Vùng căn cứ cách mạng U Minh Thượng chuyển mình
Giữa những ngày tháng tư lịch sử, về vùng căn cứ U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang - 'chiếc nôi' cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang, chúng tôi cảm thấy tự hào về những đổi thay, phát triển của vùng đất anh hùng. Trong kháng chiến, lực lượng cách mạng đã cùng nhân dân kiên trì bám đất, đấu tranh diệt ác, phá kìm, phá cơ sở của địch, xây dựng lực lượng cách mạng và xây dựng chính quyền cơ sở, bảo vệ Khu ủy, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Trong thời bình, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân vùng căn cứ U Minh Thượng đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Trò chuyện với bà con tại Khu di tích lịch sử An ninh Khu IX (xã An Minh Bắc), người dân vùng Miệt Thứ (tên gọi thân quen để chỉ vùng U Minh Thượng) chia sẻ niềm vui với chúng tôi: Mới đây, tại "địa chỉ đỏ" này, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu. Qua 2 lần được công nhận, đến nay, Kiên Giang có 24 xã/thị trấn là xã An toàn khu và vùng liên huyện U Minh Thượng - An Minh - Vĩnh Thuận là vùng An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Đồng chí Nguyễn Quốc Khởi, Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng phấn khởi thông tin, năm 2023, giá trị sản xuất của huyện ước đạt 6.577 tỷ đồng, vượt 1,76% nghị quyết đề ra, tăng 6,13% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 5.332 tỷ đồng, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đạt 1.245 tỷ đồng, đều tăng so với cùng kỳ. Thời gian qua, UBND tỉnh Kiên Giang quan tâm đầu tư xây dựng, cơ cấu lại nền sản xuất, cải tạo đất đai và đẩy mạnh thương mại dịch vụ. Đảng bộ và chính quyền huyện đã linh hoạt, chủ động, quyết tâm thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng. Chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc được triển khai thực hiện kịp thời, đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa. Người dân năng động chuyển đổi sản xuất làm lúa chất lượng cao, nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả cao.
Minh chứng cho lời nói, đồng chí Nguyễn Quốc Khởi chỉ về hướng các tuyến kênh nội đồng và cho biết, hiện trên địa bàn huyện đã có 99,9% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,8 %. 15 tuyến kênh nội đồng vừa được triển khai phát triển mạng lưới điện với tổng chiều dài đường dây trung hạ thế là 33,8km. Các tuyến đường liên xã, liên huyện đều được bê tông hóa, toàn huyện có 95,18% trên tổng số hộ dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa…
Trong những năm qua, nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách đã giúp cho hàng ngàn đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng U Minh Thượng vươn lên thoát nghèo bền vững. Trước đây, gia đình chị Danh Thị Muội (SN 1988, hội viên phụ nữ Cạn Vàm A, xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng) có cuộc sống vô cùng khó khăn, cả nhà đi làm thuê, làm mướn, 2 đứa con nhỏ đang tuổi đến trường... Đến tháng 4/2019, chị Muội được đoàn thể xã tư vấn cách thức làm ăn thoát nghèo cũng như hỗ trợ vay vốn ban đầu. Chị Muội bàn bạc với chồng, rồi mạnh dạn đăng ký xin vay vốn hộ nghèo 20 triệu đồng để thực hiện mô hình nuôi heo. Gia đình chị Muội thực hiện mô hình vườn - ao - chuồng, xung quanh nhà chị trồng các loại rau, dưới mương nuôi cá. Rau cải chị mang ra chợ bán hàng ngày, cá khoảng 5-6 tháng thu hoạch một lần. Sau năm đầu thực hiện mô hình trên, gia đình chị thu nhập 120 triệu đồng, trừ các khoản chi phí chị còn lợi nhuận trên 40 triệu đồng và 5 heo con. Thấy mô hình có hiệu quả, chị tiếp tục đề nghị xin vay thêm số tiền 50 triệu đồng để mở rộng chuồng trại nuôi thêm heo. Đầu năm 2023, gia đình chị Muội được công nhận thoát nghèo.
Thượng tá Lê Văn Đấu, Trưởng Công an huyện U Minh Thượng cho biết, bà con nhân dân nơi đây hiền lành, chất phác, lo làm ăn, ý thức chấp hành pháp luật tốt. Theo Thượng tá Lê Văn Đấu, người dân xứ U Minh Thượng mang trong người dòng máu anh hùng, bất khuất, có truyền thống cần cù lao động sản xuất, đóng góp sức người và của, bảo vệ cách mạng. Bà con nhân dân đã chung tay, ủng hộ tích cực lực lượng Công an trong thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là việc chuyển hóa các địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự. Hiện trên địa bàn huyện có nhiều mô hình phòng, chống tội phạm phát huy hiệu quả cao mà nòng cốt là từ nhân dân địa phương như: "Tổ nhân dân tự quản không tội phạm và tệ nạn xã hội", "Camera an ninh", "Tiếng loa an ninh trật tự", "Đường dây nóng tố giác tội phạm", "Cổng rào an ninh trật tự", "Ánh sáng an ninh trật tự"… và đặc biệt là mô hình "Gần dân, sát dân" do Công an huyện U Minh Thượng triển khai thực hiện.
Thực hiện tuyên truyền về Đề án 06 đến người dân, Trung tá Đoàn Văn Nhanh, Phó Đội trưởng Đội Tổng hợp Công an huyện U Minh Thượng và Trung tá Nguyễn Ngọc Tấn, Trưởng Công an xã Minh Thuận đã tranh thủ giờ người dân về nhà sau khi đi làm đồng để gặp gỡ, trò chuyện. Trung tá Đoàn Văn Nhanh cho biết, Công an huyện đã triển khai tiếp nhận, giải quyết 11 dịch vụ công của Bộ Công an và triển khai phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ 5 nhóm tiện ích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Trung tá Nguyễn Ngọc Tấn cho biết, xã Minh Thuận là xã đông dân nhất tỉnh Kiên Giang với 17 ấp, tổng số dân trên 29.000 người. Dù là xã đông dân, diện tích tự nhiên lớn nhưng tình hình an ninh trật tự luôn được giữ vững, các địa bàn phức tạp đều được chuyển hóa thành công, người dân an tâm lao động, sản xuất. Ông Đặng Văn Bằng (SN 1964, ấp Minh Dũng, xã Minh Thuận) cho biết: "Từ ngày cán bộ Công an chính quy về làm Công an xã, tình hình an ninh trật tự rất ổn định. Mấy đứa nhỏ không dám quậy phá, trộm cắp không dám lộng hành. Rồi mình đi làm các thủ tục hành chính cũng thuận lợi, cán bộ hướng dẫn tận tình, vui vẻ".
Đồng chí Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, U Minh Thượng là vùng đất truyền thống cách mạng vẻ vang, anh hùng trong chiến đấu, hăng hái thi đua trong lao động, sản xuất và đang trên con đường xây dựng, phát triển, hội nhập. Thời gian qua, các cấp chính quyền chung sức, đồng lòng quan tâm chăm lo cho gia đình chính sách, đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, nhất là dành sự quan tâm đặc biệt đối với các Mẹ và gia đình của Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền quan tâm bố trí nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Chủ động cân đối ngân sách địa phương, huy động nguồn lực khác hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội tại các xã An toàn khu, vùng An toàn khu cách mạng.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/vung-can-cu-cach-mang-u-minh-thuong-chuyen-minh-i729571/