Vui thôi, đừng vui quá

Táo quân luôn là đặc sản truyền hình mỗi dịp Tết Nguyên đán và cho dù năm này, năm khác có hơn kém nhau một chút về chất lượng đi nữa thì chương trình vẫn luôn để lại những điểm nhấn lớn mà khán giả còn phải nhắc mãi.

Táo quân năm Ất Tỵ cũng vậy. Sau đêm Giao thừa, đã có rất nhiều lời khen dành cho ê-kíp làm Táo, khi những gương mặt gạo cội đã trở lại và chương trình cũng đề cập tới nhiều trọng tâm của tình hình kinh tế xã hội hiện nay.

Táo quân năm Ất Tỵ.

Táo quân năm Ất Tỵ.

Có thể nói, sau nỗ lực thay đổi ở Táo quân năm Giáp Thìn nhưng chưa đạt được kỳ vọng của khán giả, Táo quân năm Ất Tỵ đã chọn con đường an toàn hơn, tức là trở về với công thức cũ. Lựa chọn công thức cũ trong áp lực tự thân là luôn muốn làm mới chính mình, ê-kíp Táo quân Ất Tỵ thực sự rất vất vả bởi họ vừa phải mang lại được tiếng cười sảng khoái, vừa phải giữ được chất sâu cay, đồng thời cũng phải hé lộ chút ít các nhân tố mới nhằm duy trì con đường phát triển kế tiếp cho một chương trình kéo dài nhiều năm.

Ở góc độ này, Táo quân Ất Tỵ đã có những thành công đáng ghi nhận. Dù vẫn còn khá nhiều nhược điểm (mà nếu phân tích ra thì sẽ mất nhiều thời gian) nhưng về tổng thể, Táo quân Ất Tỵ vẫn xứng đáng là chương trình đáng xem nhất trong dịp Giao thừa vừa qua.

Tuy nhiên, trong vô số điểm nhấn tích cực được cộng đồng mạng chia sẻ lại một cách hào hứng, vẫn có một hạt sạn nhỏ mà ê-kíp làm Táo quân nên rút kinh nghiệm. Đó chính là chi tiết đoạn thoại giữa hai nhân vật nói tiếng nước ngoài nhưng mọi ám chỉ lại dồn về những nhân vật có thật là cầu thủ Supachok, cầu thủ Pansa... của Đội tuyển quốc gia Thái Lan kèm theo những đánh giá như "chơi đẹp" (fair play). Kết thúc đoạn thoại đó là một lời chào bằng tiếng Thái. Chính điểm này đã khiến một số tờ báo Thái Lan cảm thấy phật lòng và họ cũng đã đưa tin không mấy thiện cảm về đoạn thoại ấy.

Thực tế, có thể nhận thấy đây là một chi tiết hơi quá tay của biên kịch, đạo diễn. Mục đích đặt ra chỉ cần một đoạn thoại nói một thứ ngôn ngữ không ai hiểu là đủ. Song, có lẽ, vì vẫn còn hưng phấn với câu chuyện Đội tuyển Việt Nam vô địch ASEAN Cup trong một trận cầu có kịch bản vô cùng bất ngờ, họ đã không kìm được cảm xúc để biến một chi tiết lẽ ra có thể là vui nhưng lại trở thành "vui quá đà".

Đây là việc mà ê-kíp làm Táo quân nói riêng cũng như những người hoạt động trong ngành kịch nghệ, điện ảnh nói chung cần rút kinh nghiệm. Các chương trình hài thường sử dụng những chi tiết giễu nhại nhằm tạo ra điểm nhấn nhưng đối tượng giễu nhại nên được cân nhắc kỹ. Đặc biệt, nếu đối tượng giễu nhại có thể liên quan đến quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia và chi tiết giễu nhại được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia, sự tiết chế là vô cùng cần thiết.

Mới đây, chúng ta cũng từng chỉ trích việc một bộ phim Thái sử dụng trang phục đạo Mẫu của Việt Nam không đúng cách cho nhân vật mà em gái nghệ sĩ Trấn Thành thủ vai. Giờ đây, chúng ta lại sa vào một sai lầm tương tự khi đùa hơi quá về Đội tuyển quốc gia nước láng giềng. Đây là điều đáng tiếc bởi chính chi tiết này đã làm giảm giá trị của Táo quân phần nào trong khi về tổng thể, có thể nói Táo quân Ất Tỵ là chương trình Táo đáng xem nhất trong suốt mấy Tết qua.

Hà Quang Minh

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/vui-thoi-dung-vui-qua-i758333/