bà Lê Thị Kiều, Trưởng Ban Công tác Mặt trận Khu phố 1A, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà: 'Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa/Vui gì hơn làm người lính đi đầu'. Từng trải qua bom đạn, trở về cuộc sống yên bình với tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, bà Kiều vẫn chọn và nỗ lực trở thành một 'người lính đi đầu' để góp sức dựng xây quê hương.

 Bà Lê Thị Kiều thường xuyên đọc sách, báo để nắm bắt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Bà Lê Thị Kiều thường xuyên đọc sách, báo để nắm bắt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Ở tuổi 64, bà Kiều vẫn giữ được những nét thanh tú trên gương mặt. Bà Kiều có lối trò chuyện mộc mạc, gần gũi nhưng không kém phần lôi cuốn. Rót chén nước mời khách, bà kể, mình sinh ra và lớn lên ở làng Lập Thạch, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Mới 4 tuổi bà đã mồ côi mẹ. 9 chị em bà phải lo lắng cho nhau trong những ngày ba đi theo tiếng gọi của cách mạng. Lớn lên, bà Kiều cũng tiếp bước ba, nguyện hiến dâng máu xương cho Tổ quốc. Không khó khăn, thử thách nào có thể ngăn bước bà trở thành một “người lính đi đầu”. Sau này, tình yêu dành cho màu xanh áo lính đã se duyên cho bà với chồng là thương binh hạng 2/4 Nguyễn Văn Trong.

Sau ngày hòa bình, khát vọng cống hiến vẫn sục sôi trong bà Kiều. Người phụ nữ từng trải bom đạn tham gia nhiều hoạt động, phong trào ở địa phương và được người dân rất tín nhiệm, yêu quý. Năm 2012, bà Kiều được bầu làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu phố. Bấy giờ, một số người khuyên bà nên từ chối công việc được cho là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Thế nhưng, bà Kiều lại gật đầu chấp thuận. “Tôi là người lính, là đảng viên, tôi không thể từ chối nhiệm vụ mà cấp ủy, người dân tin tưởng giao phó”, bà Kiều giải thích.

Được người dân trên địa bàn quý mến, tôn trọng nên mọi công việc được cho là khó đối với Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu phố đều trở nên thuận lợi đối với bà Kiều. Thế nhưng, bà Kiều không cho phép mình chủ quan, lơ là, ngược lại luôn toàn tâm, toàn ý với công việc. Bà thuộc nằm lòng từng nóc nhà, ngõ hẻm ở khu phố. Mọi tâm tư, nguyện vọng của người dân trên địa bàn đều được bà Kiều quan tâm, lắng nghe, chia sẻ. Bà luôn trăn trở, tìm cách phù hợp nhất để chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Trong thực hiện nhiệm vụ, phương châm bà đặt ra là: “Việc gì có lợi cho dân thì làm”.

Làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu phố, bà Kiều phải “sắm” nhiều vai khác nhau. Thường ngày, bà Kiều là một “tuyên truyền viên” mẫn cán. Mỗi khi có mâu thuẫn, xích mích xảy ra trong khu phố, bà trở thành một hòa giải viên cơ sở, tìm cách giải quyết mọi việc sao cho hợp tình, hợp lí. Lúc công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn vướng mắc, bà Kiều trở thành “nhà ngoại giao”, ngày đêm thuyết phục người dân đặt lợi ích cộng đồng lên trước để những tuyến đường được làm mới, công trình phúc lợi xã hội mọc lên. Hay tin hộ dân nào đó trên địa bàn gặp khó khăn, bà gõ cửa để tìm hiểu, rồi tình nguyện trở thành người kết nối những tấm lòng nhân ái. “Trước đây, tôi định đảm đương công việc một, hai năm, rồi chuyển giao cho người có uy tín khác. Sau này, thấy công việc ý nghĩa, lại được các cấp chính quyền và người dân trong khu phố ủng hộ nên tôi gắn bó đến giờ”, bà Kiều dốc lòng.

64 tuổi, 7 năm gắn bó với công tác Mặt trận, ngoài những tấm bằng khen, giấy khen, bà Lê Thị Kiều nhận được rất nhiều tình yêu thương của người dân trong khu phố. Đó là niềm hạnh phúc lớn, thôi thúc bà nỗ lực cống hiến nhiều hơn để “làm người lính đi đầu” giữa thời bình.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=141278