Vun đắp niềm tin

Là sự nghiệp của toàn dân, giáo dục rất cần sự quan tâm và sẻ chia của toàn xã hội, trong đó sự đồng hành của báo chí có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” khép lại với nhiều cảm xúc, không chỉ với các nhà báo, mà cả với những người làm giáo dục và quan tâm đến giáo dục.

Hơn 800 tác phẩm dự giải, đặc biệt là 80 tác phẩm vào vòng chung kết, đã đi sâu phân tích những vấn đề nóng của ngành, cận cảnh những mô hình, phương pháp dạy học tiên tiến, hiệu quả, cùng tham gia phản biện chính sách…

Đặc biệt ấn tượng là nhiều tác phẩm đã ghi lại những câu chuyện cảm động của các nhà giáo cắm bản, bám trường, bám lớp, tình nguyện gieo chữ nơi rẻo cao xa xôi, gương học sinh vươn lên nghịch cảnh, học giỏi... góp phần truyền cảm hứng, lan tỏa nhiều giá trị tích cực đến toàn xã hội.

Đã có không ít người rơi nước mắt và xốc lại tinh thần sau khi nghe câu chuyện của cô học trò người dân tộc Mông ở Bảo Lâm, Cao Bằng có tên Hoàng Thị Mũ trong tác phẩm Không gục ngã của VOV4 Đài Tiếng nói Việt Nam. Mất mẹ năm 7 tuổi, mất cha năm 10 tuổi, Mũ trở thành trụ cột gia đình, nuôi 2 em nhỏ, thế nhưng em vẫn cố gắng đến trường và học giỏi, nhận học bổng của Học viện Quảng Tây, Trung Quốc.

Từ trái tim đã chạm đến trái tim. Những tin nhắn, email kết nối chung tay hỗ trợ giáo dục vùng khó gửi đến thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Trà Mai, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam) càng dày hơn, khi Chuyện “Vỹ khùng” được phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Nam. Hy sinh tuổi trẻ để dạy chữ cho trẻ vùng cao, thầy Vỹ đã bỏ công kết nối để vận động xây dựng được 60 điểm trường, nhà ở cho học sinh và giáo viên, kêu gọi 18 nghìn phần quà, với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Không chỉ truyền cảm hứng qua khuôn hình, trang viết, những nhà báo có tác phẩm dự Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” còn trực tiếp chung tay hành động vì sự nghiệp trồng người. Tác phẩm “Bức thư bạn giúp bạn” mang về giải Khuyến khích cho nhóm tác giả Trịnh Chí Hải, Võ Duyên Hải (Đài Phát thanh và Truyền hình Cà Mau), cũng là sự đồng hành tuyệt vời của người làm báo với công tác giáo dục tại các địa bàn.

Từ tác phẩm báo chí này nhóm tác giả đã trực tiếp thực hiện một chương trình hết sức nhân ái. Qua những “tâm thư” mùa dịch của những người bạn cùng lớp, chung xóm, nhiều hoàn cảnh học sinh đã kịp thời được nhóm tác giả kết nối, hỗ trợ vượt qua ngặt nghèo, khó khăn để đến trường…

Đất nước ta có hơn 20 triệu học sinh, sinh viên, hơn 1 triệu giáo viên, cùng với hàng chục triệu hộ gia đình có con cái trong độ tuổi theo học. Mỗi thay đổi, điều chỉnh, cải cách… của ngành Giáo dục luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội. Cũng vì thế, giáo dục trở thành “mảnh đất” màu mỡ đề tài cho báo chí và theo đó ảnh hưởng của báo chí tới hoạt động giáo dục là hết sức to lớn.

Đồng hành cùng giáo dục, bản thân mỗi nhà báo, trong mỗi tác phẩm cũng đồng thời là một nhà giáo dục. Có thể thấy, ngay cả trong bài viết phản biện hay đấu tranh chống tiêu cực, các nhà báo dự giải không đứng ngoài, đứng trên để phán xét về giáo dục, mà luôn đứng ở nhiều góc độ để nhìn vấn đề, đặt mình trong trường hợp là học sinh, phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý để khách quan hơn và cho ra những sản phẩm hoàn hảo.

Là sự nghiệp của toàn dân, giáo dục rất cần có sự quan tâm và sẻ chia của toàn xã hội, trong đó sự đồng hành của báo chí có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Không chỉ giúp ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện chính sách, nâng cao chất lượng dạy học, những tác phẩm dự giải đã đặc biệt góp phần vun đắp niềm tin của xã hội vào sự nghiệp trồng người của nước nhà.

Có niềm tin thì có thêm sức mạnh, động lực để thêm nhiều cố gắng, nối dài thành công. Câu nói của nhân vật báo chí tiêu biểu Hoàng Thị Mũ bên lễ trao giải thật sự có sức cổ vũ lớn lao: “Bạn đừng vội bỏ cuộc khi còn có thể cố gắng. Không có gì là không thể, sự việc chỉ thực sự bế tắc khi bạn không còn cố gắng nữa”.

Gia Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vun-dap-niem-tin-post614701.html