Vui sống cuộc đời mình và phần đời người hy sinh trao tặng

Trở về sau khi gặp nhạc sĩ TRƯƠNG QUÝ HẢI, tôi cứ ấn tượng mãi với khuôn mặt, ánh mắt anh, nghiêm nghị và rắn rỏi, nhưng sâu thẳm là những xúc động nghẹn ngào. Sau bao nhiêu năm rời chiến trận trở về, mỗi lần anh nhớ về đồng đội, hát cho đồng đội, thì 'yêu thương tràn về', nhưng cũng 'giằng xé khôn nguôi'.

Nhớ người nằm khe đá, thung sâu

- Được nhiều người biết đến qua các ca khúc trữ tình nổi tiếng như: "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa", "Khoảnh khắc", "Tự khúc ngày sinh"..., cơ duyên nào đưa anh đến với những sáng tác về đồng đội, về người lính?

Nhạc sĩ Trương Quý Hải hát “Lũy đá bất tử” trước đồng đội Vị Xuyên. Ảnh: chungta.vn

Nhạc sĩ Trương Quý Hải hát “Lũy đá bất tử” trước đồng đội Vị Xuyên. Ảnh: chungta.vn

- Sau khi rời chiến trận trở về, những người lính đều mải miết mưu sinh, đến một ngày chúng tôi cảm thấy cần gặp nhau, muốn trở lại đơn vị cũ thuộc Trung đoàn 876, Sư đoàn 356. Chúng tôi là thế! 30 năm sau chiến dịch MB84, vào năm 2014, không ai bảo ai, chúng tôi đã tìm được nhau, chung tâm nguyện trở về Nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang, thắp hương cho đồng đội đã tìm được hài cốt. Sau dịp ấy, chúng tôi vẫn thấy còn điều gì đó lợn cợn, day dứt. Một số anh em đang nằm rải rác ở mặt trận, khu chiến địa xưa thì thắp hương cho họ như thế nào?

Tôi nhớ, anh Minh - Đại đội trưởng của tôi bị thương rất nặng trong trận đánh ngày 12.7.1984, từng thổ lộ tâm nguyện, giá có chỗ nào thắp hương chung cho anh em thì tốt quá. Sau đó, mấy anh em thân thiết đã lập nhóm, vận động quyên góp đủ số tiền xây một cây hương. Vị trí đặt cây hương cũng chọn rất chính xác, tại Sở Chỉ huy trên Điểm cao 468, thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, nơi khi xưa không bom đạn nào công phá. Đặt cây hương tại đây, chúng tôi đều nghĩ sẽ rất thiêng. Cuối năm 2013, khi khánh thành cây hương, tôi không được biết, phải đến dịp kỷ niệm 100 ngày đài hương tôi mới hay tin.

- Và sáng tác đầu tiên về đồng đội đã đến với anh?

- Đúng vậy. Tuy nhiên, đúng lễ 100 ngày, do công việc đột xuất tôi không tham gia được. Nghe anh em trên Vị Xuyên gọi điện về, không thể tưởng tượng cảm giác trong tôi lúc đó, thật giằng xé, khó diễn tả, không tập trung để làm trọn việc gì, như khi đồng đội lao vào trận chiến và mình tôi rời vị trí vậy. Tôi nghĩ, đài hương đã khánh thành, lúc đó vào tháng 3.2014, đến ngày giỗ trận, 12.7.2014, anh em sẽ lại trở về. Đứng trước đài hương, chúng tôi sẽ nói gì với đồng đội, với người đã khuất. Nghĩ trần sao âm vậy, tôi viết: Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn. Hà Giang đã ngưng chiến trận… Tôi cũng muốn cho anh em biết chiến trận giờ đã ngưng tiếng súng vì anh em đều hy sinh khi đang tham gia cuộc chiến.

Viết xong những câu đầu, tôi lại thấy mình thật vô tâm, còn bao nhiêu sư đoàn bạn cũng chiến đấu, hy sinh, chứ đâu riêng sư đoàn mình. Và rồi mạch liên tưởng cứ thế tuôn trào: Về đây đồng đội ơi, những chiến hữu đơn vị bạn. Đài hương 468 ta hội quân. Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu. Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào… Hãy về đồng đội ơi!...

Tôi đặt tên bài hát là Về đây đồng đội ơi trong yêu thương tràn về.

"Hát cho người còn sống"

- Sau này, các ca khúc của anh về người lính đã hết trăn trở, day dứt?

- Viết xong Về đây đồng đội ơi, cảm giác trong tôi âm - dương, hư - thực lẫn lộn. Một anh bạn cùng sư đoàn có nói rằng, chúng ta đang sống cuộc đời mình và phần đời người hy sinh trao tặng. Câu nói đó đã tác động rất mạnh để tôi viết tiếp bài Hát cho người còn sống. Nếu bài hát đầu là lời gọi của người còn sống với người hy sinh, thì ở bài này là tâm tình người đã hy sinh dành cho người còn sống, là những câu chuyện khi còn sống những người lính vẫn nói với nhau: Mẹ thường hay khóc. Cha thường lặng lẽ. Em tôi ngoan lắm. Trăng non tóc thề

Đài hương tưởng niệm 468, thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang. Ảnh: truyenhinhdulich.vn

Đài hương tưởng niệm 468, thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang. Ảnh: truyenhinhdulich.vn

Sau khi hoàn thành hai bài hát, tôi nghĩ cuộc đời trở lại của người lính xưa đã bắt đầu. Tôi lại viết Lũy đá bất tử vào năm 2019, từ câu thơ trên báng súng của liệt sĩ Nguyễn Viết Linh, hy sinh đầu năm 1985: sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử, cũng là khẩu lệnh chung của người lính Vị Xuyên.

- Nhiều người quen thấy anh trong trang phục người lính với cây đàn guitar, thể hiện cảm động ca khúc viết cho đồng đội ở mảnh đất Hà Giang nơi biên cương Tổ quốc. Vậy còn những miền đất khác với những ký ức khác thì sao?

- Phải viết xong bài Lũy đá bất tử tôi mới ngộ ra là bờ cõi non sông được hình thành từ những linh hồn, thành lũy của tuổi đôi mươi, nó bao hàm cả lứa tuổi 18 - 19, song cũng có thể đến 27 - 28 tuổi. Tôi lại nghĩ đến anh em chiến đấu ngoài Gạc Ma, hay trên biển đảo. Lũy đá bất tử là lời thề, khí phách bảo vệ biên cương trên đất liền, tuy nhiên tôi thấy vẫn còn khuyết các sáng tác về biển đảo. Điển hình là cuộc chiến của 64 anh em Gạc Ma, chống lại tầng tầng lớp lớp vũ khí, khí tài địch. Họ hy sinh nhưng đã để lại cả một biểu tượng cho dân tộc. Và vì thế, Vòng tròn bất tử ra đời.

Tôi vô tình gặp một anh bạn cùng mặt trận Vị Xuyên, anh chia sẻ chúng ta không biết sống chết thế nào, nhưng những người đã ngã xuống vì quê hương, xứ sở, mãi mãi bất tử. Bâng khuâng, ước nguyện khi nhắc đến mặt trận Tây Nam, anh nói: anh em mình ở mặt trận Vị Xuyên thì chỉ lùi phía sau khoảng 10 cây số đã có hậu phương, các liệt sĩ của đơn vị chúng ta, mặc dù chưa tìm thấy, nhưng cũng được nằm trên đất mẹ. Còn ở mặt trận Tây Nam, hậu phương xa vời vợi, những trận đánh luồn sâu, ẩn mình trong những cánh đồng thốt nốt, phải chờ qua đêm hướng về núi Cấm tìm về đơn vị, đã có những đồng đội mãi mãi ở lại. Họ hy sinh tại mặt trận bên kia rất nhiều, số lượng chưa thấy hài cốt cũng không ít. Những đứa con chưa trở về đất mẹ, có những nỗi niềm chưa thể nói lên được. Tâm tình đó của anh đã thôi thúc tôi viết Bóng chiều Tây Nam, với suy nghĩ đưa linh hồn người lính trở về đất mẹ.

- "Bóng chiều Tây Nam" và "Lũy đá bất tử" đã được anh thể hiện đầy cảm xúc trong chương trình nghệ thuật “Vết chân tròn trên cát” tri ân các anh hùng, liệt sỹ tối 23.7. Anh còn điều gì day dứt?

- Đến giờ, tôi vẫn chưa có điều kiện hát trọn ba bài, bao gồm cả Vòng tròn bất tử, ứng với ba thế hệ nối tiếp. Thế hệ đầu tiên là cha ông mình đánh thực dân Pháp giành độc lập. Thế hệ thứ hai đánh Mỹ, thống nhất non sông của chú, của anh mình. Còn thế hệ thứ ba của chúng tôi bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước, là sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử. Với thế hệ hôm nay, tôi tin họ rất mạnh mẽ, khát vọng, bản lĩnh, trí tuệ bước đến đài vinh quang sánh vai các cường quốc.

- Xin cảm ơn anh!

Hương Sen thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/vui-song-cuoc-doi-minh-va-phan-doi-nguoi-hy-sinh-trao-tang-i337480/