Vững bước bằng tầm nhìn xa
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản: Sau tín hiệu tích cực là… thách thức
(HNM) - Là một đất nước có tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ nằm trong số 15 nước phát triển nhất thế giới về nông nghiệp; trong đó, lĩnh vực chế biến nông sản đứng trong nhóm 10 nước hàng đầu... Đây là động lực, đồng thời mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển, nông dân nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, với những khó khăn, thách thức nội tại, ngành Nông nghiệp cũng cần phải có những bước đi đột phá, mạnh mẽ hơn nữa.
Vấn đề cốt lõi hiện nay để hiện thực hóa mục tiêu nói trên là ngành Nông nghiệp phải hướng đến sản xuất lớn, chuyên nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp được nhìn nhận giữ vai trò trụ cột. Nhưng, từ thực tế phát triển của ngành Nông nghiệp thời gian qua dễ dàng nhận thấy, dù số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã tăng, xuất hiện một số đơn vị quy mô lớn, nhưng so với tiềm năng, lợi thế thì vẫn còn rất khiêm tốn. Chưa kể, phần lớn doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ; năng suất lao động thấp; trình độ khoa học công nghệ chưa cao; số đơn vị tham gia sản xuất theo chuỗi không nhiều…
Trong khi đó, việc thu hút thêm doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng đang là một bài toán cần lời giải hữu hiệu. Có nhiều rào cản khiến nhà đầu tư không mặn mà, trong đó chủ yếu liên quan đến việc tích tụ đất đai; gặp nhiều rủi ro vì thời gian đầu tư dài, phụ thuộc thời tiết, dịch bệnh…
Nhìn rộng hơn, bản thân ngành Nông nghiệp cũng có không ít tồn tại, hạn chế vì quy mô sản xuất còn nhỏ, manh mún; thị trường tiêu thụ thiếu tính bền vững; tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, dẫn đến việc cạnh tranh thiếu lành mạnh; đòi hỏi về rào cản kỹ thuật, chất lượng của thị trường nước ngoài ngày càng khắt khe…
Thẳng thắn nhận diện những thách thức và nghiêm túc khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên để vững bước bằng tầm nhìn xa sẽ là “chìa khóa” thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra. Do vậy, việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17-7-2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững, là yêu cầu đặt ra ngay từ bây giờ đối với các cấp, ngành, địa phương.
Trên tinh thần đó, một yêu cầu tất yếu cần thực hiện là tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng tập trung hàng hóa; trong đó phải xây dựng doanh nghiệp là hạt nhân trong chuỗi liên kết với những phát triển đột phá về tích tụ đất đai, tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ, chính sách về tín dụng… Nông dân, các doanh nghiệp cũng phải nắm bắt cơ hội lớn đang rộng mở, đó là việc nước ta hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Trong bối cảnh thuận lợi - thách thức đan xen, doanh nghiệp cũng phải chủ động đổi mới phương thức quản trị, sản xuất, mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ để sẵn sàng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, với tiềm năng, thế mạnh hiện có, nhiệm vụ quan trọng là phải tạo dựng được các thương hiệu nông sản Việt Nam chủ lực, uy tín và chất lượng trên thị trường quốc tế.
Để chủ động hội nhập, phát triển, bản thân mỗi doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, những cam kết quốc tế, trách nhiệm bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… Đặc biệt, trong quá trình hợp tác, liên kết, doanh nghiệp cần bảo đảm tối đa lợi ích, thực hiện các chính sách xã hội đối với nông dân đã góp vốn hoặc đất đai để phát triển sản xuất, kinh doanh quy mô lớn.
Với những mặt thuận lợi đang có, cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần khởi nghiệp, đạo đức kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp để phát triển ngành Nông nghiệp bền vững, từng bước đưa nông sản Việt vươn ra biển lớn.