Vùng bán đảo Cà Mau: Nông dân sản xuất lúa - tôm trúng mùa, được giá

Những ngày này, nhiều nông dân tại vùng bán đảo Cà Mau vào mùa cao điểm thu hoạch tôm càng xanh nuôi xen canh trên đất lúa (nông dân thường gọi mô hình tôm - lúa). Năm nay, mô hình 'con tôm ôm cây lúa' trúng mùa, giá cao nên nông dân phấn khởi, đón tết sớm.

 Nông dân xã Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) thu hoạch tôm càng nuôi xen canh với lúa

Nông dân xã Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) thu hoạch tôm càng nuôi xen canh với lúa

Hiện thương lái mua tôm càng xanh loại 1 giá trung bình từ 120.000 - 140.000 đồng/kg (tùy kích cỡ, cao hơn năm ngoái từ 10.000 - 20.000 đồng/kg). Anh Nguyễn Văn Tuấn (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) phấn khởi cho biết, gia đình anh nuôi tôm càng xen canh trên 2ha đất lúa. Sau gần 6 tháng thả nuôi, tôm đạt trọng lượng trung bình 12 con/kg, thu hoạch được 380kg, bán với giá 128.000 đồng/kg (cao hơn năm ngoái 12.000 đồng/kg). Trừ chi phí, gia đình anh Tuấn lãi hơn 40 triệu đồng. Với thu nhập này, gia đình anh đón Tết Nguyên đán sung túc hơn.

 Năm nay, tôm càng xanh được giá nên nông dân phấn khởi

Năm nay, tôm càng xanh được giá nên nông dân phấn khởi

Tại vùng bán đảo Cà Mau, Bạc Liêu là một trong những tỉnh có diện tích tôm lúa lớn (năm nay, diện tích hơn 46.000 ha). Tôm nuôi chủ yếu là tôm càng xanh, còn lúa phần lớn là giống ST24, ST25. Ông Võ Chí Ngoan, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, do hệ thống thủy lợi trên địa bàn được đầu tư dần hoàn thiện nên mô hình tôm lúa sản xuất ngày càng hiệu quả và bền vững. Sản xuất theo mô hình này không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu nên chi phí sản xuất rất thấp. Vì vậy, nếu tôm lúa đều trúng và được giá, lợi nhuận đem lại cho người dân rất cao.

 Mô hình lúa tôm được xem là bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu

Mô hình lúa tôm được xem là bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo Bộ NN-PTNT, diện tích sản xuất luân canh tôm lúa tại ĐBSCL khoảng 200.000ha, tập trung nhiều tại vùng bán đảo Cà Mau như tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Theo định hướng, đến năm 2030, toàn vùng ĐBSCL có 250.000ha tôm lúa. Qua thực tiễn, nông dân nhận thấy mô hình này mang lại nhiều hiệu quả như giảm chi phí, lợi nhuận xu hướng ngày càng tăng, thích nghi với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

TẤN THÁI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vung-ban-dao-ca-mau-nong-dan-san-xuat-lua-tom-trung-mua-duoc-gia-post776294.html