Vùng biển xám và vùng biển xanh ở Biển Đông - Những điều cần biết (kỳ 2)
Vùng xanh ở Biển Đông là vùng được quản lý để phát triển hòa bình và bền vững. Để có vùng biển xanh hòa bình các nước cần nỗ lực giải quyết hòa bình các tranh chấp biển.
Để có môi trường biển xanh bền vững cần có chính sách khai thác, sử dụng, quản lý bền vững tài nguyên biển và phát triển một nền kinh tế biển xanh dựa trên phát triển năng lượng xanh và năng lượng tái tạo góp phần giảm thiểu khí tải nhà kính.
Đại dương của chúng ta, tương lai của chúng ta
Nghị quyết 66/288 ngày 27/7/2012 của Đại hội đồng LHQ về “Tương lai chúng ta mong muốn” công nhận rằng đại dương, biển và vùng ven biển tạo thành một thành phần tích hợp và thiết yếu của hệ sinh thái Trái đất. Nghị quyết 71/312 của ĐHĐ LHQ ngày 6/7/2017 “Đại dương của chúng ta, tương lai của chúng ta” kêu gọi hành động thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 14: Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển để phát triển bền vững. Liên hợp quốc đã tuyên bố Thập kỷ khoa học đại dương vì phát triển bền vững (2021-2030) nhằm hỗ trợ các nỗ lực nhằm cải thiện điều kiện phát triển bền vững của đại dương.
Tại Hội nghị Đại dương thế giới năm 2015 đã đưa ra khái niệm: “Kinh tế biển xanh là một nền kinh tế biển phát triển bền vững, ở đó hoạt động kinh tế biển cân bằng với khả năng đáp ứng của các hệ sinh thái biển một cách liên tục”. Kinh tế biển xanh vừa đảm bảo cho kinh tế phát triển mà vẫn đảm bảo được sự phát triển của hệ sinh thái biển thông qua các phương thức như giảm phát thải carbon, tăng trưởng theo chiều sâu, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường.
Phát triển kinh tế biển xanh
Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển. Báo cáo “Kinh tế biển xanh - Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển” do Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố tháng 5/2022 đề xuất một kịch bản phát triển kinh tế biển xanh cho Việt Nam tới 2030 với các khuyến nghị:
Thứ nhất, giảm sản lượng đánh bắt thủy sản xuống mức sản lượng bền vững tối đa (~ 2,7 triệu tấn mỗi năm) thông qua việc giảm sản lượng đánh bắt 2% mỗi năm, bao gồm giảm 5% mã lực tàu ven bờ mỗi năm; duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản; và cải tiến quản lý để dẫn đến năng suất an toàn tăng 3,5% mỗi năm.
Thứ hai, thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các hoạt động sản xuất dầu khí; tăng cường bảo vệ môi trường; và tăng cường tham gia vào lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo trên biển mới nổi.
Thứ ba, mở rộng nhanh chóng các nguồn năng lượng tái tạo biển đạt 10.000 MW lắp đặt vào năm 2030, bao gồm ~4.500 MW gió gần bờ (chủ yếu là đồng bằng sông Cửu Long) và 5.500 MW gió ngoài khơi (chủ yếu là khu vực Nam Trung Bộ).
Thứ tư, thúc đẩy tăng trưởng du lịch: Khách quốc tế 8 - 10%/năm và khách nội địa 5 - 6%/năm đến năm 2030, đưa các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm cả nước biển dâng, vào quy hoạch du lịch.
Thứ năm, tăng vận tải biển lên 20,6% hoặc thị phần vào năm 2030; nâng khối lượng hàng hóa vận chuyển lên 787 triệu tấn; và mở rộng vận tải nội địa lên 289 triệu tấn. Phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng xanh từ biển là một trong những biện pháp chủ chốt.
Việt Nam đã cam kết với quốc tế giảm phát thải khí carbon về không (Net-Zero) vào năm 2050. Quy hoạch điện VIII (2022) dự tính các nguồn điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nguồn phát điện vào năm 2045, trong đó điện gió ngoài khơi đạt 7 GW vào năm 2030 và 87 GW vào năm 2050. Mục tiêu này phù hợp với Báo cáo Lộ trình điện gió ngoài khơi cho Việt Nam do Ngân hàng thế giới công bố năm 2021 đưa ra một kịch bản cao 70 GW vào năm 2050, với tầm nhìn một quốc gia thành công trong ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi và cho rằng: Việt Nam có thể đứng thứ 3 châu Á (sau Trung Quốc, Nhật Bản).
Cần giải pháp đồng bộ
Để làm dược điều này, theo tác giả bài báo này, Việt Nam cần nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ sau 1) Sớm nghiên cứu xây dựng hệ thống văn bản pháp lý cho phát triển điện gió (luật, cùng các văn bản, nghị định, thông tư, quy định kỹ thuật, quy chuẩn quốc gia về điện gió ngoài khơi); 2) Chỉ định 1 cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện quy hoạch tổng thể cấp quốc gia về phát triển điện gió ngoài khơi và cấp phép 1 cửa cho các dự án điện gió ngoài khơi; 3) Thúc đẩy việc sản xuất, nội địa hóa thiết bị cho việc phát triển và sử dụng các nguồn điện gió ngoài khơi; 4) Xây dựng kế hoạch hợp tác ngắn và dài hạn với các tổ chức quốc tế trong việc phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và tập huấn về nguồn điện gió ngoài khơi; 5) Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về phát triển và sử dụng năng lượng gió ngoài khơi; 6) Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi.