Vun đắp ân tình

Phải tới 20 năm ròng bạn đọc quen thuộc với không gian làng quê miền trung cùng những hoài niệm tuổi thơ rất đẹp của Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, thì nay, trong truyện dài mới ra mắt Con chim xanh biếc bay về, tác giả đã đưa độc giả về lại với Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, mảnh đất chất chứa ân tình. Chuyến đi để trở về này vừa thân thuộc vừa nhiều nét mới, đủ để người đọc bất ngờ, thú vị…

Phải tới 20 năm ròng bạn đọc quen thuộc với không gian làng quê miền trung cùng những hoài niệm tuổi thơ rất đẹp của Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, thì nay, trong truyện dài mới ra mắt Con chim xanh biếc bay về, tác giả đã đưa độc giả về lại với Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, mảnh đất chất chứa ân tình. Chuyến đi để trở về này vừa thân thuộc vừa nhiều nét mới, đủ để người đọc bất ngờ, thú vị…

Chọn khởi đầu truyện dài gần 400 trang với bối cảnh quán chợ giữa đô thị phương nam tấp nập, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khiến nhiều người thổn thức với rất nhiều góc quen giản dị của thành phố năng động này. Chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Bến Thành, chợ An Ðông, chợ Bà Hoa và khá nhiều tên chợ khác được lặp đi, lặp lại trong diễn tiến lúc nhẹ nhàng, khi kịch tính trong Con chim xanh biếc bay về đủ sức gợi nhớ với ai đã từng sinh sống tại thành phố này.

Mỗi chợ một món ngon như mỗi nơi tại thành phố là một nét riêng khó lẫn. Ðó là xóm lao động nghèo nơi tình người chất chứa, hay khu trọ rẻ tiền mà mỗi người lại sống chan hòa, vì nhau. Ðó còn là cách những người xa lạ rộng rãi giúp đỡ nhau khi gặp khó, hay đơn giản chỉ là cách cư xử đẹp giữa tiểu thương với bạn hàng. Chất Sài Gòn, chất Nam Bộ được tô đậm dần theo sự trưởng thành của các nhân vật, bình dị nhưng đẹp đến nao lòng.

Gần 50 năm vào nam sinh sống, đây không phải lần đầu nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhắc đến Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, nhắc đến Nam Bộ trong tác phẩm của mình. Trong lần trở lại này, có những cảm xúc, ký ức rất khác so với các tác phẩm Còn chút gì để nhớ, Kính vạn hoa hay Nữ sinh, Phòng trọ ba người… “Tôi cảm thấy rất hứng thú không chỉ về mặt văn chương mà cả về mặt tình cảm nữa. Tôi sống trong Nam Bộ này từ năm 1973 đến giờ, rất nhiều kỷ niệm với Sài Gòn và mảnh đất miền tây nhưng lần đầu tiên mới viết về đặc tính của người Sài Gòn, người Nam Bộ. Với tôi, đây cũng là cách đền đáp ân tình của người con trai miền trung với mảnh đất miền nam đã cưu mang mình. Trước đây vài lần có nhắc đến người Sài Gòn, nhưng đó là trong thơ hay tạp bút mà thôi; với truyện dài, thì Con chim xanh biếc bay về là lần đầu tiên”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thổ lộ.

Không chỉ dạo chơi ở Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, trong truyện lần này tác giả còn dành một chương viết về thôn quê, viết về xuất thân của nhân vật. Mà thôn quê đó là miền Tây Nam Bộ chứ chẳng phải chợ quán Ðo Ðo hay thị trấn Hà Lam quen thuộc ngày nào. Khác với sự ngây thơ, vô lo trong loạt truyện chọn bối cảnh Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh 20 năm trước, Sài Gòn trong mắt nhà văn quê gốc Quảng giờ đây đã thấm hơi thở của bộn bề, lo toan, của tấp nập, kẹt xe. Nhân vật trong truyện là những người trẻ từ các nơi tụ về thành phố học tập, mưu sinh rồi yêu đương, trăn trở cuộc đời. Gian nan nhiều và hoài bão cũng lắm, họ dần nếm những cung bậc cảm xúc mà Sài Gòn trao tặng. Có kịch tính, có nước mắt và cả đau khổ nhưng rồi sau tất cả vẫn là sự hạnh phúc, bình an trong trái tim mỗi người.

Ðiểm nhấn quan trọng và điều khiến người đọc ấm lòng nhất chính là cái đẹp tinh tế mà tác giả gửi gắm vào cốt truyện. Dù có thất bại, khổ đau hay vượt qua bao mỏi mệt thì các nhân vật như Lương, Sâm hay Khuê trong Con chim xanh biếc bay về vẫn khát khao sống tốt, sống tử tế, vẫn lạc quan tin vào ngày mai.

Vẫn phong cách quen thuộc, vẫn nét bút viết hóm hỉnh rất duyên, viết cảm động thì rất sâu, Nguyễn Nhật Ánh dìu bạn đọc đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, khóc cười, tức nghẹn rồi vỡ òa cùng các nhân vật. Kiểu viết tự sự đan xen với các tình tiết thắt - mở bất ngờ khiến người đọc không thể đoán được tiếp theo là gì cho đến khi đọc hết…

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết, dù gam màu chủ đạo của Con chim xanh biếc bay về là vui nhưng cũng có những chương bạn đọc sẽ thấy lòng chùng xuống. Ðó là cách ông chọn để tiếp xúc được với nhiều thân phận, nhiều cảnh đời, để khai thác các khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Ðó cũng là cách nhà văn chọn để thể hiện cái nhìn đa chiều về nơi mà nhiều người nghĩ chắc toàn hào nhoáng, sướng vui như Sài Gòn. Cái hồn của TP Hồ Chí Minh trong tác phẩm lần này vì vậy được chính tác giả đánh giá là “gần với ngày hôm nay hơn” so với loạt truyện thành công trước kia của ông.

Khi được hỏi đã chọn bối cảnh Sài Gòn sao cứ vấn vương quán chợ, Nguyễn Nhật Ánh cười hiền, giải thích: Nhà văn thường viết về những gì mà họ gần gũi, quen thuộc và hiểu rõ nhất. Với ông, sự gần gũi, quen thuộc ấy là những câu chuyện mộc mạc nhưng rất đời của từng nhân vật trong suốt hành trình tìm kiếm tình yêu, niềm vui sống. Với ông, Sài Gòn cũng vậy, đủ vui buồn như cuộc sống mỗi người phải trải qua, đủ ấm áp để thể hiện cái gọi là ân tình, sẻ chia. Sài Gòn lần này trở lại với dáng vẻ luyến lưu, thổn thức hơn…

Sau tất cả vui buồn, sách của Nguyễn Nhật Ánh bao giờ cũng vậy, luôn mở ra những lối thoát, hướng đi ngập ánh sáng cho nhân vật của mình. Năng lượng sống tích cực ấy được ông giữ gìn vẹn nguyên trong tác phẩm này: “Chúng ta không ai sống để chết, dù cái chết sớm muộn gì cũng vẫy gọi chúng ta. Cũng như vậy, chúng ta không yêu để tan vỡ, đặc biệt khi tan vỡ là điều chúng ta hoàn toàn tránh được. Trái tim trong lồng ngực mỗi người giống như chiếc đồng hồ đỏng đảnh, thỉnh thoảng tỏ ra mệt mỏi biếng lười, nhưng bạn yên tâm đi, rồi nó sẽ tích tắc chạy lại một khi thần tình yêu đã lên dây…”.

Bài và ảnh: GIA MỸ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/vun-dap-an-tinh-624740/