Vun vén nguồn nhân lực cho nền kinh tế số
Nhân lực được xem là bài toán cấp bách trong tiến trình Việt Nam trở thành một nền kinh tế số, đặc biệt là nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.
Thiếu nhân lực cho kinh tế số
Việt Nam đã xác định phát triển nền kinh tế số là một trong những ưu tiên chiến lược để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Nhiều sáng kiến đã được triển khai, ví dụ như Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số giai đoạn 2025 - 2030, với mục tiêu tăng cường các dịch vụ trực tuyến công cộng, hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện năng suất lao động.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, kinh tế số hiện đóng góp khoảng 10% vào GDP của Việt Nam và mục tiêu là tăng tỷ lệ này lên 20% vào năm 2025.
Báo cáo của chương trình Aus4Innovation và CSIRO cho thấy, để thực hiện các mục tiêu này, Việt Nam cần tập trung vào ưu tiên hàng đầu là đầu tư vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thực tế, từ nhiều năm nay, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo các báo cáo từ Bộ Thông tin và Truyền thông và TopDev, từ nay đến năm 2025, Việt Nam cần thêm khoảng 500.000 lao động trong lĩnh vực công nghệ để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng. Hiện tại, nước ta có khoảng 530.000 lập trình viên, trong khi nhu cầu thực tế có thể lên tới 700.000 người.
Một trong những vấn đề lớn là sự chênh lệch giữa số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ và yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Mặc dù mỗi năm có khoảng 57.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp, chỉ khoảng 30% đáp ứng đủ yêu cầu công việc mà doanh nghiệp đặt ra.
Trong lĩnh vực AI, nguồn nhân lực càng khan hiếm hơn. Dù nhu cầu tuyển dụng nhân sự AI rất cao, Việt Nam chỉ có khoảng 700 chuyên gia AI làm việc trong nước, đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của thị trường.
Nâng cao chất lượng sinh viên ngành công nghệ
Trước thực tế này, việc bổ sung các ngành học liên quan tới lĩnh vực công nghệ gần như là yêu cầu bắt buộc với các tổ chức giáo dục. Từ đó, gia tăng lượng sinh viên ngành công nghệ, cũng như lực lượng lao động chất lượng cao trong tương lai.
GS.TS Raymond Gordon, Hiệu trưởng trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) tin rằng, việc phát triển chương trình đào tạo chất lượng cao luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang thiếu hụt nhân sự công nghệ.
Đó cũng là lý do BUV gần đây đã bổ sung các chương trình đào tạo mới, ở bậc cử nhân và thạc sĩ, bao gồm: ngành khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh, quản trị và đổi mới kỹ thuật số, kỹ thuật phần mềm, công nghiệp sáng tạo, công nghệ tài chính và phân tích dữ liệu.
Ngoài ra, còn có các ngành học phù hợp thời đại như: sản xuất phim và truyền thông, quản trị du lịch, quản lý tổ chức sự kiện, quản trị quốc tế, digital marketing...
Song song với đó, BUV còn gia tăng các đối tác là đại học uy tín tại Anh. Đặc biệt, có đối tác là tổ chức giáo dục nằm trong top 100 trường đại học hàng đầu thế giới, đứng thứ 3 tại Vương quốc Anh.
Theo lãnh đạo nhà trường, các chương trình đào tạo mới sẽ kế thừa và phát huy các lợi thế sẵn có của BUV gồm: cơ sở vật chất, giáo trình và chất lượng giảng dạy, cũng như phương pháp giảng dạy chú trọng vào việc tạo ảnh hưởng thực tiễn để các sinh viên trở thành những nhân tố đóng góp vào nền kinh tế số trong tương lai.
Bên cạnh yếu tố học thuật, BUV còn tăng cường quỹ học bổng nhằm mở ra cơ hội cho những sinh viên tài năng có cơ hội theo học tại trường.
Lời giải đại học số?
Tất nhiên, Việt Nam không phải quốc gia duy nhất gặp phải vấn đề đào tạo nhân lực. Để giải quyết vấn đề, nhiều quốc gia, điển hình là Hàn Quốc, Ấn Độ đã xác định chiến lược "đại học số" là giải pháp quan trọng để phát triển, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nhân lực số nói riêng.
Từ năm 1998, Chính phủ Hàn Quốc đã khởi động một dự án thử nghiệm triển khai 5 trường đại học số đầu tiên, mỗi trường do một tổ chức tư nhân xây dựng với mục tiêu là đào tạo được nhiều sinh viên hơn.
Cho đến nay, với khoảng hơn 50 triệu dân, Hàn Quốc đã có khoảng 20 trường đại học số. Trong đó, trường đại học số Seoul được xem là trường đại học số điển hình của Hàn Quốc và Châu Á.
Hằng năm, trường này đào tạo tới 40.000 sinh viên với lựa chọn học trực tuyến hoàn toàn, nâng cao năng lực đào tạo hơn 30% sinh viên so với truyền thống.
Tương tự, Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia xác định đại học số là giải pháp đột phá để phát triển nguồn nhân lực. Cho đến nay, Ấn Độ đã triển khai 3 đại học số.
Thủ tướng Ấn Độ - ông Narenda Modi coi đây là bước đi chưa có tiền lệ để giải quyết triệt để vấn đề giới hạn chỉ tiêu đào tạo tại các trường học. Việc phát triển đại học số có thể tăng chỉ tiêu từ 27% lên 50%, tức là có thêm 10 triệu dân Ấn Độ trong độ tuổi có thể tiếp cận với đào tạo trình độ đại học.
Hiện chưa có khái niệm thống nhất rộng rãi về đại học số nhưng có thể hiểu đơn giản, đại học số là chuyển đổi số giáo dục đại học, đưa toàn bộ hoạt động của trường đại học, của giảng viên, sinh viên lên môi trường số.
Và vì chuyển đổi hoàn toàn lên môi trường số, mô hình hoạt động của một trường đại học số trở nên linh hoạt và vượt qua nhiều giới hạn về không gian, thời gian mà một ngôi trường truyền thống gặp phải, dẫn tới dịch vụ giáo dục được tiếp cận dễ dàng hơn, đào tạo được nhiều hơn, chi phí rẻ hơn, với chất lượng tối thiểu tương đương.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/vun-ven-nguon-nhan-luc-cho-nen-kinh-te-so-d37452.html